(QT) - Huyện Triệu Phong không chỉ được biết đến là vùng quê “địa linh nhân kiệt” mà còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều di tích lịch sử, văn hóa.
![]() |
Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang rất đông du khách đến tham quan và sinh hoạt văn hóa tâm linh |
Trong số đó phải kể đến quần thể di tích Chúa Nguyễn Hoàng tại làng Trà Bát, xã Ái Tử, huyện Vũ Xương (nay là thôn Trà Liên, xã Triệu Giang); Khu di tích tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn nơi lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu liên quan đến thân thế, sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn ở xã Triệu Thành; Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang là một trong những ngôi chùa xưa nhất và cũng là ngôi Tổ đình duy nhất của tỉnh Quảng Trị, thuộc hệ phái phật giáo Bắc tông- biểu tượng tâm linh của Phật giáo tỉnh Quảng Trị, tọa lạc ở làng Ái Tử, xã Triệu Ái, nay thuộc tiểu khu 3, thị trấn Ái Tử. Với giá trị to lớn về kiến trúc nghệ thuật cùng những giá trị văn hóa, nhất là nơi đã khắc đậm đời sống tâm linh của nhân dân trong một thời gian dài nên ngày 15/11/1991, ngôi chùa này được nhà nước xếp hạng di tích văn hóa- lịch sử cấp quốc gia hạng A1. Lễ hội chợ Đình Bích La, xã Triệu Đông là lễ hội truyền thống tiêu biểu cho nền văn hóa làng xã Việt Nam. Đây là lễ hội có ý nghĩa tâm linh, phản ánh nét sinh hoạt văn hóa dân gian tốt đẹp mang tính cộng đồng cao của người dân trong vùng. Chợ chỉ họp mỗi năm một lần vào ngày mùng 3 Tết Nguyên đán.
Cùng với việc tham quan, nghiên cứu, du khách có thể thưởng thức nhiều món ngon tại các bãi biển chạy dài trên địa bàn huyện, trong đó có bãi tắm Nhật Tân, xã Triệu Lăng. Khu du lịch sinh thái Trấm có không khí trong lành kết hợp với cảnh vật thiên nhiên phong phú và đa dạng với những đồi tràm đan xen với ruộng lúa, hồ nước tự nhiên trong xanh, du khách có thể đắm mình trong vẻ đẹp hoang sơ và thưởng thức nhiều sản vật nơi đây. Tại Khu du lịch sinh thái hồ Ái Tử thuộc thôn Kiên Phước, xã Triệu Ái, du khách sẽ được thỏa sức ngắm nhìn và hòa mình trong hồ nước ngọt tự nhiên trong mát…
Thời gian qua, mặc dù huyện Triệu Phong đã đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy ngành du lịch phát triển như mở tour du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh và trải nghiệm (tour du lịch này, du khách được tham quan từ chùa Sắc Tứ Tịnh Quang- quần thể di tích Chúa Nguyễn Hoàng- quần thể di tích Thành Cổ Quảng Trị- Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn rồi đến thưởng thức nghệ thuật ẩm thực truyền thống chợ Sãi) nhưng lượng khách đến với Triệu Phong chưa nhiều. Để đánh thức ngành du lịch phát triển, mới đây Huyện ủy Triệu Phong ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 83 ngày 25/7/2017 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08 ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, huyện Triệu Phong phát huy tiềm năng, lợi thế các di tích lịch sử- cách mạng, cảnh quan tự nhiên, giá trị văn hóa- tâm linh, vật thể, phi vật thể để xây dựng các sản phẩm du lịch có tính hấp dẫn, cạnh tranh cao, bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, huyện Triệu Phong xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu phát triển kinh tế- xã hội của huyện. Với mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến năm 2025 thu hút khoảng 45.000 lượt khách du lịch, tổng doanh thu ước đạt 160 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,71% tổng giá trị thương mại- dịch vụ, du lịch của huyện; đến năm 2030 thu hút khoảng 66.000 lượt khách du lịch, tổng doanh thu ước đạt 310 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,37% tổng thương mại- dịch vụ, du lịch của huyện. Tạo việc làm ổn định cho khoảng trên 800 lao động.
Để đạt được kết quả đó, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể cần chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội của huyện. Đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, bảo đảm nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, kế hoạch và có chính sách đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng. Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng và bảo vệ hình ảnh quê hương, môi trường sống, bảo đảm an ninh trật tự nơi công cộng, khu di tích, điểm du lịch để đón du khách. Đối với lĩnh vực du lịch lịch sử- văn hóa- tâm linh, huyện chú trọng xây dựng thành sản phẩm có tính đặc trưng riêng của du lịch Triệu Phong. Du lịch sinh thái- nghỉ dưỡng, huyện tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng khu du lịch hồ Ái Tử. Đối với du lịch biển, huyện tổ chức khai thác các dịch vụ du lịch tại bãi biển Triệu Lăng hợp lý, hiệu quả, gắn với quá trình xây dựng, phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.Về du lịch làng nghề thủ công truyền thống, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, phát huy thế mạnh làng làm nón lá Bố Liêu, xã Triệu Hòa, làng làm nước mắm Gia Đẳng, xã Triệu Lăng để phát triển du lịch. Du lịch ẩm thực, huyện xây dựng không gian ẩm thực truyền thống Chợ Sãi (nem, chả, bánh kẹo Hậu Kiên, xã Triệu Thành), bún, bánh xã Triệu Sơn.
Bên cạnh đó, huyện Triệu Phong tăng cường xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển dịch vụ du lịch như tranh thủ các nguồn vốn triển khai thực hiện hạ tầng thiết yếu Khu dịch vụ du lịch Nhật Tân, Khu du lịch sinh thái hồ Ái Tử, cải tạo cảnh quan hồ Sắc Tứ, quần thể di tích Chúa Nguyễn Hoàng, dịch vụ du lịch biển theo quy hoạch chung của Khu kinh tế Đông Nam. Kêu gọi đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng thiết yếu, nhất là về hệ thống giao thông, điện chiếu sáng, trọng tâm là các tuyến đường huyết mạnh nối thành phố Đông Hà đến Triệu Phong và các tuyến đường nội huyện, liên huyện, đường ven biển. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đầu tư phát triển nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, các dịch vụ vui chơi, nghỉ dưỡng, mua sắm chất lượng, đảm bảo phục vụ các nhu cầu của khách du lịch...
Tuấn Việt