Thi vị những con đường
TT - Mười năm Trịnh Công Sơn ra đi, nơi này nơi kia người ta rộn ràng tổ chức tưởng nhớ. Những ngày này tự dưng tôi không muốn mở bài hát nào của ông như thường ngày để nghe cả mà ngồi nghĩ về con đường vừa mang tên ông ở Huế.

Thi vị những con đường

TT - Mười năm Trịnh Công Sơn ra đi, nơi này nơi kia người ta rộn ràng tổ chức tưởng nhớ. Những ngày này tự dưng tôi không muốn mở bài hát nào của ông như thường ngày để nghe cả mà ngồi nghĩ về con đường vừa mang tên ông ở Huế.

Kiến trúc, lòng đường, vỉa hè, cây xanh, bảng hiệu hàng quán... là một khía cạnh khác; nhưng sẽ khó mà không dào dạt thi vị, nồng ấm đơn sơ khi rảo bước trên con đường gọi tên thôi đã gợi lên cảm giác này. Hãy thử “sống” trong không gian của cuộc điện thoại của ai đó gọi cho bạn hữu: “Mình (hoặc anh, em) đang uống cà phê X., đường Trịnh Công Sơn...”.

Ngã tư đường Hoa Phượng và Hoa Đào, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: CHÂU ANH
Đừng bảo con người sống không bằng những cảm giác giản dị nhất, với thế giới tinh thần như thế. Nên đừng nghĩ rằng tên đường phố chỉ phục vụ công năng giao dịch, cho nhu cầu liên lạc, quản lý hộ khẩu, vinh danh anh hùng, danh nhân, giáo dục về lòng yêu nước hay tranh thủ “trang bị” kiến thức lịch sử.

Tôi yêu đường phố dễ gần của tôi, một nếp nhà, một hàng cây, một ngõ phố thân thương... cũng đủ để tôi quyết bảo vệ nó tới cùng kia mà. Vì vậy nên ở phố núi Đà Lạt gần đây đã phát đi rõ hơn tín hiệu về “tư duy tên đường” hướng đến giá trị phổ quát, nhân văn, về nhu cầu tâm hồn cho phố phường: chính quyền đã lấy tên các loài hoa đặt tên cho đường phố.

Vậy là dễ thương làm sao khi hai con đường duyên dáng nhất được mang tên Mimôsa và Mai Anh Đào. Trong thị trấn xã Lát ở huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), chính quyền huyện từng trình lên hội đồng nhân dân huyện cho đặt tên đường mang tên hoa Đỗ Quyên, Phượng Tím, Phong Lan, Pensée..., bên cạnh tên của bao anh hùng, danh nhân khác. Người Pháp - một dân tộc nhiều kinh nghiệm trong kiến tạo hồn đô thị - chẳng từng dành những con đường tươm tất đặt tên Hoa Hồng, Hoa Lai-zơn (Glaieuls) ở Đà Lạt... đấy thôi.

Sự có mặt của con đường Trịnh Công Sơn cũng đã nói như thế: văn hóa luôn chiến thắng, cái gì thật và có giá trị sẽ được đặt đúng chỗ, trở về với đúng sự cao cả của nó trong lòng bất cứ ai.

Từ đây không chừng sẽ mở ra một thách thức mới đều khắp cho chính quyền ở nhiều đô thị khác về tư duy lẫn nhận thức trong vinh danh/đặt tên đường cho bất cứ ai đã cống hiến cho đời sống tinh thần của cộng đồng, đóng góp và làm giàu có lên quỹ văn hóa dân tộc.

Cũng như những giá trị cao vời khác của thiên nhiên, từ cỏ hoa, ngọn núi, dòng sông, biển đảo, thắng cảnh, di tích lịch sử... đều như đang thách thức các địa phương, các nhà kiến tạo đô thị quanh câu chuyện xướng tên nơi đường phố, vì rằng tâm hồn đường phố cũng cần những vẻ đẹp nhân văn, cần sự long lanh, hồn hậu và gần gũi.

NGUYỄN HÀNG TÌNH