Hiệu quả từ các dự án phát triển rừng ở khu vực Bắc Hướng Hóa
(QT) - Hướng Hoá (Quảng Trị) có diện tích đất tự nhiên khá rộng lớn. Thực hiện mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc, những năm qua, huyện Hướng Hoá đã tập trung triển khai các giải pháp thiết thực và hiệu quả trong việc bảo vệ và phát triển vốn rừng như: tăng cường công tác khoanh nuôi và tái sinh rừng, giao rừng tự nhiên cho cộng đồng và dân cư quản lý, khai hoang cấp đất cho nhân dân sản xuất, hạn chế tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng.  Một trong những chương trình đầu tư phát huy ...

Hiệu quả từ các dự án phát triển rừng ở khu vực Bắc Hướng Hóa

(QT) - Hướng Hoá (Quảng Trị) có diện tích đất tự nhiên khá rộng lớn. Thực hiện mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc, những năm qua, huyện Hướng Hoá đã tập trung triển khai các giải pháp thiết thực và hiệu quả trong việc bảo vệ và phát triển vốn rừng như: tăng cường công tác khoanh nuôi và tái sinh rừng, giao rừng tự nhiên cho cộng đồng và dân cư quản lý, khai hoang cấp đất cho nhân dân sản xuất, hạn chế tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng. Một trong những chương trình đầu tư phát huy hiệu quả lớn trong việc phát triển rừng ở Hướng Hoá đó là các dự án quy hoạch và đầu tư Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá theo Quyết định số 479/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Trị. Các dự án có mức đầu tư lớn và phát huy được hiệu quả trong những năm qua đó là dự án Hỗ trợ kỹ thuật chương trình môi trường trọng điểm và sáng kiến hành lang bảo tồn đa dạng sinh học (BCI), dự án MacAthur, dự án Cres, dự án Lâm nghiệp hướng tới người nghèo...

Trồng rừng trên đất nương rẫy ở huyên Đakrông. Ảnh: PV
Bên cạnh sự đầu tư của các dự án mang lại nhiều triển vọng về phát triển vốn rừng trên địa bàn, Hạt kiểm lâm Hướng Hoá đã triển khai kế hoạch cụ thể, sát thực từng vùng để thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả. Sắp xếp bố trí cán bộ có năng lực chuyên môn để tiếp nhận, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các dự án, bộ phận do Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện trực tiếp phụ trách. Bộ phận này phối hợp với cá cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chủ động xây dựng kế hoạch trồng rừng, làm giàu rừng tự nhiên, giao đất giao rừng cho các hộ dân trong vùng dự án quản lý, tuyên truyền vận động rộng rãi trong nhân dân về lợi ích của việc phát triển rừng, đồng thời tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng rừng cho nhân dân. Qua hơn một năm triển khai các dự án, công tác trồng và chăm sóc bảo vệ rừng tại các xã khu vực bắc Hướng Hoá đã có nhiều biến chuyển rõ nét. Đặc biệt là ở các vùng đệm của khu bảo tồn như: xã Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Sơn với các hoạt động trồng rừng nhằm mục đích cải thiện đời sống cho nhân dân. Đến nay Hạt kiểm lâm Hướng Hoá đã hoàn thành việc khoanh nuôi, trồng bổ sung 105 ha rừng tự nhiên ở thôn Tri, Chà Lỳ, Asóc và Cù Bai (Hướng Lập). Xây dựng 1 vườn ươm cộng đồng ở thôn Trăng, xã Hướng Việt để chủ động cây giống tại chỗ, đồng thời chuyển giao kỹ thuật gieo ươm cho người dân sản xuất lâu dài. Hoàn thành mô hình không gian ba chiều Khu bảo tồn thiên nhiên bắc Hướng Hoá đã mô hình hoá trực quan khu rừng đặc dụng, tạo cơ sở thuận lợi cho công tác quản lý, tổ chức thực hiện công tác bảo tồn thiên nhiên. Thông qua dự án MacAthur, Hạt kiểm lâm Hướng Hoá đã xây dựng kế hoạch bảo tồn trong 5 năm 2008-2013 đối với khu bảo tồn thiên nhiên và đã hoàn thành 2 bảng Quy ước bảo vệ rừng ở Hướng Phùng. Dự án Cres đã hỗ trợ hoàn thiện trồng 19,2 ha bời lời và 7200 cây mây nước phân tán ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, giao rừng tự nhiên 100ha cho người dân thôn Chênh Vênh quản lý. Các hộ nghèo trên địa bàn cũng đã dần tiếp cận được với công tác trồng và chăm sóc rừng nhờ hiệu quả của dự án Lâm nghiệp hướng tới người nghèo, vừa tạo điều kiện phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo, vừa nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân. Những hiệu quả bước đầu qua hơn một năm tiếp nhận và triển khai các dự án phát triển rừng ở khu vực Bắc Hướng Hoá đã cho thấy sự đổi thay rất lớn trong công tác trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện. Bước biến chuyển cơ bản có tính chất quyết định đó chính là sự thay đổi về nhận thức và cách làm của người dân. Các vùng hưởng lợi dự án đa số đều là đồng bào dân tộc thiểu số, vì thế những cách thức sản xuất cũ đã tác động xấu đến tài nguyên rừng. Đến nay, được tiếp nhận các dự án phát triển rừng, nhận thấy lợi ích của việc phát triển rừng không những bảo vệ môi trường sinh thái mà còn đem lại lợi ích kinh tế, xoá đói giảm nghèo, người dân đã từ bỏ tập tục lạc hậu đốt rừng làm rẫy, hăng hái tham gia nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tạo sự thống nhất cao trong cộng đồng về trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia các dự án bảo vệ, bảo tồn và phát triển rừng. Nhờ vậy, diện tích rừng toàn huyện được nâng lên đáng kể. Riêng năm 2008, Hướng Hoá đã trồng mới được 615ha rừng và 4,4 vạn cây phân tán, khoanh nuôi bảo vệ thêm 1.559 ha rừng tự nhiên, nâng độ che phủ rừng đạt trên 40%. Những kết quả khả quan này đang mở ra những bước phát triển mới cho công tác phát triển rừng trên địa bàn huyện Hướng Hoá, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc ở khu vực miền núi, vùng cao biên giới. Thanh Huyền