Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) có nhiệm vụ, quyền hạn trong tố tụng dân sự, hành chính xét trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Trên cơ sở kế thừa và đổi mới về nội dung cũng như kỹ thuật lập hiến, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định “VKSND thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”, đồng thời hoàn thiện quy định về nhiệm vụ của VKSND một cách đầy đủ hơn, với phạm vi rộng hơn.
![]() |
Viện KSND tỉnh tổ chức cuộc thi “Chúng tôi là kiểm sát viên”. Ảnh: NK |
Ngoài chức năng thực hành quyền công tố, VKSND thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp bằng công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; kiểm sát việc khởi tố, điều tra, xét xử vụ án hình sự; kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật. Trong đó phải kể đến chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, phá sản (gọi chung là vụ án hành chính, vụ việc dân sự).
Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, ngành KSND đã có sự đổi mới mạnh mẽ trong tổ chức và hoạt động. Đặc biệt là đối với công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND. Những năm qua, công tác kiểm sát trong lĩnh vực này của ngành KSND đã đạt được những kết quả tích cực, bảo đảm cho các bản án, quyết định của Tòa án được ban hành kịp thời, đúng quy định của pháp luật; phát hiện nhiều vi phạm của cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết và đã ban hành nhiều kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa vi phạm. Từ khi các đạo luật mới được ban hành, chỉ thị về công tác kiểm sát hằng năm của Viện trưởng VKSND tối cao đều xác định nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trên lĩnh vực này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Bên cạnh đó, Viện trưởng VKSND tối cao cũng đã ban hành các quy chế của các công tác kiểm sát và nhiều chỉ thị để yêu cầu toàn ngành tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát các vụ án hành chính, vụ việc dân sự.
Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao và các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Quốc hội giao, những năm qua Ban cán sự Đảng, lãnh đạo VKSND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo VKSND hai cấp thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của VKSND. Viện trưởng VKSND các cấp trực tiếp phụ trách công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự theo yêu cầu của Viện trưởng VKSND tối cao. Từ đó đã đề ra nhiều giải pháp tăng cường vai trò, trách nhiệm của kiểm sát viên (KSV) trong quá trình kiểm sát việc thụ lý, giải quyết các vụ việc; nâng cao chất lượng phát biểu của KSV (về việc tuân theo pháp luật của các chủ thể tham gia tố tụng, về quan điểm giải quyết các vụ, việc) tại các phiên tòa, phiên họp; tích cực phát hiện, tổng hợp các vi phạm để thực hiện tốt các quyền năng cơ bản và quan trọng của VKS là quyền yêu cầu, quyền kháng nghị, kiến nghị theo quy định pháp luật. Hằng năm, VKSND tỉnh đã lựa chọn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đột phá như: “Các biện pháp nhằm nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm của KSV trước, trong và sau phiên tòa”, “Tăng cường chất lượng phát biểu của KSV tại các phiên tòa, phiên họp; nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm, nhất là kháng nghị phúc thẩm ngang cấp”… Đồng thời phối hợp với Tòa án cùng cấp để tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ và kỹ năng, bản lĩnh nghề nghiệp của KSV. Từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và thực chất trong hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành tại địa phương.
Sau hơn 30 năm lập lại, tỉnh Quảng Trị đã đạt được những thành tựu to lớn. Bên cạnh sự phát triển về kinh tế- xã hội thì tình hình tranh chấp về dân sự, kinh doanh, thương mại, việc khiếu kiện hành chính xảy ra trên địa bàn ngày càng nhiều, nhất là các tranh chấp, khiếu kiện có liên quan đến lĩnh vực đất đai có chiều hướng gia tăng về số lượng vụ việc, tính chất khá phức tạp. Trong đó tập trung chủ yếu là các tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu hủy quyết định hành chính của UBND, Chủ tịch UBND các cấp trong lĩnh vực quản lý đất đai như quyết định giao đất, thu hồi đất và bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi. Đây là một lĩnh vực khá nhạy cảm và phức tạp, việc thu thập, đánh giá chứng cứ trong quá trình giải quyết gặp nhiều khó khăn. Có những vụ án liên quan đến các quyết định cấp đất, thu hồi đất đã được ban hành cách đây nhiều năm, việc khiếu kiện kéo dài qua các thời kỳ, có những vụ án đã qua nhiều cấp xét xử nhưng đương sự vẫn tiếp tục kháng cáo hoặc khiếu nại đến nhiều cấp, nhiều ngành ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị tại địa phương. Thực trạng đó đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có ngành Kiểm sát phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Quá trình triển khai thực hiện chức năng nhiệm vụ, ngành KSND tỉnh còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, với sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành, VKSND hai cấp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao, đáp ứng yêu cầu về chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49- NQ/TW ngày 2/6/2005 và Kết luận số 92-KL/ TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị. Kể từ khi triển khai thực hiện Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và Bộ Luật tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đến nay, VKSND tỉnh đã kiểm sát chặt chẽ các thông báo thụ lý, các bản án, quyết định của Tòa án cùng cấp; phân công KSV tham gia đầy đủ các phiên tòa, phiên họp ở cả hai cấp xét xử theo quy định của pháp luật để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành. VKSND hai cấp đã ban hành 24 kháng nghị phúc thẩm, 36 bản kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm được cơ quan hữu quan chấp nhận tiếp thu, sửa chữa. Thông qua công tác kiểm sát góp phần bảo đảm cho các bản án, quyết định của Tòa án tuân thủ quy định của pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân,bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Lê Thị Hồng Đào
Ủy viên BCS Đảng, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh