Trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo
(QT) - Ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và trực tiếp chỉ đạo ra số đầu tiên. 88 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Từ những tờ báo sơ khai ban đầu đến nay cả nước đã có hơn 700 cơ quan báo in (bao gồm cả báo và tạp chí của trung ương và địa phương), 67 đài phát thanh- truyền hình cùng với nhiều tờ báo điện tử, trang mạng xã hội... Báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần to lớn vào việc tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng, ...

Trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo

(QT) - Ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và trực tiếp chỉ đạo ra số đầu tiên. 88 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Từ những tờ báo sơ khai ban đầu đến nay cả nước đã có hơn 700 cơ quan báo in (bao gồm cả báo và tạp chí của trung ương và địa phương), 67 đài phát thanh- truyền hình cùng với nhiều tờ báo điện tử, trang mạng xã hội... Báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần to lớn vào việc tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, định hướng dư luận xã hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nhân kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, những người làm báo cần phát huy truyền thống cao đẹp của báo chí cách mạng; phấn đấu, rèn luyện để có được “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, tích cực lao động, sáng tạo viết nên những tác phẩm chất lượng, ghi được dấu ấn, đóng góp có hiệu quả vào quá trình xây dựng, phát triển của quê hương, đất nước.

Với trách nhiệm được giao, nhà báo phải thâm nhập thực tiễn đời sống, xã hội; nắm bắt, chọn lọc, phản ánh thông tin chính xác, trung thực, khách quan về các sự kiện KT-XH, AN-QP quan trọng diễn ra trên quê hương, đất nước ta và toàn thế giới. Nhà báo còn có sứ mệnh đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, trì trệ, suy thoái, cổ hủ; cổ vũ các nhân tố mới, tích cực; tạo dư luận xã hội lành mạnh, góp phần tạo nên luồng sinh khí mới để thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội... Để có được những thông tin hay, nóng, kịp thời, người làm báo luôn phải có mặt tuyến đầu sự kiện, nơi đang diễn ra các hoạt động phong phú, tươi mới về mọi lĩnh vực nhằm mang đến cho người đọc, người nghe những thông tin hữu ích nhất. Người làm báo phải bám sát thực tiễn, lắng nghe những chuyển động của cuộc sống, đi tới vùng sâu, vùng xa, dày công thâm nhập, điều tra về các vụ việc tiêu cực, tham nhũng để có được những bài viết đáp ứng được sự kỳ vọng của bạn đọc. Theo Ủy ban Bảo vệ các nhà báo quốc tế (CPJ), nghề làm báo được coi là 1 trong 25 nghề nguy hiểm của thế giới. Trong 20 năm qua có gần 1.000 nhà báo bị giết hại; chỉ riêng trong cuộc chiến tranh Irắc do Hoa Kỳ phát động từ năm 2003-2007 có 250 nhà báo bị thiệt mạng. Trong năm 2012 cũng đã có 135 nhà báo, người liên quan đến hoạt động báo chí bị giết hại. Do áp lực công việc, tính cạnh tranh thông tin giữa các tờ báo, hãng thông tấn, phải đưa tin nhanh chóng, kịp thời nên cường độ làm việc của nhà báo rất cao, căng thẳng. Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng vai trò của báo chí, coi đây là kênh tuyên truyền kịp thời, có hiệu quả về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kênh phản biện quan trọng về các vấn đề xã hội; người làm báo cũng là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa- tư tưởng. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn, người làm công tác quản lý báo chí Việt Nam nhiều năm cũng đã đánh giá: “Hoạt động báo chí ở nước ta có vai trò, sứ mệnh hết sức cao cả là thông tin, tuyên truyền, tạo nên hào khí cách mạng của dân tộc, tạo sự đồng thuận trong xã hội”. Bên cạnh những mặt tốt, tích cực, vẫn còn có nhiều người nhân danh nhà báo, cơ quan báo chí để làm những việc sai trái. Trong lúc nguyên tắc làm báo là tôn trọng sự thật, phản ánh trung thực các sự việc, sự kiện đang diễn ra, thì có một số người làm báo hư cấu sự việc. Không ít người làm báo do đạo đức, phẩm chất yếu kém nên quá trình xử lý thông tin đã đi quá đà, thông tin sai sự thật, điều đó thể hiện rõ trong vụ án PMU 18, vụ án Năm Cam. Gần đây khi đọc bài “Những bí mật của Hồ Việt Sử trong vụ án Năm Cam” cho thấy không ít nhà báo thêu dệt, viết quá nhiều điều sai sự thật. Một số thông tin về thịt heo có chất tạo nạc khiến cho người chăn nuôi không bán được sản phẩm, gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng. Trước đó là những thông tin về gạo giả, trứng giả, nước mắm có chứa chất gây ung thư làm cho người sản xuất và nhiều doanh nghiệp điêu đứng, xã hội hoang mang. Tất cả những sự việc trên đều có nguyên nhân từ đạo đức, thái độ vô trách nhiệm của một số người viết báo. Từ sự việc này đặt ra vấn để là nhà nước cần phải có chế tài, quy định xử phạt nặng người viết tin, bài và cơ quan báo chí đăng thông tin sai sự thật. Phải xử lý nghiêm “những con sâu” để sàng lọc, làm trong sạch đội ngũ những người làm báo ở nước ta. Thật đau lòng khi nghe tin một số người làm báo tha hóa đạo đức, cấu kết với nhau đi hù dọa, tống tiền doanh nghiệp, từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Có nhà báo khi đi cơ sở phát hiện có dấu hiệu sai phạm đã không viết bài, mà lợi dụng kẽ hở này để làm tiền các tổ chức, cá nhân có sai phạm. Những biểu hiện đó thật xa lạ với những người làm báo chân chính, xa lạ với những quy định về đạo đức của người làm báo Việt Nam. Sứ mệnh của nhà báo từ bao đời nay vẫn là phụng sự xã hội, là chuyển tải thông tin trung thực, khách quan, chính xác đến bạn đọc một cách nhanh chóng, kịp thời có hiệu quả nhất. Nhà báo có trách nhiệm phát hiện tôn vinh, ca ngợi những việc làm, nghĩa cử cao đẹp, những nhân tố tích cực, đồng thời cũng phải dũng cảm đấu tranh, phê phán những cái xấu, tiêu cực để xã hội ngày càng tốt đẹp, hoàn thiện. Nhân kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, những người làm báo cần phát huy truyền thống cao đẹp của báo chí cách mạng; phấn đấu, rèn luyện để có được “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, tích cực lao động, sáng tạo viết nên những tác phẩm chất lượng, ghi được dấu ấn, đóng góp có hiệu quả vào quá trình xây dựng, phát triển của quê hương, đất nước. HOÀNG NAM