Hướng đến nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống truyền thanh ở Hướng Hóa
(QT) - Hiện nay, hệ thống đài tuyền thanh cơ sở ở huyện Hướng Hóa vừa thiếu vừa xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là nhân dân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới. Do đó, việc đầu tư nâng cấp, phát triển hệ thống đài truyền thanh từ huyện đến cơ sở là rất cần thiết, là cơ sở quan trọng trong thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị ở địa phương.

Hướng đến nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống truyền thanh ở Hướng Hóa

(QT) - Hiện nay, hệ thống đài tuyền thanh cơ sở ở huyện Hướng Hóa vừa thiếu vừa xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là nhân dân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới. Do đó, việc đầu tư nâng cấp, phát triển hệ thống đài truyền thanh từ huyện đến cơ sở là rất cần thiết, là cơ sở quan trọng trong thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị ở địa phương.

Cán bộ Đài PT - TH huyện Hướng Hóa thực hiện chương trình phát sóng hàng ngày

Trước đây, toàn huyện Hướng Hóa có 13 xã, thị trấn được trang bị hệ thống đài truyền thanh cơ sở, sử dụng phương thức truyền dẫn bằng vô tuyến. Tuy nhiên, hiện chỉ có 4 đài truyền thanh (Tân Thành, Thuận, A Xing và thị trấn Lao Bảo) đang hoạt động; hệ thống truyền thanh ở 9 xã còn lại đã bị hư hỏng, mất mát các thiết bị truyền dẫn, phát sóng. Trong khi đó, các đài còn hoạt động thì được trang bị các máy phát với công suất chỉ 50W. Riêng tại thị trấn Lao Bảo, trong số 12 cụm loa truyền thanh tại 9/12 khóm thì đã hỏng 5 cụm, 7 cụm hoạt động yếu và xuống cấp. Ở xã Tân Thành có 7 cụm loa truyền thanh thì hỏng 4 cụm; tại xã Thuận có 11 cụm loa truyền thanh thì cả 11 cụm đã bị hư hỏng hoàn toàn; xã A Xing có 10 cụm loa truyền thanh thì có 5 cụm hỏng, 5 cụm hoạt động yếu và xuống cấp. Trang thiết bị của các đài cũng đã sử dụng lâu năm, lạc hậu, công suất nhỏ; các thiết bị truyền dẫn phát sóng tại các thôn, bản, khối, khóm thường xuyên bị hư hỏng, mất tín hiệu hoặc lệch tần số. Nhiều địa bàn do thiên tai làm hư hỏng, mất mát hoàn toàn các thiết bị của đài truyền thanh. Nguồn kinh phí phân bổ hàng năm cho sự nghiệp phát thanh cơ sở không có, kế hoạch duy tu, bảo dưỡng cũng như đầu tư phát triển hệ thống truyền thanh chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, cán bộ đài truyền thanh cơ sở vừa thiếu vừa không có chuyên môn, nghiệp vụ, chủ yếu là hợp đồng hoặc kiêm nhiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ tuyên truyền, xây dựng chương trình phát thanh, quản lý, sửa chữa thiết bị ở đài; không được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ nên chất lượng, hiệu quả hoạt động ở các đài truyền thanh không cao. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến hoạt động của đài truyền thanh cơ sở…

Trước thực trạng hệ thống truyền thanh ở địa phương ngày càng xuống cấp, với chỉ 18% số xã, thị trấn có đài và chỉ dưới 5% người dân trong toàn huyện được nghe đài truyền thanh của xã, thị trấn, UBND huyện Hướng Hóa đã xây dựng Đề án “Nâng cấp, đầu tư hệ thống đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn huyện Hướng Hóa giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Theo đó, mục tiêu của đề án nhằm phát huy các nguồn lực để nâng cấp và đầu tư phát triển hệ thống truyền thanh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của huyện, xu thế phát triển của ngành phát thanhtruyền hình tỉnh Quảng Trị, nâng cao chất lượng tuyên truyền, quảng bá địa phương. Từng bước mở rộng hệ thống đài truyền thanh cơ sở. Tăng cường hiệu quả của việc tuyên truyền, đưa thông tin về cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa. Đáp ứng nhu cầu về thông tin của người dân, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, mục tiêu xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Cụ thể, đến năm 2025, huyện có 100% xã, thị trấn có đài truyền thanh cơ sở; trên 90% thôn, bản, khối khóm có hệ thống cụm loa truyền thanh; 90 - 95% dân số trong toàn huyện được nghe đài truyền thanh cơ sở; trang bị đồng bộ các trang thiết bị chuyên ngành truyền thanh từ đài huyện đến đài truyền thanh cơ sở, đáp ứng công tác tuyên truyền trong thời kỳ mới. Nâng cao chất lượng và tăng thời lượng chương trình phát thanh; xây dựng biên tập chương trình phong phú, đa dạng nhằm thu hút người nghe. Việc đầu tư xây dựng hệ thống đài truyền thanh cơ sở được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2018 - 2020 đầu tư xây dựng 7 đài truyền thanh của các xã: Tân Lập, Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Tân, A Túc, Xy và Thanh với tổng kinh phí gần 1,9 tỷ đồng. Mục tiêu của giai đoạn này đến hết năm 2020 huyện đạt 50% xã, thị trấn có đài truyền thanh cơ sở hoạt động tốt; 51,5% thôn bản, khối khóm có cụm loa truyền thanh, khoảng 50% dân số trong toàn huyện được nghe đài truyền thanh cơ sở.

Giai đoạn 2 từ năm 2021 -2025, đầu tư xây dựng 11 đài truyền thanh của các xã Hướng Linh, Hướng Lập, Hướng Sơn, Hướng Lộc, Tân Long, Tân Hợp, Tân Liên, A Dơi, Ba Tầng, Húc và thị trấn Khe Sanh với tổng kinh phí hơn 2,9 tỷ đồng. Mục tiêu của giai đoạn 2 đến hết năm 2025 huyện đạt 100% xã, thị trấn có đài truyền thanh hoạt động tốt; trên 90% thôn bản, khối khóm có cụm loa truyền thanh, có khoảng 95% dân số trong huyện được nghe truyền thanh cơ sở. Dự kiến, nguồn vốn thực hiện đề án từ kinh phí ngân sách nhà nước và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí hơn 5,1 tỷ đồng.

Đề án “Nâng cấp, đầu tư hệ thống đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn huyện Hướng Hóa giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025” có ý nghĩa quan trọng, góp phần khắc phục triệt để những khó khăn về vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cũng như nguồn nhân lực, phát huy tác dụng và đảm bảo tính bền vững trong hoạt động của các đài truyền thanh cơ sở ở địa phương. Qua đó, nâng cao chất lượng, nội dung thông tin, tuyên truyền, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến từng thôn bản, khối khóm, giúp người dân tiếp nhận được các thông tin đa dạng, phong phú. Đồng thời, góp phần hoàn thành sự nghiệp xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, đưa nền kinh tế - xã hội của huyện Hướng Hóa phát triển nhanh, bền vững.

Ngọc Trang