Tình hữu nghị đặc biệt Việt- Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững
* LÊ CÔNG TUYẾN – TUV, Hiệu trưởng trường Chính trị Lê Duẩn Trong không khí hân hoan chào mừng Quốc khánh nước CHDCND Lào và đặc biệt chào mừng sự thành công Đại hội Đảng các cấp của nước bạn Lào, chúng ta cùng ôn lại một số điểm cơ bản trong chặng đường đấu tranh và xây dựng nước Lào cùng mối quan hệ bền vững thắm thiết giữa hai nước Việt- Lào chúng ta. Lịch sử nước Lào trước thế kỷ XIV gắn liền với sự thống trị của Vương quốc Nam Chiếu. Vào thế kỷ thứ XIV, vua Phà Ngừm lên ngôi đổi tên nước thành Lạn Xạng (Vạn Tượng). Trong nhiều thập kỷ tiếp theo, Lào nhiều lần phải chống các cuộc xâm lược của Miến Điện và Xiêm. Đến thế kỷ XVIII, Thái Lan giành quyền kiểm soát trên một số tiểu vương quốc còn lại. Các lãnh thổ này nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Pháp trong thế kỷ XIX và bị sáp nhập vào Liên bang Đông Dương năm 1893. Trong thế chiến thứ 2, Pháp bị Nhật thay chân ở Đông Dương. Sau khi Nhật đầu hàng quân Đồng minh ngày 12/10/1945, Lào tuyên bố độc lập. Đầu năm 1946, Pháp quay trở lại xâm lược Lào. Năm 1949, quốc gia này nằm dưới sự lãnh đạo của vua SisavangVong và mang tên Vương quốc Lào. Tháng 7/1954, Pháp ký hiệp định Giơ-ne-vơ công nhận nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Lào.
 |
Khai giảng lớp đào tạo trung cấp LLCTHC cho cán bộ hai tỉnh Savannakhet, Salavan(Lào). Ảnh: TL |
Từ năm 1955 đến năm 1975, Vương quốc Lào lệ thuộc mạnh mẽ vào Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống Cộng sản tại Đông Dương, tình hình đó đã lôi kéo Lào vào cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, là yếu tố dẫn đến nội chiến Lào và một vài cuộc đảo chính. Thi hành Nghị quyết Đại hội II của Đảng Cộng sản Đông Dương (2/1951), ngày 22/3/1955, Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào khai mạc tại một khu rừng thuộc tỉnh Hưa Phen (Sầm Nưa). Đảng Nhân dân Lào lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin làm kim chỉ nam cho hành động, xác định kẻ thù của cách mạng Lào là đế quốc Mỹ, phái thực dân Pháp phá hoại hiệp định đình chiến và bè lũ tay sai của chúng. Đảng đề ra nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn mới là: “Đoàn kết, lãnh đạo toàn dân, phấn đấu hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thực hiện một nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng”. Từ năm 1968, được sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam đã hỗ trợ các đơn vị tham chiến cùng quân Pathét chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ. Sức mạnh tổng hợp của cách mạng Lào trong khối liên minh đoàn kết chiến đấu với các nước Đông Dương đã dồn đế quốc Mỹ và tay sai ở Lào vào thế bị động, khốn quẩn chưa từng thấy. Mỹ thấy không thể thắng được Pathét Lào bằng sức mạnh quân sự, do đó phải chấp nhận phương sách “hòa hoãn” với các lực lượng cách mạng Lào. Trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân các bộ tộc Lào đang ở giai đoạn bước ngoặt, Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Nhân dân Lào lần thứ II được khai mạc từ ngày 3/2/1972 - 6/2/1972 tại ViêngXay (Sầm Nưa) với 125 đại biểu, thay mặt cho hàng vạn đảng viên của Đảng đến dự đại hội. Sau khi phân tích sâu sắc tình hình quốc tế và trong nước, đại hội đã đề ra nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Lào: “Hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để tiến thẳng lên CNXH không qua con đường phát triển TBCN, làm cho nước Lào thành một nước hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng”. Đại hội cũng chỉ rõ nhiệm vụ, mục tiêu và phương thức đấu tranh với vùng giải phóng và vùng địch tạm chiếm. Vấn đề xây dựng đảng cũng được đại hội chú trọng đặc biệt nhằm làm cho “Đảng là nhân tố cơ bản quyết định nhất, bảo đảm mọi thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng”. Đại hội thông qua bản sửa đổi Điều lệ Đảng và đổi tên Đảng Nhân dân Lào thành Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 23 ủy viên chính thức và 6 ủy viên dự khuyết (1 nữ) trong đó Bộ Chính trị có 7 đồng chí, Ban Bí thư 4 đồng chí. Đồng chí Cayxỏnphômvihản được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, phong trào cộng sản Pathét Lào đã lật đổ chính quyền hoàng tộc. Ngày 29/11/1975, nhà vua Lào phải tuyên bố thoái vị, chấm dứt chế độ quân chủ Lào và nắm quyền lãnh đạo đất nước. Ngày 2/12/1975, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Lào quyết định xóa bỏ chế độ quân chủ, thành lập nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào. Đồng chí Suphanuvong Chủ tịch Neo Lào hắc xạt được cử giữ chức Chủ tịch nước, đồng chí Cayxỏnphômvihản Tổng Bí thư được cử làm Thủ tướng. Từ đó, ngày 2/12 được lấy làm ngày Quốc khánh của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào. Với thắng lợi vĩ đại đó, Đảng Nhân dân cách mạng Lào trở thành đảng cầm quyền. Sau hơn 30 năm ròng rã đấu tranh, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Lào đã kết thúc thắng lợi trọn vẹn. Việc khai sinh nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (2/12/1975) đã kết thúc vẻ vang cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các bộ tộc Lào kéo dài suốt 197 năm kể từ khi phong kiến Xiêm đặt ách thống trị Lào vào năm 1778. Đây là một thắng lợi oanh liệt nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của nhân dân các bộ tộc Lào. Với thắng lợi này, nhân dân các bộ tộc Lào bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, hòa bình và tiến bộ. Nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Lào là sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào mà tiền thân là Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào đã có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với Việt Nam. Mối quan hệ đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát: “Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Với đường lối đối ngoại đúng đắn của hai Đảng, hai Nhà nước, đến nay quan hệ hữu nghị giữa hai nước đã được nâng lên ở tầm cao mới, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Trong quan hệ hữu nghị ở tầm quốc gia đó cùng với bề dày lịch sử, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet, Salavan là những người bạn thủy chung son sắt từ trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung cho đến nay. Ngày nay, Quảng Trị đã có mối quan hệ hợp tác với hai tỉnh bạn trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác đào tạo cán bộ. Trường Chính trị Lê Duẩn Quảng Trị vinh dự được Thường vụ Tỉnh ủy giao nhiệm vụ đào tạo Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính cho hai tỉnh bạn. Dù chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc đào tạo học viên quốc tế nhưng nhà trường đã quyết tâm hoàn thành tốt đẹp khóa đào tạo thứ nhất cho 30 học viên của hai tỉnh và đang đào tạo khoá thứ hai với 30 học viên. Đây là trách nhiệm và cũng là vinh dự lớn góp phần cùng với cả tỉnh, cả nước vun đắp cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc ngày càng tốt đẹp hơn. Kỷ niệm 35 năm Quốc khánh nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào là dịp để chúng ta tìm hiểu, ôn lại những nét cơ bản về lịch sử khai sinh nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và truyền thống đoàn kết thủy chung giữa hai nước Việt - Lào. Chúc tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt-Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.