Những tấm gương về nghị lực vượt khó
(QT) - Xuất thân trong hai gia cảnh hết sức đặc biệt nhưng Trương Thị Duyên và Trương Thúc Lập đều cố gắng vượt qua nghịch cảnh để sống vì các em nhỏ của mình. Nhọc nhằn chân lấm tay bùn với hy vọng xây đắp con chữ cho đàn em thơ, nhiều lúc tưởng chừng gục ngã không thể bước tiếp nhưng bằng nghị lực và tình yêu thương, những chàng trai cô gái thuộc thế hệ 8X này đã làm được những điều tưởng chừng không thể. Những “chiếc lá” mồ côi Căn nhà nhỏ của 9 chị em Duyên nép mình cô quạnh sau lũy tre cuối thôn Mai Xá, xã Gio Mai (Gio Linh, Quảng Trị). Thấy khách đến nhà, Duyên vội bỏ dở việc làm cỏ cho mấy luống rau sau vườn rồi vội vàng lên nhà tiếp chuyện. Thắp nén nhang lên bàn thờ bố mẹ, Duyên bắt đầu kể về câu chuyện buồn của gia đình mình. “Mẹ em qua đời sau một cơn đau nặng dù ba em đã cố tìm mọi cách chạy chữa. Lúc ấy em mới 17 tuổi nên bao gánh nặng công việc trong nhà đều do một mình ba gánh vác, em thương ba lắm nhưng không giúp được gì nhiều cho ba, thế mà có cơ cực mấy ba cũng không cho đứa nào phải nghỉ học giữa chừng”, nói đến đây, hai hàng nước mắt Duyên đã lăn dài trên má.
 |
Duyên (bên phải) và các em nhỏ của mình |
Nỗi đau mất mẹ chưa kịp vơi thì 4 năm sau, 9 chị em Duyên lại quấn lên đầu mình màu tang trắng để khóc thương cho người cha suốt đời lam lũ vì miếng cơm, con chữ của các con. Lao tâm lao lực quá sức vì kế sinh nhai nên cha Duyên đã ra đi để lại 9 đứa trẻ bơ vơ trên cuộc đời. “Bố mẹ đều lần lượt qua đời, dẫu có đau lòng đến mấy em cũng phải cố gắng sống để thay bố mẹ chăm lo cho các em. Em không thể để mấy đứa nhỏ bơ vơ, lại càng không thể để các em phải bỏ học…”, Duyên tâm sự. Để có tiền mua gạo, sắm sách vở, áo quần cho các em đi học... Duyên đã phải bỏ học để xin làm chân phụ việc tại xưởng chế biến hải sản gần cảng Cửa Việt. Với công việc tách vỏ tôm hàng ngày, mỗi tháng thu nhập của Duyên được 1,5 triệu đồng nhưng vẫn không thấm tháp vào đâu khi các em ngày một lớn và tiền học phí ngày một cao. Không bỏ cuộc, Duyên tiếp tục xin đi theo xe chở tôm về các xã của huyện Triệu Phong để giao tôm cho khách. Tuy công việc vất vả nhưng Duyên luôn cảm thấy vui vì bản thân mình có thể làm ra tiền để lo cho các em ăn học. Thương chị, cậu em trai lớn của Duyên là Trương Văn Quý (sinh năm 1988) cũng gác lại chuyện đèn sách khi vừa học đến lớp 11 để đi phụ hồ mong kiếm thêm ít tiền giúp chị gạo cơm, chợ búa hàng ngày. Trời mưa không đi làm được, Quý lại cùng chị Duyên theo xe về cảng Cửa Việt để làm thuê. Nhìn hai chị em Duyên suốt ngày lo lắng cho đàn em thơ, trong đó đứa nhỏ nhất mới tròn 5 tuổi mà bà con hàng xóm ai cũng mến thương và cảm phục. “Vất vả mấy tụi em cũng cố gắng chịu được, chỉ mong mấy đứa nhỏ học thật giỏi là tụi em không còn lo gì nữa anh à”, nhìn vào đôi mắt họ, tôi tin chị em Duyên và Quý sẽ làm được điều ấy. Cùng chung cảnh mồ côi và khát khao nuôi con chữ cho các em nhỏ như Duyên là chàng trai Trương Thúc Lập ở khu phố 4A, phường 2 (thị xã Quảng Trị). Dù mồ côi cả cha lẫn mẹ suốt nhiều năm qua nhưng chưa một lần Lập để cho mấy đứa em mình phải đói bữa. Hàng ngày 6 đứa em của Lập vẫn đều đặn cắp sách đến trường như bao đứa trẻ khác. Lập kể, cách đây gần 10 năm, căn bệnh ung thư đã cướp đi tính mạng của cha em, 4 năm sau mẹ em cũng qua đời vì căn bệnh quái ác ấy, để lại em và 6 đứa trẻ bơ vơ trong căn nhà tranh. Mọi gánh nặng như dồn hết lên đôi vai Lập khi mấy em nhỏ đang trong tuổi ăn, tuổi học. Nhiều đêm thức trắng mà nước mắt Lập cứ lăn dài trên má bởi sự lo toan, tính toán từng bữa ăn, từng cây bút, cuốn vở cho đàn em nhỏ. Nhớ lại những ngày tháng lúc cha mẹ vừa qua đời, giọng Lập ứ ngẹn: “Không nỗi đau nào bằng nỗi đau mất cả cha lẫn mẹ anh à! Lúc cha mẹ mất đi em cứ tưởng mình không vực dậy được nữa nhưng vì sợ các em hụt hẫng rồi sa ngã nên em đã cố gắng sống để lo cho các em với quyết tâm không cho đứa nào phải nghỉ học”. Nhìn chàng trai 25 tuổi có thân thể gầy còm nhưng đã tự tay nuôi 6 đứa em lớn khôn và được học hành tử tế mà không ít người phải thán phục trước nghị lực tuyệt vời ấy của Lập. Suốt ngày treo mình trên giàn giáo của những ngôi nhà cao tầng với công việc sơn tường, mỗi tháng Lập kiếm được chừng 2 triệu đồng. Lúc rảnh rỗi, Lập lại ra bến xe trước nhà để bốc vác hàng hóa, phế liệu cho các chủ vựa. Vì các em nên ai thuê ai mướn, Lập đều nhận làm, miễn sao công việc đem lại nguồn thu nhập chính đáng để nuôi đàn em thơ. Chắp cánh ước mơ cho đàn em thơ Chính sự nỗ lực vượt khó của Duyên và Quý mà những đứa trẻ mồ côi vẫn được tiếp tục đến trường. Không phụ lòng mong đợi, 6 em nhỏ của Duyên đã phấn đấu để trở thành những tấm gương sáng về nghị lực vượt khó học giỏi như em Trương Thị An, học sinh lớp 11 Trường THPT Phan Chu Trinh (TP Đông Hà). Em Trương Thị Bồng (lớp 5), Trương Văn Tý (lớp 3) và Trương Văn Thuận (lớp 2) nhiều năm liền là học sinh giỏi của Trường Tiểu học Gio Mai.
 |
Không khuất phục số phận, Trương Thúc Lập đã chắp cánh ước mơ cho đàn em thơ của mình |
Chỉ mới 15 tuổi nhưng em Trương Thị Bích, học sinh lớp 9, Trường THCS Gio Mai đã có thể giúp chị chăm lo cho các em nhỏ từ việc sắp xếp sách vở đến chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ. Bích còn là người có thành tích học tập nổi bật nhất trong 8 người em của Duyên khi em đạt giải 3 huyện môn Lịch sử. Rưng rưng nước mắt, Bích chia sẻ nỗi lòng của mình khi sớm sống cảnh mồ côi: “Lúc mẹ còn sống, dù nằm một chỗ nhưng tụi em vẫn thấy được sự quan tâm của mẹ từ ánh mắt, từ giọng nói. Mẹ mất rồi, tụi em bơ vơ lắm nhưng tụi em quyết tâm sẽ học thật giỏi để không phụ lòng chị”. Tối về, trong căn nhà nhỏ do Tổ Phật tử Chính Tâm chùa Quán Sứ - Hà Nội xây tặng, 9 chị em Duyên lại quây quần bên chiếc bàn học. Cả An và Bích dạy cho các em từng câu văn, con chữ đến từng phép tính đơn giản. “Sớm mồ côi cha mẹ nhưng 9 chị em Duyên đã biết đoàn kết, bảo ban nhau học tập. Các cháu xứng đáng là tấm gương về nghị lực vượt khó”, ông Lê Văn Phúc, Trưởng thôn Mai Xá không khỏi cảm phục trước nghị lực của chị em Duyên. Và cũng nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Hội Từ thiện tỉnh mà Lập và 6 em nhỏ của mình đã có một mái nhà kiên cố thay cho ngôi nhà tranh đơn sơ ngày nào. Mỗi lần Lập đi làm xa, cô bé Trương Thanh Tuyền (lớp 12) đã thay anh trai chăm lo cho các em. Người em sinh đôi cùng Tuyền là Trương Thúc Tính hiện đang theo học lớp 12 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Trị. Dù bị tật bẩm sinh nhưng Tính lại có năng khiếu vẽ tranh rất đẹp, ước mơ của Tính là được trở thành họa sĩ để chia sẻ nỗi đau với những người khuyết tật cùng chung cảnh mồ côi như em. Sau giờ đến lớp, các em Trương Minh Hiếu (lớp 10), Trương Khánh Ly (lớp 7) và Trương Minh Hóa (lớp 5) tranh thủ ra chợ Quảng Trị để bán từng cốc nước chè xanh hay mò cua, bắt ốc dưới dòng Thạch Hãn mỗi khi chiều về. “Dù điều kiện học tập còn nhiều thiếu thốn do phải vất vả mưu sinh nhưng nhờ nỗ lực phấn đấu mà các em Hiếu, Ly và Hóa luôn đạt học sinh tiên tiến trong nhiều năm liền đó anh”, Lập tự hào chỉ cho tôi những tấm bằng khen của các em được dán kín trên tường. Đó chính là công sức, là mồ hôi và nước mắt mà Lập và các em dành dụm được khi không còn bóng dáng cha mẹ bên cạnh. Có những lúc tưởng chừng phải gục ngã trên nỗi đau mồ côi nhưng bằng tình yêu thương và nghị lực phi thường, cả Duyên và Lập đã nén nỗi đau vượt qua nghịch cảnh để rồi chắp cánh ước mơ cho đàn em thơ. “Các em đã chịu thiệt thòi nhiều thứ, chỉ còn cách học chữ mới hy vọng đem lại tương lai cho các em”, câu nói của Duyên đến giờ vẫn khiến tôi cảm phục và xúc động trước nghị lực phi thường ấy. Bài, ảnh: LÊ ANH KHOA