Cùng hành động chống biến đổi khí hậu
(QT) - Lo ngại trước thực trạng biến đổi khí hậu, người nông dân các miền quê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị quyết định “tự cứu lấy mình trước khi quá muộn”. Họ đã thực hiện nhiều hành động cụ thể như bảo vệ rừng ngập mặn, trồng ớt trên cát trắng, phát triển diện tích mây dưới tán rừng... Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, có lẽ hơn ai hết, người nông dân Quảng Trị cảm nhận khá rõ từng “bước đi” của biến đổi khí hậu thông qua các hiện tượng kèm theo như nắng nóng gay gắt hơn; rét đậm, rét hại kéo dài; lũ lụt hoành hành; dịch bệnh lan rộng... Vì vậy, khi các mô hình giúp chống biến đổi khí hậu được triển khai trên địa bàn tỉnh, từ miền xuôi đến miền ngược, bà con đều tự giác tham gia. Có thể thấy quyết tâm của họ khi tận mắt chứng kiến những mô hình giúp chống biến đổi khí hậu như bảo vệ rừng ngập mặn; trồng ớt trên cát trắng; phát triển diện tích trồng mây dưới tán rừng...
 |
Người dân thôn La Tó trồng mây dưới tán rừng |
Trước đây, thực trạng thiếu mà lại thừa đất khiến chính quyền và nhân dân xã Hải Quế, huyện Hải Lăng không khỏi trăn trở. Trong khi người dân cần nhiều đất để nuôi trồng các giống cây con cho năng suất cao thì những đồng cát trắng lại trải dài một cách... vô nghĩa, thậm chí còn dần lấn chiếm diện tích đất sản xuất của địa phương. Từ khi dự án trồng ớt trên cát trắng do Sở NN&PTNT tỉnh cùng Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung phối hợp với huyện Hải Lăng triển khai, bà con đã tìm ra hướng phát triển sinh kế bền vững, đồng thời góp sức chống lại thực trạng biến đổi khí hậu. Cây ớt không xa lạ với người dân xã Hải Quế, tuy nhiên, hiếm hộ dân nào trồng đại trà giống cây này vì lo ngại đến lợi ích kinh tế. Thế nên, buổi đầu triển khai mô hình trồng ớt trên cát trắng, bà con rất dè dặt. Chỉ khi được cán bộ dự án giới thiệu các địa phương đã triển khai mô hình thành công; tuyên truyền về việc trồng ớt giúp chống biến đổi khí hậu; hỗ trợ giống, hướng dẫn cách chăm sóc ớt..., người dân xã Hải Quế mới an tâm. Họ nhanh chóng làm quen với các công việc như cải tạo đất cát, cung cấp nước, theo dõi diễn biến dịch bệnh... Không phụ lòng người, cây ớt nhanh chóng bám rễ trên cát trắng, giúp người dân có thêm khoản thu đáng kể. Bình quân một héc- ta ớt cho thu nhập khoảng 60 - 70 triệu đồng/vụ. Hiệu quả kinh tế cao gấp đôi so với cây dưa hấu, dưa gang, khoai lang... trồng trên cùng một diện tích. Thành công bước đầu đã thúc giục người dân xã Hải Quế cải tạo đất cát trắng để mở rộng diện tích trồng ớt. Nhờ thế, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, ai cũng hiểu công việc mình đang làm là rất quan trọng, góp phần ngăn chặn thực trạng biến đổi khí hậu. Ở bản La Tó, xã Húc Nghì, huyện Đakrông, bà con người dân tộc Vân Kiều cũng đang nô nức chung tay bảo vệ môi trường sống với việc tham gia trồng mây dưới tán rừng. Trước đây, cuộc sống dân bản La Tó gắn với cái cuốc, cây rựa. Để thoát nghèo, một số người đã “tấn công” rừng nguyên sinh, sống bám nghề khai thác lâm thổ sản. “Máu rừng” chảy nhưng ngày no ấm của bà con mãi chẳng đến. Vì thế, dân bản La Tó rất phấn khởi khi tiếp xúc với dự án trồng mây dưới tán rừng do tổ chức Birdlife International phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức. Khác các mô hình trồng mây thí điểm trên địa bàn tỉnh trước đây, việc trồng mây của người dân thôn La Tó gắn liền với nhận khoán bảo vệ rừng. Theo đó, mỗi hộ, nhóm hộ được nhận khoán 5 ha rừng tại tiểu khu 729. Họ chủ động tổ chức tuần tra trên diện tích mình nhận khoán và được phép trồng, khai thác 1 ha mây nước. Vì vừa được nhận tiền chăm sóc bảo vệ rừng vừa hưởng phần lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng nên thu nhập bình quân của bà con khá ổn định. Hiện tại, được sự hỗ trợ nguồn giống của dự án Birdlife International, 19 hộ gia đình ở thôn La Tó đã trồng hơn 30.000 hom mây dưới tán rừng phòng hộ. Anh Hồ Văn A Rai, trưởng bản La Tó chia sẻ: “Bây giờ, ở bản mình, bà con nói nhiều đến chuyện trồng mây, lợi ích kinh tế thế nào, hiệu quả chống biến đổi khí hậu ra sao... Ai cũng mong mô hình sẽ mở rộng để nhiều hộ dân trong bản có cơ hội tham gia”. Ở một số địa phương ven biển, cuộc sống người dân đã bị đảo lộn do chưa thực sự quan tâm đến việc bảo vệ rừng ngập mặn. Tuy nhiên, bà con nhanh chóng nhận ra và tìm hướng khắc phục. Câu chuyện của người dân thôn Tân Xuân, xã Gio Việt là điển hình. Trước đây, khu rừng ngập mặn trên địa bàn thôn được ví là “lá chắn xanh nơi cửa biển”. Tuy nhiên, do sự thiếu ý thức của một số người, rừng đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, diện tích dần thu hẹp, nguồn lợi thủy sản suy kiệt. Sự tàn phá rừng đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Bà con không thể sống dựa vào rừng ngập mặn như trước vì nguồn lợi động thực vật giảm sút đáng kể. Bên cạnh đó, việc nuôi thủy sản ở gần khu vực rừng cũng bị ảnh hưởng lớn do nguồn nước ô nhiễm. Khi Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường tỉnh triển khai dự án “Cải tạo, phục hồi môi trường và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn thôn Tân Xuân”, người dân mới trút được nỗi âu lo đè nặng trong lòng. Không chần chừ, bà con tích cực tham gia khảo sát thực địa, tập huấn, trò chuyện chuyên đề... cùng cán bộ, tình nguyện viên dự án để hiểu rõ hơn vai trò của rừng ngập mặn trong việc chống lại biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, họ còn vận động nhau thu gom, xử lý rác thải ở khu vực rừng ngập mặn. Các trường hợp đổ rác bừa bãi, săn bắt động vật, chặt phá cây, lấn rừng để làm hồ nuôi tôm... đều bị phát giác và ngăn chặn. Đặc biệt, nhiều người còn đề xuất xây dựng quy ước cấp thôn về bảo vệ rừng; cắt cử người làm nhiệm vụ quản lý. Đó là tín hiệu đáng mừng hứa hẹn trong tương lai gần, “lá chắn xanh” nơi cửa biển xã Gio Việt sẽ phát huy hiệu quả trở lại. Qua thành công bước đầu của các mô hình chống biến đổi khí hậu triển khai tại xã Hải Quế, bản La Tó và thôn Tân Xuân, có thể thấy nhận thức của người dân đã nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, thực tế, số lượng các mô hình này trên địa bàn tỉnh vẫn còn khiêm tốn. Hơn lúc nào hết, các cấp chính quyền, ban, ngành liên quan cần tổ chức nhiều hoạt động, phong trào giúp người dân thay đổi nhận thức và hành vi trong công cuộc chống biến đổi khí hậu. Mỗi hành động của họ hôm nay sẽ quyết định cuộc sống mai sau. Bài, ảnh: QUANG HIỆP