Tiếp tục chú trọng công tác phát triển đảng trong doanh nghiệp tư nhân
(QT) - Những năm gần đây, các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có bước phát triển khá nhanh, đa dạng về quy mô, phong phú về hình thức tổ chức cũng như lĩnh vực sản xuất. Bên cạnh đó, họ đã có nhiều quan tâm đến công tác phát triển đảng, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở đảng tại đơn vị trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện nay công tác này vẫn cần được các doanh nghiệp tư nhân chú trọng triển khai một cách tích cực, hiệu quả hơn.
 |
Cần quan tâm phát triển đảng viên là công nhân lao động giỏi trong doanh nghiệp tư nhân có đủ các tiêu chuẩn theo quy định |
Xác định xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức đảng và kết nạp đảng viên trong doanh nghiệp là nhiệm vụ thường xuyên và cấp thiết trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã tích cực chỉ đạo cấp ủy các cấp triển khai thực hiện Kết luận số 80 - KL/TW, ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong các loại hình doanh nghiệp, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2015 - 2020; ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 20/11/2014 về củng cố, phát triển tổ chức đảng và tăng cường kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy có hướng dẫn về việc kết nạp đảng viên, thành lập và củng cố tổ chức đảng trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện. UBND tỉnh cũng đã ban hành Công văn số 410/UBND-NC, ngày 3/2/2016 “Về việc triển khai thực hiện Nghị định 98/2014/NĐ-CP, ngày 24/10/2014 của Chính phủ (quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế). Các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt và đẩy mạnh thực hiện công tác xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức đảng và kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp, đạt được những kết quả tích cực. Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có trên 2.880 doanh nghiệp nhưng phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, địa bàn phân tán, số lượng lao động ít và làm việc hợp đồng theo thời vụ, nhiều doanh nghiệp mang tính chất hộ gia đình. Đa số doanh nghiệp không có tổ chức đảng và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, hiện nay có gần 300 doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp có trên 20 lao động; có 142 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn cơ sở, với tổng số 8.423 đoàn viên công đoàn; có 38 tổ chức đoàn thanh niên với tổng số 2.020 đoàn viên thanh niên; có 108 tổ chức đảng trong doanh nghiệp, chiếm 3,75% so với tổng số doanh nghiệp, trong đó có 55 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh với 1.650 đảng viên (có 33 tổ chức đảng doanh nghiệp tư nhân với 580 đảng viên), còn lại trực thuộc các huyện, thị, thành ủy. Số lượng đảng viên trong các doanh nghiệp trên 2.500 đồng chí, chiếm 0,5% so với số lượng lao động và chiếm gần 6,2% so với tổng số đảng viên toàn tỉnh (trong đó có 703 đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân). Có thể nói, cùng với sự vào cuộc tích cực của các tổ chức đảng, thời gian qua việc phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng ở tỉnh được chú trọng và thực hiện đạt kết quả khá tốt. Hàng năm, mỗi tổ chức đảng trong doanh nghiệp đã kết nạp bình quân từ 1 - 2 đảng viên. Đối tượng kết nạp là những đoàn viên thanh niên ưu tú, lực lượng lao động trẻ (riêng Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh trong trong 4 năm 2012- 2015 đã kết nạp được 359 đảng viên, trong đó đảng viên nữ chiếm 34,54%, đoàn viên thanh niên chiếm 37,88%). Việc xét công nhận đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức đảm bảo đúng nguyên tắc, thủ tục quy định. Cùng với đó công tác quản lý, giáo dục và bồi dưỡng cho đảng viên được chú trọng. Tuy nhiên, việc củng cố và phát triển tổ chức đảng, kết nạp đảng viên trong doanh nghiệp những năm qua còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức đảng quá ít so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Số lượng đảng viên được kết nạp và tổ chức đảng được thành lập ít và chậm. Chất lượng hoạt động của nhiều tổ chức đảng trong doanh nghiệp sau cổ phần hoá không cao. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng còn lúng túng; sinh hoạt chi bộ không đều, chất lượng hạn chế; công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ công tác đảng, đoàn thể cho cán bộ ở các doanh nghiệp ít được chú trọng. Phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước rất khó khăn, vai trò của một số tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước còn mờ nhạt... đã làm hạn chế vai trò lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp. Để tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 20/11/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian tới các tổ chức đảng, doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh cần tiếp tục củng cố, nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đảng viên nhằm xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh. Cấp ủy cấp trên của tổ chức cơ sở đảng cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng quy chế làm việc của cấp ủy, quy chế phối hợp của cấp ủy với lãnh đạo doanh nghiệp, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức đảng trong mỗi loại hình doanh nghiệp. Các cấp ủy có thẩm quyền cần nghiên cứu để vận dụng thực hiện linh hoạt việc giúp đỡ, kết nạp vào Đảng những quần chúng ưu tú là người của địa phương (xã, phường, thị trấn) làm việc trong các doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng nhưng vẫn thường xuyên sinh hoạt đoàn thể, tham gia tích cực các hoạt động xã hội tại địa phương, là những công nhân lao động giỏi được lãnh đạo doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn thừa nhận khi có đủ các tiêu chuẩn theo quy định của Điều lệ Đảng. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc phát triển các tổ chức, đoàn thể, nhất là tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong các doanh nghiệp tư nhân làm cơ sở chính trị để tạo nguồn phát triển đảng viên và tổ chức đảng. Đối với các doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, đảng viên nhưng đã có các đoàn thể chính trị - xã hội thì phải tăng cường xây dựng và phát huy vai trò của Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong công tác tạo nguồn và kết nạp đảng viên. Đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, hội viên, xây dựng đội ngũ đoàn viên, hội viên có chất lượng, thể hiện rõ vai trò trong thực hiện nhiệm vụ của doanh nghiệp và trong hoạt động của đoàn thể. Thông qua các hoạt động của các tổ chức, đoàn thể, lựa chọn quần chúng ưu tú để giới thiệu cho cấp ủy, tổ chức đảng (nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính) bồi dưỡng, thử thách và kết nạp đảng. Phát triển đảng viên và tổ chức đảng cần coi trọng cả chất lượng và số lượng. Phải coi trọng việc củng cố tổ chức, phát huy vai trò của tổ chức đảng trong việc góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Bài, ảnh: NGỌC TRANG