Người làm báo phải lăn lộn với thực tiễn và luôn biết “đãi cát tìm vàng”
(QT) - Tốt nghiệp Khoa phóng viên biên tập Trường Nghiệp vụ phát thanh truyền hình, anh Trần Đăng Mậu về công tác tại Đài PTTH Quảng Trị từ năm 1990. Là một nhà báo tâm huyết và đam mê với nghề, nhiều tác phẩm báo chí của anh đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả. Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6(1925-2013), phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc phỏng vấn anh TRẦN ĐĂNG MẬU xung quanh nghề báo. - Chào anh! Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, xin gửi đến anh cùng các đồng nghiệp lời chúc sức khỏe và gặt hái thành công trong công việc. Là một người đã hơn 20 năm gắn bó với PTTH, anh có thể chia sẻ với mọi người về những kỷ niệm của những ngày đầu làm báo?
 |
-Với mỗi người, làm bất cứ việc gì, nghề gì cũng đều có những kỷ niệm đáng nhớ trong những tháng ngày mới vào nghề. Đối với tôi, kỷ niệm của những ngày đầu làm báo thật khó phai mờ trong tâm trí. Tháng 3/1990, tôi về Đài Phát thanh Quảng Trị thực tập, một mình tôi với chiếc xe đạp cà tàng rong ruổi khắp các địa phương để thu thập tài liệu, viết bài. Tôi vẫn còn nhớ như in về phong trào chơi vé số tự chọn thời bấy giờ. Đi đến đâu cũng nghe người dân bàn tán về chuyện cầu cơ, xin số, một số người cứ sáng thì dịch thơ “đề” số, chiều đi đánh số, tối thăm dò kết quả, khuya lại đi cầu cơ. Cái vòng mê tín cứ như vậy hết đêm đến ngày, tệ hại hơn nhiều thanh niên sau khi thua hết tiền lại đánh đập vợ con, cầm cố tài sản, kéo theo nhiều hệ lụy như công việc đồng áng, sản xuất ngưng trệ, nhiều gia đình khánh kiệt cũng chỉ vì số tự chọn, số đề. Trước thực trạng đó, tôi thu nhập tài liệu, gặp gỡ các nhân vật trong cuộc để viết bài báo “Vé số tự chọn, làm trỗi dậy tệ mê tín dị đoan ở Quảng Trị”. Một thời gian sau, Báo Nhân dân đã đăng bài báo của tôi. Lúc đang ở Hà Nội, tôi nhận được thông tin là sau khi báo đăng bài viết của mình, HĐND tỉnh quyết định không tổ chức phát hành vé số tự chọn, những nhân vật, câu chuyện, địa phương cụ thể được nhắc trong bài báo cũng thấy được “chuyện” của mình để khắc phục. Cho đến nay bài báo ấy tôi vẫn giữ, xem như một kỷ niệm vào nghề. -Hơn 20 năm làm báo, bên cạnh những thước phim tài liệu anh đảm nhận vai trò đạo diễn, viết lời bình và trực tiếp bấm máy, anh còn có nhiều ý tưởng sâu sắc, mang đậm nét thời sự và có góc nhìn tư duy hình ảnh để làm nên những tác phẩm đạt giải thưởng báo chí của Trung ương, địa phương. Chúng tôi biết rằng, để có những tác phẩm ghi dấu ấn trong lòng công chúng đòi hỏi người làm báo phải trải qua quá trình lao động sáng tạo, nghiêm túc, cẩn trọng và nặng nhọc. Anh có nghĩ như vậy không? - Đúng vậy, để có những tác phẩm để lại dấu ấn trong lòng công chúng, nhà báo phải trải qua một quá trình lao động vất vả, đòi hỏi phải có vốn sống, tích lũy đề tài và không ngừng sáng tạo trong phong cách thể hiện. Những bài báo hay, thành công, trở thành nhà báo giỏi được dư luận và bạn đọc ngợi khen, không phải bỗng dưng mà có. Ðó là cả một quá trình lăn lộn với thực tiễn, yêu nghề, đam mê với nghiệp mình đang theo đuổi và luôn biết “đãi cát, tìm vàng”. Mảnh đất Quảng Trị có rất nhiều “kênh” để nhà báo khai thác, trong đó đề tài chiến tranh và cách mạng là muôn thuở, là “đặc sản” mà ít nơi nào có được. Bản thân tôi cũng không phải là ngoại lệ. Tôi còn nhớ vào năm 1997, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, tôi được lãnh đạo đài phân công thực hiện một chương trình truyền hình địa phương theo “đơn đặt hàng” của Truyền hình Việt Nam, có nội dung gắn liền ngày lễ trọng này. Tôi lên Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn ở lại một đêm tìm cảm hứng ghi hình. Khi đang ôm máy đi lang thang giữa nghĩa trang thì gặp một gia đình thân nhân liệt sĩ lên hương đèn để vọng người thiên thu, hình ảnh ngọn nến sáng lung linh, huyền diệu bên bia mộ liệt sĩ gợi lên một không gian hết sức huyền ảo. Tôi liền đưa ống kính thu trọn cảnh này. Ý tưởng phải ghi cho bằng được hình tượng ngọn nến đang rực cháy trên bia mộ liệt sĩ được nuôi dưỡng cho đến năm 2002, tôi trở lại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn làm phim tài liệu “Che mát hồn anh” nói về cây bồ đề thiêng ở nghĩa trang. Tôi mạnh dạn mời các sư thầy, đạo hữu ở chùa Cam Lộ lên Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn làm lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ. Trong không gian vang vọng tiếng kinh tiếng mõ, hơn 1.000 ngọn nến được thắp lên khu mộ thủ đô Hà Nội và Bình Trị Thiên. Mỗi ngọn nến ở mỗi mộ phần, làm bừng sáng lên mỗi hàng tên, mỗi dòng địa chỉ, như nhắc nhở chúng ta giữ mãi ngọn lửa nhiệt thành, sưởi ấm tình yêu quê hương đất nước mà các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để có ngày hôm nay. Vinh dự hơn là trong chương trình giao lưu nghệ thuật “Huyền thoại Trường Sơn” (tháng 7/2004), hình ảnh ngọn nến được tái hiện lung linh, bừng sáng trên các khu mộ của Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, tạo nên không gian ấm cúng huyền ảo rất đỗi linh thiêng.
 |
Nhà báo Trần Đăng Mậu (bên trái) đang phỏng vấn nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình -Ảnh: PV |
Khi đã có chất liệu, đề tài, vấn đề còn lại là hình thức thể hiện để không lặp lại chính mình. Cái khó của việc làm phim tài liệu là trăn trở với hình ảnh, có khi “ăn ngủ” với tư duy hình ảnh, nên cũng có những hình ảnh chỉ dùng 3 giây, nhưng phải lặn lội quay đi quay lại nhiều lần, chưa kể về thời gian, địa điểm xa xôi, cách trở. Ngoài những yếu tố trên, thì việc khai thác nhân vật, câu chuyện làm nền cho tác phẩm là mối quan tâm hàng đầu để tạo nên nội dung cần chuyển tải. Với những người làm báo, nhất là báo hình thì quê hương Quảng Trị đã cho chúng ta những chất liệu quý, vấn đề là chúng ta trân trọng đón lấy, khai thác thế mạnh của ngôn ngữ hình ảnh như thế nào và hình thức thể hiện ra sao để có những tác phẩm xứng tầm phục vụ công chúng. - So với các loại hình báo chí khác, truyền hình đang có ưu thế bởi tạo cho người xem tiếp cận thông tin một cách đầy đủ cả âm thanh, hình ảnh, cập nhật được với sự kiện đang diễn ra. Tuy nhiên truyền hình địa phương lại phải cạnh tranh với nhiều kênh truyền hình trong và ngoài nước đang phủ sóng rộng khắp. Để thu hút khán giả xem truyền hình địa phương, trên cương vị Trưởng Ban thời sự của Đài PTTH Quảng Trị, anh và các đồng nghiệp của mình đã có những giải pháp gì để không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình? -Hiện nay, trong thời đại bùng nổ thông tin, sự xuất hiện của ngày càng nhiều kênh truyền hình là điều tất yếu. Tuy nhiên, các chương trình thời sự trên sóng VTV, VTC, HTV…và các đài địa phương đều có chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả. Hàng ngày, hàng giờ đều có lượng khán giả đông đảo theo dõi thông tin trong tỉnh, trong nước và quốc tế, đó là điều đáng mừng. Với một đài địa phương, chương trình thời sự luôn được xem là “linh hồn” của Đài. Vậy làm sao để “linh hồn” đó lưu mãi trong lòng công chúng quả là khó. Hiện nay, với đội ngũ phóng viên còn thiếu, mỗi ngày đảm nhiệm sản xuất 4 chương trình thời sự phát thanh và truyền hình; chỉ riêng về truyền hình chúng tôi mới chỉ lo làm sao đáp ứng được thời lượng phát sóng, theo đó là đảm bảo về mặt nội dung, trước hết phải phản ánh đúng và trúng vấn đề cần thông tin, còn phản ánh hay là cả một quá trình lâu dài, đòi hỏi chúng tôi phải có nhiều nỗ lực hơn nữa. Chúng tôi hiểu được những khó khăn và áp lực công việc của những người làm thời sự nên lúc nào cũng động viên anh em, làm cho đủ khoán thì dễ, nhưng nếu không có sự nhiệt tình, tích cực của phóng viên, của cộng tác viên ở các đài huyện, thị xã, thành phố, thì hàng ngày rất khó đảm bảo về mặt thời lượng, chứ chưa nói đến chất lượng. Phương châm mà chúng tôi đặt ra là, trong một chương trình phải phấn đấu có đầy đủ tin tức về các mảng chính trị, kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, theo đó ít nhất có 2 phóng sự ngắn, đảm bảo tính vùng miền, hạn chế thông tin về những cái mà ai cũng đã biết, vì là truyền hình nên chú trọng đến khuôn hình sao cho không bị lỗi về mặt nghiệp vụ. Thời gian qua, việc khuyến khích phóng viên dẫn hiện trường cũng đáp ứng được yêu cầu, việc đặt đề tài cho các đài địa phương thực hiện phóng sự ngắn cũng đã góp phần làm phong phú thêm chương trình thời sự hàng ngày. Khác với báo viết và báo nói, quá trình biên tập chúng tôi hạn chế những lời bình mang tính tả, kể, thuật, vì ngôn ngữ hình ảnh đã nói lên tất cả. Chúng tôi đang phấn đấu thực hiện đưa tin ngắn gọn, kịp thời, hạn chế tin lễ tân, hội họp, thay vào đó là những phóng sự có vấn đề từ hiện thực đời sống, xã hội được dư luận quan tâm. - Cuối cùng, nếu được chia sẻ kinh nghiệm với những bạn trẻ mới bước vào nghề báo, anh sẽ nói điều gì? - Cuộc sống quanh ta luôn sôi động và đầy cám dỗ. Nghề báo là nghề đặc thù, phóng viên phải là những công dân gương mẫu. Xác định được những điều đó mới thấy sự gian nan vất vả của nghề báo, nhất là đối với những bạn trẻ mới bước chân vào nghề. Đã theo nghề báo, các bạn trẻ phải không ngừng học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, quan trọng là nắm bắt những chủ trương chính sách mới, để vận dụng vào tác phẩm; chịu khó học hỏi thực tế, ở trường đời, học hỏi những người đi trước có kinh nghiệm, luôn khiêm tốn, không có tác phẩm nào là “đỉnh cao” của chính mình. Biết tôn trọng tính khách quan, tính chân thật để phản ánh, đề cao bản lĩnh của người làm báo, không đưa thông tin một chiều, vụ lợi cá nhân mà quên đi lợi ích tập thể. Một vấn đề nữa là do áp lực công việc rất lớn, nên phải biết kiên nhẫn, mỗi khi đã đeo bám sự kiện, thì khó khăn mấy cũng biết tìm cách vượt qua, không bỏ cuộc. Nghề báo hấp dẫn sẽ lôi cuốn các bạn đi từ thú vị này đến thú vị khác, chúc các bạn thành công và yêu nghề. - Xin cảm ơn anh! PHAN HOÀI HƯƠNG (thực hiện)