Vườn quýt trên đất phù sa
(QT) - Theo chỉ dẫn của người bạn, chúng tôi có dịp đến thăm nhà ông Ngô Hòa, ở khu phố 1, phường An Đôn, thị xã Quảng Trị, người đầu tiên ở Quảng Trị trồng giống quýt mang kí hiệu PQ1. Đưa chúng tôi đi thăm trang trại chăn nuôi gà và vườn quýt trĩu quả, ông Hòa nhớ lại: “Năm 2004 vợ tôi lâm bệnh nặng, các con đang tuổi ăn, tuổi học, gia cảnh túng thiếu trăm bề chỉ mình tôi xoay xở, cực lắm”. Gần 7 năm bà Lý, vợ ông Hòa không thể làm bất kỳ việc gì. Thương chồng con vất vả nhưng bà chỉ biết đắng lòng nằm trên giường bệnh lặng nhìn mình ông phải chạy ăn từng bữa, bao nhiêu khó khăn chất chồng lên đôi vai người đàn ông. Đói nghèo cứ quẩn quanh trong căn nhà đơn sơ với sáu miệng ăn đã không nguôi thôi thúc ông Hòa nỗ lực vươn lên giúp gia đình bớt cơ cực, mong lo cho các con ăn học tới nơi tới chốn. Sống trên mảnh đất quanh năm hai mùa mưa nắng, mùa khô thì như thiêu cháy, mùa mưa nước lũ ngập úng, như những hộ dân khác, ông Hòa trồng hoa màu nhưng hiệu quả đem lại không cao, bởi mấy tháng trời cật lực nhưng chỉ qua vài trận mưa lớn, chưa kịp thu hoạch thì toàn bộ rau màu đều úng ngập, thối rữa. Nhiều lúc ngồi nhìn đất vườn để hoang thấy xót lòng, ông quyết định đi tìm mua cây vải thiều về trồng nhưng rồi cũng không khá hơn là mấy. Tưởng chừng cái khó chồng lên khó thì cơ duyên đã đến với gia đình ông.
 |
Ông Ngô Hòa chăm sóc vườn quýt. |
Năm 2006 cán bộ Trung tâm cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quỳ (Nghệ An) vào Quảng Trị khảo sát nhân rộng giống quýt PQ1 ở huyện Triệu Phong. Được biết ông Hòa có lòng đam mê trồng cây ăn quả, theo sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, các cán bộ ở Trung tâm đã đến tìm hiểu và thử nghiệm mẫu đất, bước đầu nhận định khu vườn của ông Hòa có đủ điều kiện để trồng giống quýt PQ1. Trong lúc đang tìm hướng làm ăn thì nhận được hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, ông Hòa vừa mừng vừa lo không biết tiền vốn sẽ lấy ở đâu để mua cây giống. Ông quyết định bàn bạc với vợ, hôm sau đến ngân hàng trình bày mô hình kinh tế gia đình và cầm cố sổ đỏ xin vay vốn. Sau khi được cán bộ ngân hàng khảo sát cho vay vốn, ông lặn lội ra Nghệ An tìm mua giống quýt mới đưa về quê. Khi cây giống được đưa về, ông cùng con trai chặt phá vườn vải thiều, tiến hành đào hào, đắp cao đất vườn, tạo hố trồng quýt. PQ1 là giống quýt ghép, rễ bám sâu vào đất, chống chịu tốt với điều kiện khắc nghiệt của vùng lũ cũng như các loại sâu bệnh, phù hợp với khí hậu vùng Bắc Trung Bộ. Ban đầu ông Hòa chi phí cho giống, phân bón, nước tưới gần 30 triệu đồng trên diện tích 3000 m² để trồng 200 cây quýt. Song, sau 3 năm cây quýt mới có quả nên số tiền vay ngân hàng cùng lãi suất không thể xoay vòng đợi mùa thu hoạch vì vốn vay có thời hạn 5 năm. Để lấy ngắn nuôi dài, ông Hòa trích một phần vốn vay đầu tư chăn nuôi giống gà kiến thả tại vườn quýt để tận dụng diện tích. Ông nuôi lứa đầu hơn 500 con gà ấp trứng và lấy thịt. Đầu tư ban đầu vào giống gà gần 20 triệu đồng, vậy nhưng do dịch bệnh toàn bộ số gà bị chết. Vườn quýt đang đầu tư chưa cho thu hoạch, tiền vốn nuôi gà không còn, ông Hòa gần như rơi vào tình cảnh trắng tay. Không nản lòng, ông tiếp tục đi vay vốn được 10 triệu đồng kiên trì đầu tư nuôi gà. Rút kinh nghiệm, ông mua 200 con gà giống, chú trọng tiêm phòng cẩn thận. Mỗi tháng chi phí thức ăn, thuốc phòng bệnh cho gà gần 3 triệu đồng, 4 tháng ngót 12 triệu đồng. Để có tiền trang trải chi phí trong gia đình, mua thức ăn cho đàn gà, ông tận dụng diện tích trước nhà đúc bờ lô bán, lấy công làm lãi. Khi gà đến thời kỳ xuất chuồng ông tìm đến tận các đầu mối thương lái ở chợ, nhà hàng bán ra 1 kg giá 80 nghìn đồng. Mỗi con hơn 2 kg, ông thu được 30 triệu đồng mỗi lứa thu lãi 8 triệu đồng. Sau lứa gà đầu tiên, ông đầu tư mua 1.000 con gà giống, với 4 tháng chăm sóc, ông bán ra và thu lãi gần 40 triệu đồng. Năm 2009 gia đình ông vui mừng khôn tả khi vụ quýt đầu mùa sai trái, mỗi cây hơn 150 trái, bình quân 25 kg/cây. Vườn quýt thu hoạch vào tháng 12, chín muộn rải vụ đến hết tháng giêng nên thu hút một lượng lớn khách hàng đến tìm mua. Để mọi người biết đến giống quýt mới và tận mắt kiểm tra chất lượng, ông Hòa chịu khó đưa quýt đi chào hàng tận các quầy bán trái cây ở chợ thị xã, một số vùng khác trong tỉnh. Việc làm này giúp ông giới thiệu chất lượng giống quýt mới tiếp cận người tiêu dùng và thị trường. Tiếng lành đồn xa, sau khi thưởng thức quýt mới do ông Hòa trồng, các thương lái tìm đến đặt hàng tận vườn nhà. Ông bán ra 1 kg quýt với giá từ 20 nghìn đến 25 nghìn đồng. Với hơn 200 cây, mỗi năm cho thu hoạch 5 tấn, bán ra 125 triệu đồng, ông thu lãi hơn 50 triệu đồng từ vụ đầu. “Những ngày đầu cứ loay hoay mày mò kỹ thuật trồng và chăm bón có gì chưa rõ tôi lại gọi điện ra Trung tâm nhờ họ hướng dẫn thêm. Những lúc cây bị bệnh tôi phải đích thân ra tận Trung tâm mua thuốc về phun phòng bệnh”, ông Hòa cho biết. Ông dự định sẽ tìm đến các đại lý, siêu thị ở thành phố Đông Hà và các tỉnh lân cận chào hàng giống quýt mới với hy vọng khi tiếp tục mở rộng diện tích vườn quýt, tăng thêm năng suất sẽ có nơi bao tiêu sản phẩm ổn định, lâu dài, giá cả hợp lý. Đặc biệt, ông Hòa tin rằng trồng theo kỹ thuật quýt sạch với sự hướng dẫn của Trung tâm cây ăn quả Phủ Quỳ nên hy vọng khách hàng sẽ ưa chuộng. Sau gần 5 năm làm trang trại nuôi gà và 2 năm thu hoạch từ vườn quýt, ông Hòa đã trả hết số nợ vay ngân hàng. Có chút vốn tích lũy được, ông chuyển sang đầu tư trồng cây cao su. Hiện ông đang sở hữu 1,5 ha cây cao su. Làm ăn bắt đầu khấm khá, ông cất ngôi nhà hai tầng khang trang, lo thuốc thang chu đáo cho người vợ ốm đau và đầu tư cho con trai út đang học tại Đà Nẵng, người con thứ ba của ông đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. “Tận mắt gặt hái thành quả sau bao năm vất vả, tôi tin cây quýt sẽ giúp thêm nhiều người nông dân khác thoát nghèo, bởi sau hai năm đưa giống quýt ra thị trường thì số quýt tôi đang có không đủ cung cấp cho nhu cầu người tiêu dùng. Quýt PQ1 chín muộn vào dịp cuối năm và rải vụ ra giêng, hai nên các thương lái đến đặt hàng trước một hoặc nửa tháng thì mới có quýt để bán, nếu chậm hơn thì không còn quýt.” Qua tâm sự chân tình của ông Hòa, chúng tôi càng hiểu vì sao ông lại mạnh dạn tiên phong chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, mở rộng quy mô sản xuất, quyết tâm đưa giống quýt mới về quê lập vườn, mong tìm ra hướng làm ăn ổn định và lâu dài cho những người nông dân nghèo như ông. Hiện ông Hòa đang giúp đỡ một số hộ dân tại địa phương có nguyện vọng chuyển đổi sang trồng quýt nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Bài, ảnh: PHAN BẢO HÒA