Trên thực tế, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh luôn dành sự quan tâm đến hội viên, đặc biệt đối với phụ nữ nghèo ở cơ sở. Nhiều mô hình, hoạt động hỗ trợ giúp phụ nữ xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình giúp chị em ngày càng gắn kết hơn trong các tổ chức hội.
Mô hình chuối Ta Pê ở Tà Rụt
Tổ hợp tác trồng chuối lùn Ta Pê của Chi hội Phụ nữ thôn A Đăng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông có 15 hộ tham gia từ năm 2019 đang phát huy hiệu quả. Chị Hồ Thị Xở, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn cho biết, xuất phát từ việc tìm mô hình phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập cho phụ nữ nghèo và bảo tồn giống chuối lùn bản địa Ta Pê, chị đã đề đạt ý kiến và được UBND xã Tà Rụt bố trí 1,1 ha đất cho các gia đình triển khai. Mô hình được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam hỗ trợ số vốn gần 150 triệu đồng cùng vốn đối ứng của địa phương.
Sau 3 năm trồng chuối, trung bình mỗi hộ thu lãi gần 26 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng các loại cây khác trên cùng một diện tích. Trong quá trình phát triển, tổ hợp tác được tham quan, học tập kinh nghiệm, tập huấn kỹ thuật và phương pháp chăm sóc chuối… Các hộ cam kết khi có sản phẩm tham gia tiết kiệm hằng tháng để hoàn trả dần vốn hỗ trợ ban đầu.
![]() |
Chăm sóc chuối lùn Ta Pê ở thôn A Đăng, xã Tà Rụt - Ảnh: T.L |
Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Rụt Hồ Thị Hằng cho biết, mô hình bảo tồn giống chuối Ta Pê được đánh giá cao tại cuộc thi “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu (VCIC), Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức năm 2019. Nhờ tham gia mô hình trồng chuối lùn, đến nay đời sống các hộ gia đình được nâng lên rõ rệt, những hộ cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo, hộ nghèo lên cận nghèo. Việc tham gia mô hình giúp chị em ngày càng mạnh dạn tham gia công tác hội, tích cực lao động sản xuất.
Tuy nhiên, sản phẩm chuối lùn Ta Pê làm ra vẫn đang được thu mua nhỏ lẻ, chất lượng chuối thơm ngon nhưng do chưa có thương hiệu nên đầu ra sản phẩm chưa ổn định. Vì vậy tổ hợp tác mong muốn được quảng bá nhiều hơn nữa để sản phẩm chuối lùn được các thị trường trong và ngoài tỉnh biết đến, cần có sự kết nối trong tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị cho giống chuối.
Con giống quay vòng sinh lợi nhanh
Mô hình con giống quay vòng của Hội LHPN xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong được Hội LHPN tỉnh kết nối tài trợ từ Tổ chức HOW. Kể từ tháng 7/2014 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã trao 7 đợt con giống cho các hộ gia đình hội viên hộ nghèo và cận nghèo của xã gồm: 16 con bò giống, 23 con lợn giống F1, 16 con dê, gần 1.500 con gà, 200 con vịt bầu và 4 máy xay thức ăn đa năng. Riêng số bò giống ban đầu nay đã sinh sản và thêm nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo được nhận bê giống quay vòng để chăn nuôi.
![]() |
Chị Hồ Thị Tý ở thôn Nại Hiệp, xã Triệu Ái chăm sóc đàn bò - Ảnh: T.L |
Chị Hồ Thị Tý ở thôn Nại Hiệp, xã Triệu Ái trước đây chồng ốm nặng nên được hỗ trợ 1 con bò trong đợt trao giống thứ 2. Qua bàn tay chăm sóc chu đáo của chị, con bò giống phát triển mạnh khỏe, sớm sinh sản. Chị trao con bê đầu tiên cho một hộ nghèo khác chăn nuôi, 2 con bê ra đời tiếp theo vào các năm sau chị nuôi lớn bán lấy tiền chữa bệnh cho chồng, sửa chữa nhà cửa. Rồi con bê thứ 4 cũng lớn nhanh và sinh sản. Hiện chị Tý đang có đàn bò 5 con với trị giá hàng chục triệu đồng.
Chủ tịch Hội LHPN xã Triệu Ái Nguyễn Thị Mến cho biết, hiện mô hình con giống quay vòng tại xã đang được thực hiện khá tốt. Nhờ có mô hình hay và sáng tạo nên con giống được quay vòng đến với nhiều đối tượng hơn, giúp gia đình chị em thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Đây cũng chính là động lực để thu hút hội viên phụ nữ tích cực tham gia các phong trào, góp phần xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.
Ve chai nghĩa tình
Hai năm nay, cứ mỗi cuối tháng, hội viên Câu lạc bộ (CLB) “Thu gom ve chai vì phụ nữ nghèo” của Khu phố 1, Phường Đông Giang, TP. Đông Hà lại tập trung phân loại ve chai mang đi bán. Số tiền mỗi lần bán ve chai thu về trung bình khoảng gần 1,5 triệu đồng/tháng được trao cho hội viên mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn bằng cách mua tặng thẻ bảo hiểm y tế. Ngoài ra, CLB còn thường xuyên hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các gia đình; hỗ trợ sách, vở, đồng phục cho học sinh nghèo vào đầu năm học.
Hoạt động của CLB không chỉ động viên những chị em nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, mà còn hướng đến sự gắn kết của các thành viên trong chi hội phụ nữ khu phố, qua đó còn giúp bảo vệ môi trường. Từ khi triển khai đến nay, CLB nhận được sự ủng hộ ve chai thường xuyên của các cơ sở kinh doanh, hộ gia đình trên địa bàn khu phố.
![]() |
Thành viên CLB “Thu gom ve chai vì phụ nữ nghèo”, Khu phố 1, phường Đông Giang - Ảnh: T.L |
Chủ tịch Hội LHPN Phường Đông Giang, TP. Đông Hà Hoàng Thị Thúy Kiều cho biết mô hình CLB “Thu gom ve chai vì phụ nữ nghèo” của Chi hội Phụ nữ Khu phố 1 mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường, tạo được nguồn quỹ giúp đỡ hội viên nghèo rất nghĩa tình. Qua đó, góp phần xây dựng tổ chức hội phụ nữ cơ sở ngày càng vững mạnh. Mong muốn CLB duy trì hoạt động lâu dài, hiệu quả để giúp đỡ những hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Tú Linh