Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoạch định tầm nhìn dài hạn của tỉnh. Đây được xem là công cụ đặc biệt quan trọng trong quá trình định hướng, quản lý toàn diện các hoạt động phát triển KT - XH, phát triển không gian địa giới hành chính của tỉnh và là tiền đề để tỉnh phát triển toàn diện, hài hòa, bền vững trong tương lai.
Quy hoạch tỉnh phải mang tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược
Trong 10 năm qua, việc thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2011 - 2020 cơ bản đạt được nhiều kết quả trong thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, XVI đề ra. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như nền kinh tế tăng trưởng khá nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; quy mô nền kinh tế còn nhỏ; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; kết cấu hạ tầng xã hội chưa đồng bộ; các tiềm năng, lợi thế được nhận diện nhưng chưa được khai thác hiệu quả; sự kết nối, liên thông giữa các vùng kinh tế trọng điểm và các tỉnh trong khu vực còn hạn chế…
Một góc TP. Đông Hà hôm nay - Ảnh: T.T
Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 776/QĐ-TTg ngày 6/8/2020. Thực hiện Luật Quy hoạch, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5/2/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng làm trưởng ban, thành viên là thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố. Ban chỉ đạo đã ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, trong đó giao trách nhiệm cho Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực ban chỉ đạo, đồng thời là cơ quan lập quy hoạch tỉnh.
Xác định tầm quan trọng của công tác lập quy hoạch tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đưa nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, chương trình công tác trọng tâm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh hằng năm để chỉ đạo triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai như Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 29/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác lập Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 2/4/2021 của UBND tỉnh về tổ chức thực hiện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành và địa phương trong triển khai lập Quy hoạch tỉnh.
Để Quảng Trị bứt phá nhanh hơn trong thời gian đến, trên cơ sở những kết quả đạt được, việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa rất quan trọng, từ đó tạo đột phá chiến lược trong cải cách thể chế, biến thách thức thành cơ hội, tăng cường thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển KT - XH, củng cố QP - AN, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, việc lập quy hoạch theo một phương pháp tiếp cận hoàn toàn mới là cơ sở pháp lý quan trọng để kết nối đồng bộ, khắc phục những xung đột, mâu thuẫn nhằm phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế và cơ hội của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng |
Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai các bước tổ chức lựa chọn nhà thầu lập Quy hoạch tỉnh theo quy định Luật Đấu thầu. Theo đó, đã lựa chọn đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tỉnh là Liên danh Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Viện Chiến lược phát triển, Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp, Viện Năng lượng - Bộ Công thương, Tổng Công ty Tư vấn và thiết kế giao thông vận tải - CTCP, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, Trung tâm Tư vấn thông tin và truyền thông - Viện Chiến lược thông tin và truyền thông, Công ty Cổ phần Quy hoạch Hà Nội.
Với quan điểm lập Quy hoạch tỉnh phải mang tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu tổng quát quy hoạch tỉnh đến năm 2030 cơ bản là một tỉnh công nghiệp - dịch vụ, có nền kinh tế phát triển hài hòa giữa bốn mục tiêu: kinh tế - môi trường - quốc phòng - an ninh - hợp tác khu vực, quốc tế.
Tập trung khai thác các lợi thế của tỉnh trên tuyến hành lang hạ tầng theo hướng Bắc - Nam, Hành lang kinh tế Đông - Tây và khai thác hợp lý dải không gian ven biển. Chủ động xây dựng các biện pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu và ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
Đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; một trong những trung tâm năng lượng sạch và năng lượng tái tạo của khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và cả nước. Tham gia tích cực và chủ động vào các hoạt động giao thương, liên kết trên Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh
Là cơ quan thường trực ban chỉ đạo, chủ trì thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Chí Trung cho biết, tỉnh xác định một số ngành trọng điểm phát triển trong giai đoạn quy hoạch, trong đó năng lượng tái tạo là ngành trọng điểm với mục tiêu xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030.
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hình thành thương hiệu du lịch Quảng Trị trên cơ sở khai thác giá trị biểu tượng về sự hồi sinh mạnh mẽ từ đổ nát do chiến tranh tàn phá, ký ức chiến tranh, khát vọng hòa bình, phát huy lợi thế về biển đảo, sinh thái, văn hóa… và kết nối liên vùng trong hệ thống du lịch di sản miền Trung cùng các hành lang kinh tế quốc gia, quốc tế.
Xây dựng kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với hệ thống giao thông, trong đó trọng tâm là các trung tâm logistics tại khu vực Hải Lăng, Gio Linh, Cam Lộ và Lao Bảo. Phát triển công nghiệp chế biến với công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ để tạo ra giá trị lớn hơn trên quỹ đất hạn chế, với nhiều sản phẩm đặc sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng…
TP. Đông Hà mở rộng quy hoạch khu dân cư về phía bờ Bắc sông Hiếu tạo diện mạo mới cho đô thị - Ảnh: T.T
Qúa trình xây dựng Quy hoạch tỉnh, đơn vị tư vấn đã hoàn thành nội dung báo cáo theo từng giai đoạn (báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho ý kiến theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư...). Trong đó, xây dựng kịch bản tăng trưởng, các khâu đột phá, trụ cột phát triển và phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh, phương án phát triển không gian, lãnh thổ, đô thị, sử dụng đất và đề xuất các nội dung tích hợp vào Quy hoạch tỉnh theo quy định...
Đơn vị tư vấn đã hoàn thiện báo cáo giữa kỳ Quy hoạch tỉnh để tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành và địa phương liên quan, trình thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27/9/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng cũng như đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030. Các cấp, ngành, địa phương xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ trong cung cấp thông tin, đề xuất nội dung, tham gia ý kiến góp ý hoàn thiện nội dung báo cáo quy hoạch.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lựa chọn, hợp tác với tổ chức Singapore Cooperation Enterprise để xây dựng “Báo cáo nghiên cứu định vị kinh tế cấp cao tỉnh Quảng Trị”; hợp tác với Sakae Advisory - Surbana Jurong xây dựng “Ý tưởng Quy hoạch tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu tham gia phản biện...
Xây dựng hoàn thiện Quy hoạch tỉnh chính là cơ sở quan trọng cho việc đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển kinh tế xanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, triển khai kế hoạch phát triển KT - XH và kế hoạch đầu tư công trung hạn trong các giai đoạn 2021-2025, 2026- 2030 và các giai đoạn tiếp theo của tỉnh Quảng Trị.
Thanh Trúc