Để người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
(QT) - Sau khi cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, tâm lý người tiêu dùng với hàng Việt Nam đã có sự chuyển biến rõ nét. Sức mua đối với các mặt hàng nội chất lượng cao tăng nhanh, nhất là vào các dịp lễ lớn và đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Đây thực sự là tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp và các thương hiệu trong nước. Để ngày càng phát huy lợi thế cạnh tranh của mặt hàng nội địa so với hàng ngoại nhập, điều cần nhất đối với doanh nghiệp là tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã và có sự điều chỉnh giá cả phù hợp. Sau vụ rau bội thu, chị Nguyễn Thị Hoá (Hải Lăng, Quảng Trị) dành dụm tiền sắm lại nồi cơm điện mới và ít vật dụng gia đình. “Đợt này tôi mua nồi cơm điện Thái Lan, tuy giá có đắt hơn nhưng dùng bền và tiện dụng”. “Sao chị không chọn mua nồi cơm điện do Việt Nam sản xuất, giá rẻ hơn mà mẫu mã cũng rất phong phú?, “Tôi cũng muốn dùng hàng Việt lắm, nghe ti vi nói nhiều về cuộc vận động dùng hàng Việt nhưng riêng nồi cơm điện thì tôi phải dùng hàng Thái thôi.
 |
Khách hàng tại thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đang chọn quần áo thương hiệu Blue. |
Năm ngoái nhà tôi cũng có mua một nồi cơm của Việt Nam sản xuất, nhưng chỉ sử dụng được hơn năm là cháy đèn, hỏng nắp, nấu cơm lúc khê, lúc nhão. Trong khi đó, nhà chị hàng xóm, dùng nồi Thái đã 5 năm rồi mà vẫn bền lắm, chưa hỏng bộ phận nào cả”. Với phép so sánh giản đơn “rất nông dân” đó, chị Hoá đã dành dụm tiền để mua cho bằng được nồi cơm điện Thái Lan. Không thảnh thơi dạo chợ mua sắm như chị Hóa, bà Lê Tư (thị xã Quảng Trị) tất tả chạy từ quầy thuốc này sang quầy thuốc khác tìm cho bằng được hộp thuốc Mage-B6 ngoại, tôi hỏi: “Loại thuốc này Việt Nam cũng sản xuất được, sao bà không sử dụng mà phải tìm mua thuốc của Pháp?”, bà Tư buột miệng: “Thì vẫn biết vậy nhưng tôi nghe nói thuốc nội không tốt bằng thuốc ngoại, nhất là các loại thuốc bổ như thế này. Tìm mua thuốc ngoại cho yên tâm”. Thực hư về câu chuyện chất lượng thuốc chúng tôi không thể đưa ra lời nhận xét đánh giá, song, dường như tâm lý “sính ngoại” đã ăn sâu vào trong tâm trí của người tiêu dùng Việt Nam, mà nguyên nhân gốc rễ vẫn xuất phát từ vấn đề chất lượng. Dùng hàng nội địa không chỉ là trách nhiệm của mỗi người dân, trách nhiệm đối với sự phát triển kinh tế chung của đất nước mà đó còn là cách tốt nhất để thể hiện lòng yêu nước. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng luôn đòi hỏi quyền được sử dụng những sản phẩm chất lượng tốt, giá cả phải chăng. Và thực tế đã chứng minh, bên cạnh việc quảng cáo, giới thiệu thương hiệu của các doanh nghiệp đến người tiêu dùng, những sản phẩm nào có sự cải tiến về chất lượng, mẫu mã, giá cả hợp lý thì sẽ lôi kéo được đông đảo người tiêu dùng. Những năm trước, chị Thu (thành phố Đông Hà) luôn chọn gạo Thái Lan cho bữa cơm hàng ngày của gia đình. Song, 2 năm trở lại đây chị chuyển sang dùng gạo chất lượng cao của Việt Nam. Hỏi lý do, chị Thu không giấu niềm vui: “Gạo nội địa những năm gần đây chất lượng được cải thiện đáng kể, gạo vừa dẻo, thơm và trắng không thua kém gạo Thái. Là người Việt chị em nội trợ chúng tôi cũng rất muốn sử dụng sản phẩm do bà con nông dân mình làm ra nhưng điều quan tâm nhất của chúng tôi vẫn là vấn đề chất lượng sản phẩm”. Không riêng gì mặt hàng lúa gạo, ngay cả các sản phẩm hàng may mặc chất lượng cao của Việt Nam cũng đã khẳng định thương hiệu và tìm được chỗ đứng vững chắc đối với người tiêu dùng. Từ khi khai trương đến nay, thương hiệu Blue đã tạo được niềm tin với khách hàng, nhất là những người tiêu dùng trẻ tuổi. Bắt chuyện với một đôi trai gái xách 2 túi quần áo có nhãn hiệu Blue, chúng tôi được biết, 2 bạn trẻ ở thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa). Cô bé kể, trên Lao Bảo hàng Thái Lan, Trung Quốc tràn ngập thị trường, đồ may mặc sẵn cũng phong phú về chủng loại song họ vẫn rất thích dùng hàng Việt Nam có thương hiệu. Áo quần Blue vừa bền, mẫu mã đẹp, trẻ trung, rất phù hợp với tuổi mới lớn và giá cả hợp lý. Cũng xuất phát từ nâng cao chất lượng và mẫu mã, những năm gần đây nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, để lại niềm tin đối với người tiêu dùng. Nhà máy gạch Tuy nen Minh Hưng, thị trấn Ái Tử là một minh chứng. Nhờ cải tiến về chất lượng và mẫu mã mà 2 năm trở lại đây sản phẩm gạch tuy nen của công ty được người tiêu dùng địa phương tin cậy sử dụng. Ông Lê Đình Sung, Giám đốc Nhà máy gạch Tuy nen Minh Hưng cho biết thêm: “Xác định đối tượng phục vụ của sản phẩm gạch tuy nen là từng hộ gia đình, nhà máy chúng tôi lấy phương châm cải tiến chất lượng, mẫu mã đặt lên hàng đầu, không chạy theo số lượng. Chất lượng sản phẩm ngày một nâng cao đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng địa phương và một số tỉnh lân cận như Quảng Bình. Sản phẩm tiêu thụ thuận lợi đã làm tăng doanh thu cho nhà máy, thu nhập của công nhân được đảm bảo ổn định hơn (bình quân 2,1 triệu đồng/người/tháng)”. Sở dĩ nhiều người tiêu dùng còn tìm đến với hàng ngoại nhập một phần do tư tưởng “sính ngoại”, nhưng nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn xuất phát từ chất lượng và giá cả. Thực tế thì không phải tất cả hàng ngoại nhập đều tốt và bền hơn hàng trong nước sản xuất, song người dân vẫn lựa chọn hàng ngoại vì hàng nội không có hoặc nếu có thì giá đắt, mẫu mã không đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tại nhiều vùng trong tỉnh, bánh kẹo Trung Quốc chiếm số lượng lớn trên thị trường và vẫn được người mua lựa chọn. Về chất lượng có thể không bằng hàng Việt Nam song hàng Trung Quốc lại chiếm ưu thế vì mẫu mã bắt mắt và giá rẻ, đây là một trong những yếu tố quan trọng lôi cuốn khách hàng. Bên cạnh việc làm thay đổi tâm lý người tiêu dùng hướng về hàng Việt, sử dụng hàng Việt, qua thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Đảng và Nhà nước, phần còn lại hoàn toàn dựa vào các doanh nghiệp. Không thể kêu gọi người tiêu dùng yêu nước mà phải mua và sử dụng những mặt hàng nội địa kém chất lượng, xấu về mẫu mã và giá cả không hợp lý. Để người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt, cách duy nhất là các doanh nghiệp phải cải tiến mẫu mã, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, chú trọng đến các đối tượng người tiêu dùng khác nhau để có sản phẩm phù hợp. Bài, ảnh: Lệ Như