Sự trở về ấm áp
(QT) - Không phải là sự ám ảnh về cuộc chiến với những ký ức kinh hoàng như hầu hết những cựu binh Mỹ khi trở lại chiến trường xưa Việt Nam, những lần trở lại của Dick Hughes - “người cưu mang trẻ cơ nhỡ thời chiến” được chào đón bằng sự nồng ấm thân thiện và lòng biết ơn của những người từng được ông giúp đỡ và cả những người mới gặp ông lần đầu. Chuyến trở về thăm lại Quảng Trị trong tháng 10 vừa qua của Dick Hughes, dù ngắn ngủi nhưng thật sự ý nghĩa. Chuyến đi của Dick Hughes đến Quảng Trị rất lặng lẽ. Khi tình cờ biết được thông tin ông có mặt ở Quảng Trị và đang lưu trú tại khách sạn Hữu Nghị, thành phố Đông Hà, chúng tôi đã có cuộc hẹn với người đàn ông đặc biệt này. Từ sáng sớm ngồi đợi ở quán cà phê gần khách sạn, trông thấy Dick với dáng người cao lớn, mái tóc bạch kim thong dong từ phía khách sạn đi vào, chúng tôi cảm thấy hồi hộp. Dù đã có tuổi nhưng ở người đàn ông này, dường như nét phong độ không bị thời gian làm lu mờ, vẫn toát lên cốt cách của một nam diễn viên tài hoa, lãng tử từng một thời là gương mặt nổi tiếng của những bộ phim, vở kịch được thế giới biết đến.
 |
Dick Hughes và những “người em” được ông cưu mang ở Sài Gòn -Ảnh do nhân vật cung cấp |
Nổi tiếng trên phim ảnh, nhưng có lẽ với Việt Nam, người dân ấn tượng hơn với Dick Hughes là bởi ông chính là người từng cưu mang 2.000 trẻ “bụi đời” Sài Gòn thời chiến, cho đến ngày chiến tranh kết thúc. Mối lương duyên để ông gắn bó với Việt Nam cũng thật đặc biệt. Năm 1968, cuộc tiến công nổi dậy Mậu Thân đã tác động mạnh mẽ đến ý thức của người Mỹ đối với chiến tranh ở Việt Nam. Nhiều thanh niên tiên tiến của Mỹ, trong đó có Dick Hughes nhận thấy bản chất cuộc chiến không như những điều mà Washington tuyên truyền và họ đã xuống đường biểu tình công khai phản đối chiến tranh, chống lại lệnh kêu gọi nhập ngũ. Cùng với việc phản đối đi lính, vào tháng 4/1968, chàng diễn viên 24 tuổi Dick Hughes rời Boston, bỏ dở sự nghiệp diễn viên đang triển vọng để đến Sài Gòn với quyết tâm tìm hiểu sự thật về cuộc chiến tại Việt Nam. Dick kể rằng ông và một người bạn đã đi quyên góp để ông có thể đến Việt Nam dưới danh nghĩa là phóng viên của Trường đại học Carnegie Mellon, nơi ông tốt nghiệp khoa sân khấu. Đến Việt Nam vào năm 1968, Dick đi khắp nơi và đâu đâu cũng thấy trẻ cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn do chiến tranh thất lạc hay mất mát người thân. Dick đã cố gắng tiếp cận và làm quen với những đứa trẻ mà Dick nghe người ta gọi là “bụi đời”. Cảm thương với cuộc sống vất vả, vô gia cư của các em, Hughes muốn xây dựng cho chúng một nơi trú chân để có thể sống an toàn, không còn những đêm ngủ dưới chân cầu hay bãi rác. Ý tưởng này khởi nguồn cho việc ông cưu mang hàng ngàn đứa trẻ, lo cho chúng chỗ ăn, ngủ, nghỉ ngơi, tắm giặt…sau một ngày lao động mưu sinh. Dick đã đi tới các hội đoàn và cơ quan viện trợ để quyên góp mọi thứ thiết yếu nhằm cưu mang những người mà ông gọi là “các em” của mình. Dick thỉnh thoảng quay về nước, biểu diễn trên các sân khấu để gây quỹ cho những em có hoàn cảnh cơ nhỡ ở Việt Nam. Từ đóng góp của các nhà hảo tâm, Dick đã mở rộng thêm nhiều trung tâm đón nhận trẻ cơ nhỡ ở Sài Gòn và Đà Nẵng để cho các em có nơi cư ngụ. Dick còn chủ động phối hợp với Hội học sinh, sinh viên tại Sài Gòn để trò chuyện, khuyên bảo và dạy chữ cho các em. Trong suốt 8 năm ở Việt Nam, từ 1968 - 1976, Dick đã đón nhận và giúp đỡ hơn 2.000 trẻ cơ nhỡ. Hơn 18.000 người dân Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới đã đóng góp cho những “người em” của Dick có được mái ấm và được học tập. Ngay trước và sau khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, những người Mỹ ở Sài Gòn tìm mọi cách lên máy bay để trở về nước, nhưng Dick Hughes lại chọn ở lại Việt Nam thêm 16 tháng nữa. Một thời gian sau đó, Dick mau chóng nhận ra rằng bản thân mình sẽ không thể giúp những đứa trẻ cơ nhỡ này thêm nữa trong việc hòa nhập xã hội, đã đến lúc chỉ những người Việt Nam trưởng thành mới có thể làm được điều đó. Cảm thấy trọng trách của mình đã phần nào được hoàn thành nên Dick quyết định về nước vào tháng 8/1976 để tiếp tục nghề nghiệp của mình là diễn viên và làm báo. Dick Hughes là một trong những người Mỹ cuối cùng rời Việt Nam sau khi đất nước được thống nhất. Từ khi trở về nước, bên cạnh việc tiếp tục theo nghề diễn viên, Dick Hughes đã có nhiều nỗ lực trong việc hối thúc chính phủ và các công ty hóa chất Mỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Dick Hughes còn mở một website riêng chuyên thực hiện công việc này.
 |
Diễn viên sân khấu Dick Hughes chia sẻ cảm xúc khi trở lại Việt Nam - Ảnh: TT |
Những thông tin liên quan đến cuộc đời của Dick đã được chúng tôi tìm hiểu khá kỹ, nhưng khi gặp ông vẫn không khỏi ngỡ ngàng và có nhiều xúc cảm với người đàn ông có trái tim nhân hậu này. Chuyến thăm Quảng Trị lần này, Dick Hughes đã đi thăm lại cầu Hiền Lương, Cồn Tiên, Dốc Miếu, những địa danh mà ông từng tác nghiệp trong vai trò là phóng viên chiến trường. Ông chủ động sắp xếp một cuộc trò chuyện cùng chúng tôi vào buổi trưa sau khi ông hoàn thành chuyến đi khảo sát thực tế tại Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin và thăm một số gia đình bị ảnh hưởng nặng do chất độc da cam tại huyện Cam Lộ. Như để tạo niềm tin rằng ông sẽ quay lại và có cuộc trò chuyện như đã hứa, Dick đưa cho chúng tôi giữ 2 cuốn album mà ông xem như vật bất li thân, cũng là một cuốn nhật ký về khoảng thời gian ở Việt Nam của ông. Cuốn album chứa đựng rất nhiều những bức ảnh đen trắng về Dick thời trai trẻ cùng rất nhiều trẻ em lang thang, cơ nhỡ ở Việt Nam. Một trong hai cuốn album còn lưu giữ cả những bức ảnh chụp sau này khi ông gặp lại những “người em” một thời ông cưu mang và danh sách những người đã mất, trong đó có những em quê ở Quảng Trị. Đúng như lịch hẹn, sau khi khảo sát ở Cam Lộ, Dick đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện thân mật. Ông cho chúng tôi xem một số bức ảnh vừa chụp và nói rằng thật sự xót xa khi chứng kiến cuộc sống của những nạn nhân chất độc da cam mà ông vừa ghé thăm. Ông trải lòng với chúng tôi về những công việc và dự định mình đang theo đuổi: “Tôi bắt đầu làm công việc liên quan đến nạn nhân chất độc da cam từ năm 2005 và luôn cố gắng để cho người Mỹ thấu hiểu về vấn đề chất độc da cam ở Việt Nam. Đến hiện tại thì tôi nhận ra rằng mình phải trực tiếp đến những nơi bị ảnh hưởng như ở mảnh đất Quảng Trị này để chụp những bức ảnh, khi quay lại Mỹ có thể gửi tiếng nói đến Quốc hội cũng như nhân dân Mỹ về những gì mà tôi tận mắt thấy và gây quỹ hỗ trợ”. Ông cũng hy vọng với những thông tin, hình ảnh mà ông tận mắt chứng kiến, ghi nhận qua những đợt khảo sát về thực trạng cuộc sống của những nạn nhân chất độc da cam như thế này sẽ là bằng chứng sinh động để có thêm tiếng nói kêu gọi sự hỗ trợ, chia sẻ trách nhiệm của chính quyền và nhân dân nước Mỹ. Mong rằng ông sẽ còn có nhiều dịp quay lại Quảng Trị và tiếp tục có những dự án giúp xoa dịu nỗi đau da cam tại Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng. THANH TRÚC - THÀNH BẮC