Sôi động thị trường Tết Trung thu
(QT) - Tết Trung thu cận kề, đây cũng là thời điểm các tiểu thương xả hàng nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Những ngày này dọc các con phố như Hùng Vương, Quốc lộ 9, Lê Duẩn... hay các chợ đầu mối như chợ Đông Hà, chợ thị xã Quảng Trị đều tấp nập cảnh người mua kẻ bán. Sức mua ổn định Bà Trần Thị Gái (Số 11- Hùng Vương, TP Đông Hà), một đại lý bán bánh trung thu cho biết: “Mặc dù giá bánh năm nay tăng gần 15% so với năm ngoái nhưng đến thời điểm này, sức mua vẫn không giảm, nhu cầu ...

Sôi động thị trường Tết Trung thu

(QT) - Tết Trung thu cận kề, đây cũng là thời điểm các tiểu thương xả hàng nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Những ngày này dọc các con phố như Hùng Vương, Quốc lộ 9, Lê Duẩn... hay các chợ đầu mối như chợ Đông Hà, chợ thị xã Quảng Trị đều tấp nập cảnh người mua kẻ bán. Sức mua ổn định Bà Trần Thị Gái (Số 11- Hùng Vương, TP Đông Hà), một đại lý bán bánh trung thu cho biết: “Mặc dù giá bánh năm nay tăng gần 15% so với năm ngoái nhưng đến thời điểm này, sức mua vẫn không giảm, nhu cầu về các loại bánh trung thu không thua kém so với năm trước. Các loại bánh có hộp dùng để làm quà tặng rất hút khách, trung bình mỗi hộp có giá từ 150 - 170 nghìn đồng”. Qua khảo sát, chúng tôi được biết, thương hiệu bánh trung thu Kinh Đô vẫn được người dân ưa chuộng và chọn mua nhiều nhất, bên cạnh đó là các thương hiệu như Yến, Hữu Nghị, Bibica... Giá cả các loại bánh bình dân, loại 1 trứng, trọng lượng 250 gam có giá dao động từ 37 – 50 nghìn đồng. Các loại bánh đều được cải tiến về mẫu mã, thành phần sản phẩm, người mua có thể chọn nhiều dòng bánh khác nhau như bánh dẻo, bánh nướng, bánh xanh…

Tết Trung thu năm nay, người tiêu dùng chú trọng hơn đến việc mua đồ chơi truyền thống.

Tết trung thu năm nay, trên thị trường Quảng Trị tiếp tục có mặt nhiều loại bánh cao cấp, có giá từ vài trăm nghìn đồng đến hàng triệu đồng. Như dòng sản phẩm cao cấp Trăng Vàng của Kinh Đô, với hộp 4 bánh cho 8 loại sản phẩm có giá từ 400 nghìn đồng đến 1,4 triệu đồng. Thấy chúng tôi nghi ngại về khả năng “chạy hàng” những loại bánh này, bà Gái cho biết: “Năm nào cũng vậy, thời điểm trước Tết trung thu vài ngày, khách hàng có nhu cầu về loại bánh này mới đi mua. Chủ yếu là khách mua về để làm quà biếu, còn mua để dùng thì các loại bánh phổ thông vẫn bán chạy nhất”. Đặc biệt, Tết trung thu năm nay lần đầu tiên trên thị trường của tỉnh xuất hiện thêm bánh Trung thu cao cấp yến sào, với giá từ 444 nghìn đồng đến 650 nghìn đồng. Ông Trương Đức Phụ, Phó Ban quản lý chợ Đông Hà cho biết: “Từ đầu tháng 8 đến nay, chúng tôi đã phối hợp với ngành chức năng triển khai 3 đợt kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra đã phát hiện 26 lô bánh dẻo đã hết hạn sử dụng và đã cho tiêu hủy. Riêng các loại bánh trung thu rẻ tiền, không rõ nguồn gốc xuất xứ chưa có mặt tại chợ. Hiện tại, ở chợ chỉ có loại bánh trung thu Hồng Ngọc, tuy nhiên qua kiểm tra thì hầu hết các chủ cửa hàng đều chứng minh được nguồn gốc, hạn sử dụng”. Đồ chơi truyền thống lên ngôi Dạo một vòng quanh các tiệm đồ chơi trên đường Hùng Vương (TP Đông Hà), chúng tôi nhận thấy, đa phần các chủ tiệm đều chú trọng đến việc bán các loại đồ chơi truyền thống như: đầu lân, trống ếch, mặt nạ… Các loại đồ chơi sử dụng pin có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn được bày bán, tuy nhiên sức mua không cao. Theo các chủ tiệm bán đồ chơi thì nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý của người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến đồ chơi truyền thống, hàng Việt Nam chất lượng cao. Bước vào tiệm bán đồ chơi Tết trung thu tại 54 Quốc lộ 9, đập vào mắt chúng tôi là hàng chục đầu lân với đủ sắc màu, kích cỡ được chủ quán treo la liệt. Những bộ đồ múa lân, trống ếch, mặt nạ ... được xếp ra phía trước nhằm thu hút người mua. Thấy chúng tôi muốn tìm các loại đồ chơi điện tử, chị chủ quán chỉ vào góc tường nơi trưng bày ít đèn lồng dùng pin. Chủ tiệm Hoàng Thị Huệ nhận xét: “Những năm trước, vì thấy nhiều mẫu hàng đồ chơi dùng pin mới lạ nên người mua rất đông. Nhưng vài năm trở lại đây, người mua lại quay về với đồ chơi truyền thống. Tết trung thu năm nay, các loại đồ chơi như trống, đầu lân đều tăng giá vì vật liệu và công làm đều lên cao, tuy nhiên vẫn không ảnh hưởng đến sức mua”. Nhiều chủ tiệm bán đồ chơi chú trọng đến việc nhập về các loại đồ chơi đậm chất dân gian, trong đó đầu lân là loại hàng được nhập mạnh nhất. Giá mỗi đầu lân tùy vào kích cỡ có thể tăng thêm từ 10 - 50 nghìn đồng. So với giá năm ngoái, đầu lân đại tăng từ 550 nghìn đồng lên 600 nghìn đồng, đầu lân tiểu tăng từ 75 nghìn đồng lên 85 nghìn đồng. Mức tăng giá như vậy là khá cao nhưng nhiều em thiếu nhi vẫn chọn mua loại đồ chơi này. Mân mê chiếc đầu lân mới mua, em Lê Tuấn (14 tuổi) nói: “Em chọn đầu lân vì nó đẹp và giá vẫn rẻ hơn, an toàn hơn so với các loại đồ chơi chạy bằng pin”. Ông Đinh Văn Chiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Quảng Trị cho biết: “Qua kiểm tra, các chủ kinh doanh bánh kẹo, đồ chơi phục vụ Tết trung thu đều xuất trình đầy đủ giấy tờ, chứng minh được tính hợp pháp hàng hóa của mình. Xác định càng cận Tết Trung thu, thị trường dịp này sẽ trở nên phức tạp hơn, chúng tôi đã có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và sẽ xử lý nghiêm các chủ cơ sở kinh doanh không niêm yết giá bán, các loại bánh trung thu truyền thống không có giấy kiểm định, nguồn gốc. Riêng với đồ chơi, nếu không có tem hợp chuẩn CR sẽ bị tịch thu và tiêu hủy”. Bài, ảnh: HOÀNG SƠN