Tìm đồng đội, người bạn học năm xưa
QTO - Quê tôi ở Vĩnh Linh, Quảng Trị, nơi đầu cầu giới tuyến, nơi có thể nói là ác liệt nhất trong những năm tháng đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Năm 1967, lúc 12 tuổi tôi cùng hàng vạn học sinh Vĩnh Linh được Đảng và Bác Hồ quan tâm đưa ra miền Bắc ăn học. Hồi đó chúng tôi được gọi bằng cái tên rất đỗi thân thương “Học sinh K8”.

Tìm đồng đội, người bạn học năm xưa

Quê tôi ở Vĩnh Linh, Quảng Trị, nơi đầu cầu giới tuyến, nơi có thể nói là ác liệt nhất trong những năm tháng đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Năm 1967, lúc 12 tuổi tôi cùng hàng vạn học sinh Vĩnh Linh được Đảng và Bác Hồ quan tâm đưa ra miền Bắc ăn học. Hồi đó chúng tôi được gọi bằng cái tên rất đỗi thân thương “Học sinh K8”.

Sau gần 2 tháng hành trình gian khổ dưới mưa bom, bão đạn, đêm đi, ngày nghỉ, chủ yếu là đi bộ, tôi cùng bạn bè đặt chân đến Nam Hà. Tôi được bố trí về chung sống, ăn học tại nhà ông Lê Đức Trường ở thôn Mạc Hạ, xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Nam Hà.

Lê Đức Kiên là con trai đầu của ông Trường, là bạn học của tôi suốt 3 năm cấp 2. Những năm tháng tuổi thơ, tôi cùng Kiên sống chung một nhà, cùng ăn học, làm lụng với biết bao buồn vui chia sẻ. Công Lý đã trở thành quê hương thứ hai của tôi, nơi đọng mãi trong tôi nhiều kỷ niệm.

Tìm đồng đội, người bạn học năm xưa

Một góc tỉnh Hà Nam nhìn từ trên cao (Ảnh: Báo Hà Nam)

Cuối năm 1970 sau khi học xong cấp 2, tôi về Hà Tĩnh (nơi cha mẹ đang sơ tán) và sau đó về Vĩnh Linh tiếp tục học tập và sản xuất…Tháng 10 năm 1976 tôi nhập học sau khi thi đậu vào một trường đại học tại Hà Nội. Thời gian ở Hà Nội tôi có nhiều dịp về thăm quê hương thứ hai thân thương. Tốt nghiệp đại học cuối năm 1980, tôi được chọn đào tạo sĩ quan quân đội và nhập ngũ 5 năm, trong đó có 3 năm làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia.

Cuối năm 1985 tôi được chuyển ngành rồi lập gia đình, sống và làm việc tại Đà Nẵng. Sau nhiều năm xa, tôi hân hoan ra thăm Công Lý. Vui vì gặp lại những người thân yêu, nhưng tôi thật đau buồn khi nghe tin Lê Đức Kiên, người bạn học năm xưa, người đồng đội của tôi đã hy sinh trên đất bạn Campuchia.

Nhập ngũ năm 1973, Kiên là Phó chính trị viên đại đội thuộc Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 96, Sư đoàn 309, Quân khu 7. Điều đáng nói là Kiên mới về phép cưới vợ. Vợ Kiên là Đỗ Thị Liêm. Vợ chồng chung sống chưa đầy một tháng, Kiên trả phép và không bao giờ trở lại.

Thấy tôi về thăm, bố mẹ Kiên ôm chầm, dàn dụa nước mắt: “Con ơi! Con đã về đây còn thằng Kiên của bố mẹ giờ ở nơi đâu?”. Cổ tôi nghẹn đắng. Dù đã trải qua chiến tranh, đã chứng kiến bao hy sinh, mất mát của Nhân dân, người thân và đồng đội nhưng giờ đây tôi không sao cầm được nước mắt. Gia đình Kiên cho tôi biết đã mấy lần viết thư đến các cơ quan chức năng hỏi tìm nơi an táng của Kiên nhưng chưa nhận được hồi âm nào.

Tìm đồng đội, người bạn học năm xưa

Chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam - Ảnh: S.T

Theo bạn bè cùng đơn vị của Kiên trở về cho biết: Kiên hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ và được đồng đội chôn cất gần sân bay Batđomboong, Campuchia. Tôi lặng lẽ thắp nén hương tưởng nhớ bạn. Ảnh của Kiên trên bàn thờ có đôi mắt ngời sáng trong trang phục quân đội đẹp và rắn rỏi. Tôi như đang tâm tình cùng bạn: “Kiên ơi! Mình đang về thăm gia đình và Kiên đây nhưng giờ này Kiên đang ở đâu?”. Tôi cẩn thận xem giấy báo tử và những giấy tờ liên quan của Kiên, lòng thầm hứa với Kiên và gia đình sẽ cố gắng tìm ra phần mộ nơi Kiên yên nghỉ.

Tôi sao lại ảnh của Kiên và các giấy tờ liên quan thành nhiều bản và thay mặt gia đình Kiên viết thư gửi đến Ban chính sách Bộ Tư lệnh Quân khu 7; Phòng chính sách Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nam Hà; Chương trình Quân đội Nhân dân Đài Truyền hình Việt Nam và một số cơ quan khác nhờ tìm phần mộ của Kiên. Thư gửi đi, tôi thấp thỏm mong chờ.

Chừng một tháng sau vào lúc sáng sớm, chuông điện thoại nhà tôi đổ hồi. Tôi cầm ống nghe, đầu dây bên kia là tiếng của Thắng, em trai Kiên. Thắng vui mừng báo tin Bộ Tư lệnh Quân khu 7 mới có công văn hồi âm, báo tin cho gia đình biết cụ thể số mộ, hàng mộ, nghĩa trang nơi an táng hài cốt của Kiên ở tỉnh Đồng Nai (sau khi quy tập và đưa từ đất bạn về). Lòng tôi rưng rưng, vui mừng khôn tả. “Kiên ơi! mình sẽ đến với Kiên, với người bạn, người đồng đội”…

Nhắn tìm đồng đội từ lâu đã trở thành chuyên mục gần gũi, tin cậy của biết bao gia đình. Nhắn tìm đồng đội đã giúp bố mẹ Kiên khi tuổi cao, sức yếu tìm lại nguồn an ủi thiêng liêng - đó là mộ phần người con trai đã hy sinh tưởng chừng không bao giờ tìm được.

Nguyễn Xuân Tư

Nguyễn Xuân Tư