Đường Trường Sơn thời công nghiệp hóa (Bài 1)
(QT) - Đường Trường Sơn năm xưa gắn liền với ký ức chiến tranh ngập trong mưa bom, bão đạn quần thù. 50 năm đi qua, tất cả đã trở thành ký ức thẩm đẩm chất huyền thoại của lịch sử dân tộc. Cũng con đường ấy, bây giờ đang trở thành huyết mạch giao thông từng bước đưa đất nước tiến lên trên con đường CNH-HĐH. Bên đường, bản làng, đô thị mọc lên ngồn ngộn trong sắc màu cuộc sống. Bài 1: Sức trẻ trên đường Trường Sơn Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã ghi vào sổ vàng truyền thống của Binh đoàn Trường Sơn: "Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền Nam-Bắc, thống nhất nước nhà, là con đường tương lai giàu có của Tổ quốc ta". Dự cảm lớn của đồng chí Lê Duẩn về đường Trường Sơn đã được thế hệ trẻ Quảng Trị hôm nay hiện thực bằng mô hình làng thanh niên lập nghiệp (LTNLN) trên chính con đường Trường Sơn huyền thoại.
 |
Mùa cà phê trên làng thanh niên lập nghiệp Hướng Phùng. Ảnh: TH |
Làng “triệu phú” trong tương lai gần Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, cứ mỗi lần vào Quảng Trị công tác đều tranh thủ ghé thăm LTNLN Tây Vĩnh Linh. Nói chuyện với các hộ gia đình thanh niên trong làng, bao giờ ông cũng nhắc đi nhắc lại: "LTNLN Tây Vĩnh Linh là một mô hình kiểu mẫu của Trung ương Đoàn. Làm sao phấn đấu đến năm 2015, mỗi hộ có thu nhập khoảng 250 triệu đồng. Phải xây dựng nơi đây thành một ngôi làng giàu có, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của những người lính mở đường Hồ Chí Minh huyền thoại năm xưa, để làm ấm lòng hơn một vạn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc đang nằm lại mãi mãi bên kia đồi Bến Tắt - ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn". Năm năm (2004-2009) chưa phải là quãng thời gian quá dài đủ để biến một vùng đất hoang vu thành ngôi làng giàu có, nhưng thành quả vỡ vạc ban đầu của những chàng trai, cô gái từ nhiều vùng miền trên địa bàn huyện Vĩnh Linh lên LTNLN Tây Vĩnh Linh đã khai mở giấc mơ về những ngôi làng trù phú mang sức trẻ dọc đường Hồ Chí Minh. So với các LTNLN trong cả nước do Trung ương Đoàn đầu tư xây dựng thì LTNLN Tây Vĩnh Linh (Quảng Trị) thành lập muộn nhất (tháng 10/2004). Nhưng theo đánh giá của Trung ương Đoàn, đây là mô hình kiểu mẫu của sức trẻ trên con đường lập thân, lập nghiệp, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Định hướng phát triển kinh tế của làng là trồng cây cao su, cây ăn quả nhằm khai thác tiềm năng đất đai vùng gò đồi các xã Vĩnh Hà, Vĩnh Thủy, Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh) để làm giàu. Làng có 91 hộ gia đình, 320 nhân khẩu với tổng diện tích 550 ha, trong đó có 270 ha trồng cây cao su, còn lại là đất vườn, đất làm nhà và các công trình phục vụ dân sinh khác. Bình quân mỗi hộ được cấp 1 ha đất ở và đất vườn, 3-5 ha đất trồng cây cao su và được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh như điện, đường, nước sạch, hỗ trợ làm nhà ở... Sau 5 năm xây dựng LTNLN Tây Vĩnh Linh, đến nay các hộ gia đình đã ổn định cuộc sống (không có hộ nghèo) và nhiều hộ vươn lên làm giàu. Theo tính toán của các nhà kinh tế, đến năm 2012, khi cây cao su đưa vào thu hoạch thì LTNLN Tây Vĩnh Linh sẽ trở thành "làng triệu phú" với tổng thu nhập ước đạt trên 10 tỷ đồng/năm (bình quân thu nhập/năm của mỗi hộ gia đình đạt trên 100 triệu đồng).
Phạm vi quy hoạch: Đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận 30 tỉnh, thành phố: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Tây, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, có tổng chiều dài khoảng 3.167 km (trong đó tuyến chính dài khoảng 2.667 km, tuyến phía Tây dài khoảng 500 km). Hướng tuyến: - Điểm đầu: tại Pác Bó - tỉnh Cao Bằng. - Điểm cuối: tại Đất Mũi - tỉnh Cà Mau. - Các điểm khống chế chủ yếu: + Tuyến chính (dài 2.667 km) qua các điểm: Pác Bó, thị xã Cao Bằng, thị xã Bắc Kạn, Chợ Mới, Chợ Chu, đèo Muồng, ngã ba Trung Sơn, ngã ba Phú Thịnh, cầu Bình Ca (sông Lô), Km 124+500 QL2, ngã ba Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, cầu Ngọc Tháp (sông Hồng), Cổ Tiết, cầu Trung Hà, thị xã Sơn Tây, Hoà Lạc, Xuân Mai, Chợ Bến, Xóm Kho, Ngọc Lạc, Lâm La, Tân Kỳ, Khe Cò, Tân Ấp, Khe Gát, Bùng, Cam Lộ, cầu Tuần, Khe Tre, đèo Đê Bay, đèo Mũi Trâu, Túy Loan, Hoà Khương, Thạnh Mỹ, đèo Lò Xo, Ngọc Hồi, Kon Tum, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa, Chơn Thành, ngã tư Bình Phước, Tân Thạnh, Mỹ An, thị xã Cao Lãnh, cầu Cao Lãnh (sông Tiền), cầu Vàm Cống (sông Hậu), Rạch Sỏi, Minh Lương, Gò Quao, Vĩnh Thuận, thành phố Cà Mau, cầu Đầm Cùng, Năm Căn, Đất Mũi. + Nhánh phía Tây (dài 500 km) qua các điểm: Khe Gát, đèo U Bò, Tăng Ký, cầu Khỉ, Sen Bụt, Khe Sanh, Đắk Rông, đèo Pê Ke, A Lưới, A Đớt, A Tép, Hiên, Thạnh Mỹ. Nhu cầu vốn và phương thức huy động vốn xây dựng: - Tổng mức đầu tư ước tính cho cả giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2010 với quy mô mặt cắt ngang 2 làn xe là 41.020 tỷ đồng (không bao gồm kinh phí xây dựng 436 km đi trùng đã và đang được đầu tư bằng dự án khác). Tổng mức đầu tư sẽ được chuẩn xác trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng công trình. (Trích Quyết định 242/QĐ-TTg, ngày 15/2/2007 của Thủ tường Chính phủ) |
|
Lập nghiệp ở vùng biên Cũng trong thời gian này, ở đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (sát biên giới Việt- Lào), Huyện Đoàn Hướng Hóa tranh thủ nguồn vốn dự án di giãn dân vùng biên giới của Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 để đầu tư xây dựng LTNLN biên giới Mã Lai (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa). Chỉ khác là, trong khi LTNLN Tây Vĩnh Linh được đầu tư xây dựng hầu hết các công trình (kể cả khâu san ủi đất trồng cao su) thì ở LTNLN biên giới Hướng Phùng, các hộ gia đình thanh niên phải đánh vật với lau sậy, san lấp hố bom, giải phóng mặt bằng để lập làng. 30 hộ gia đình thanh niên đăng ký đi xây dựng LTNLN biên giới được cấp 2 ha đất ở và đất vườn/hộ; được hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu đồng tiền làm nhà, giếng nước và tiền hỗ trợ khai hoang trồng cây cà phê. Sau năm năm lập làng, đến nay diện tích trồng cà phê ở LTNLN Hướng Phùng đã đi vào thời kỳ kinh doanh (bình quân mỗi hộ trồng 2 ha cà phê, thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng). Điều đáng nói ở đây là trong khi các dự án LTNLN do Trung ương Đoàn đầu tư từ năm 2001 đến nay ở các tỉnh vẫn chưa mang lại hiệu quả cao, thì từ nhu cầu bức bách tách hộ, lập vườn của thanh niên, Huyện Đoàn Hướng Hóa đã đồng hành cùng thanh niên trên bước đường lập thân, lập nghiệp, xây dựng LTNLN biên giới rất thành công. Một dự án đầu tư mang lại hiệu ích kép, vừa phát triển kinh tế- xã hội, làm giàu cho thanh niên, vừa đảm bảo an ninh trật tự, thắt chặt tình đoàn kết anh em các dân tộc ở vùng biên giới. Từ thành công của LTNLN Tây Vĩnh Linh cũng như LTNLN biên giới Hướng Phùng, tháng 3/2009, Trung ương Đoàn tiếp tục đầu tư cho tỉnh Quảng Trị xây dựng LTNLN xã Hướng Hiệp (huyện Đakrông). Vậy là, trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng có ba LTNLN dọc tuyến đường Hồ Chí Minh. Ở đó, sức trẻ và khát vọng làm giàu của thanh niên đang viết nên tương lai giàu có trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Bài, ảnh: Thanh Hải