(QT) - Ông Nguyễn Thanh Hai (68 tuổi) ở thôn An Phú, xã Hải Thái, huyện Gio Linh là người tiên phong áp dụng cách khai thác mủ cao su bằng bơm khí ethylene vào cây. Ông Hai cho biết, phương pháp này đã được nông dân trồng cao su tiểu điền và nhiều doanh nghiệp trồng cao su ở phía Nam sử dụng từ hàng chục năm nay rất hiệu quả.
![]() |
Ông Hai đang thực hành khai thác mủ cao su bằng phương pháp bơm khí ethylene. Ảnh: T.L |
Cách đây hai năm, ông được xem một công ty tổ chức trình diễn phương pháp khai thác mủ cao su bằng cách bơm khí ethylene để giúp người trồng cao su có thêm sự lựa chọn cách khai thác mủ phù hợp, hiệu quả hơn so với cách truyền thống. Được tận mắt chứng kiến sự việc và từng tìm hiểu từ lâu nên ông Hai quyết định áp dụng phương pháp khai thác mủ cao su bằng cách bơm khí ethylene vào cây. Hiện diện tích vườn cao su của ông có 40 ha, trong đó có 20 ha đang khai thác mủ được ông áp dụng phương pháp khai thác mủ theo kiểu mới này. Trước đây khai thác bằng cách cạo mủ, mỗi tháng ông cần đến rất nhiều công lao động, trong lúc lao động lại khan hiếm. Từ ngày áp dụng phương pháp mới đã cho thấy hiệu quả, đó là tăng năng suất, giảm chi phí nhân công nên lợi nhuận được tăng thêm.
Từng tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Huế nên ông Hai biết ethylene là hormone thực vật có trong cây cao su, đóng vai trò phát triển bộ rễ, tham gia vào sự vận hành tuyến mủ, kích thích quá trình tạo mủ nhiều hơn và làm mủ chậm đông. Dựa vào đặc tính này, các nhà khoa học đã sáng tạo ra cách bổ sung ethylene vào thân cây. Dẫn chúng tôi tham quan vườn cao su được khai thác mủ bằng cách bơm khí ethylene, ông Hai cho biết mỗi cây cao su ngoài việc gắn một chiếc bát hứng mủ như thông thường, còn được gắn thêm một ống nhựa và một túi ni lông nhỏ, trong suốt. So sánh với cách khai thác mủ cao su truyền thống thì phương pháp này tốt hơn nhiều. Điểm nổi bật của phương pháp này là ai cũng làm được, làm ban ngày, khai thác được ngay cả ngày mưa, đặc biệt tăng năng suất cho vườn kém mủ. Sau khi bơm khí ethylene vào cây thông qua ống tiêm cắm vào lớp vỏ cây, người khai thác thay vì dùng dao cạo mủ như truyền thống, chỉ cần dùng một chiếc máy khoan thông thường loại nhỏ chạy bằng pin, khoan một lỗ bằng đầu chiếc đũa vào thân cây, sâu khoảng hơn 0,5 cm. Mủ sẽ tự động chảy từ lỗ khoan xuống miệng chén. Phần phía trên lỗ khoan của cây cao su được gắn một đường ống nhựa, có một bọc đựng khí ethylene để bơm trực tiếp khí vào cây. Sau khi tiêm khí, cây sẽ cho lượng mủ nhiều hơn. Trung bình khoảng 10 ngày, ông Hai dùng một thiết bị bơm chuyên dụng để bơm khí ethylene vào bọc nhựa một lần. Khí từ bọc ni lông sẽ được cây cao su hấp thu dần vào thân cây. Mỗi bình khí ethylene mua có giá 600 nghìn đồng, mỗi năm một héc ta cao su đang cho cạo mủ cần 2 đến 3 bình khí. Ông Hai so sánh, theo cách cạo mủ cao su truyền thống, mỗi người chỉ đảm đương cạo mủ được 2 ha, thời gian giữa hai lần cạo thường chỉ 2 ngày. Phương pháp bơm khí enthylene 4 ngày mới hút mủ một lần, giảm được công lao động rất nhiều. Ngoài ra phương pháp này khiến thời gian mủ cao su chảy ra tăng gấp 3 lần so với cách cạo truyền thống. Diện tích 20 ha cao su còn lại của ông Hai chuẩn bị cho khai thác mủ và ông cho biết sẽ tiếp tục áp dụng phương pháp bơm khí enthylene.
Chủ tịch UBND xã Hải Thái Nguyễn Dư Anh cho biết, toàn xã có diện tích cao su tiểu điền gần 900 ha. Nhằm giúp nông dân tiết kiệm được ngày công lao động khi khai thác mủ cao su, chính quyền xã đã vận động nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Việc khai thác mủ cao su bằng bơm khí ethylene vào cây như ông Hai đang làm đem lại hiệu quả về nhiều mặt. Tuy nhiên, khai thác mủ cao su bằng bơm khí ethylene cần làm đúng phương pháp, có dụng cụ bơm khí định lượng chính xác để lấy lượng mủ ổn định vừa phải với sức cây, khai thác lâu dài, không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây.
Tú Linh