Tạo đà cho doanh nghiệp vượt khó
(QT) - Rất nhiều doanh nghiệp (DN) trong cả nước hiện đang lâm vào tình trạng rất khó khăn hoặc đối mặt với nguy cơ tạm ngừng hoạt động, phá sản bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ do COVID - 19. Sự vào cuộc kịp thời, tích cực của chính quyền các cấp cùng với nỗ lực của DN lúc này là rất cần thiết để tạo đà cho DN vượt khó.

Tạo đà cho doanh nghiệp vượt khó

(QT) - Rất nhiều doanh nghiệp (DN) trong cả nước hiện đang lâm vào tình trạng rất khó khăn hoặc đối mặt với nguy cơ tạm ngừng hoạt động, phá sản bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ do COVID - 19. Sự vào cuộc kịp thời, tích cực của chính quyền các cấp cùng với nỗ lực của DN lúc này là rất cần thiết để tạo đà cho DN vượt khó.

Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày vừa qua, chúng ta thấy rằng trong tất cả các phiên họp, buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc rất trăn trở trước thực trạng khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp vì COVID - 19, cùng với đó là những định hướng, quyết sách lớn và cụ thể để giúp DN vượt khó. Đơn cử như tại buổi làm việc với lãnh đạo các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn vào ngày 12/3/2020, sau khi nghe các doanh nhân báo cáo tình hình và kiến nghị, đề xuất, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những nỗ lực của cộng đồng DN trong cả nước. Đồng thời khẳng định, Chính phủ sẽ cải cách mạnh mẽ hơn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, toàn diện hơn cho DN hoạt động.

Cụ thể, sẽ có chương trình tổng thể hỗ trợ một cách toàn diện, giảm chi phí cho doanh nghiệp, kể cả miễn, giảm thuế, phí, lãi suất vay, giãn hoãn nợ, cho chậm nộp, kể cả thuế, phí bảo hiểm, đặc biệt là những lĩnh vực ngành nghề chịu tác động nặng nề do dịch bệnh. Đồng thời chuẩn bị một chương trình toàn diện, kỹ càng phục hồi kinh tế sau khi dịch kết thúc, đặc biệt những ngành nghề thiệt hại nặng cần tập trung hơn, bao gồm cả chương trình kích cầu… Đây là điều cộng đồng DN đang rất cần khi mà trong 2 tháng đầu năm 2020 cả nước đã có hơn 16.000 DN dừng kinh doanh có thời hạn, hơn 9.300 DN chờ hoàn thành thủ tục giải thể, hơn 5.600 DN không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, hơn 2.800 DN hoàn tất thủ tục giải thể. Từ đầu tháng 3 đến nay, rất nhiều DN điêu đứng vì COVID - 19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Ở Quảng Trị, COVID - 19 cũng đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, hộ kinh doanh cá thể và ảnh hưởng rất lớn đến các mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 của tỉnh. Cụ thể, từ đầu năm đến nay đã có 86 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2019; 22 DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khi chỉ có 57 DN thành lập mới, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ của nhiều năm gần đây… Để giúp DN địa phương từng bước vượt qua khó khăn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng khẳng định, UBND tỉnh sẽ thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp điều hành của Chính phủ về tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ DN. Trong đó, đặc biệt coi trọng chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các địa phương có biện pháp kịp thời, hiệu quả hỗ trợ các lĩnh vực, thành phần kinh tế chịu ảnh hưởng của COVID - 19 để khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí cho DN…

Quan điểm, chính sách của trung ương, của tỉnh đã có và để chính sách đi vào thực tiễn, trở thành “cú hích” giúp DN vượt qua khó khăn thì yêu cầu đặt ra với các ngành, các địa phương là cần vào cuộc một cách chủ động, trách nhiệm trong nắm bắt, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của DN cũng như hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN bình đẳng trong tiếp cận, thụ hưởng các chính sách hỗ trợ để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

COVID - 19 đang khiến nhiều DN điêu đứng nhưng DN cũng cần xem đây là cơ hội để đánh giá rõ hơn về năng lực, chiến lược phát triển của mình, từ đó có sự điều chỉnh, sắp xếp lại hoạt động cho phù hợp, nhất là trong cách thức quản lý, ứng dụng khoa học công nghệ, tìm kiếm sản phẩm, thị trường mới và tăng cường hợp tác liên kết…

Nhà nước kiến tạo và hỗ trợ, DN tự đổi mới sáng tạo sẽ là bước tạo đà quan trọng để DN vươn lên trong thời điểm khó khăn này.

Huy Nam