(QT) - Tháng 10/1988, trước sự dòm ngó vùng biển Việt Nam của một số nước, Đảng, Nhà nước quyết định xây dựng hệ thống nhà giàn trên các bãi ngầm nơi có nhiều tiềm năng về kinh tế và có ý nghĩa chiến lược về an ninh – quốc phòng nhằm xác định chủ quyền của Việt Nam tại khu vực thềm lục địa. Sau nhiều năm xây dựng, vượt qua bao khó khăn thách thức trên biển, hệ thống nhà giàn trên thềm lục địa Việt Nam từng bước hoàn chỉnh, kéo dài từ Ba Kè đến Phúc Tần, Phúc Nguyên, Quế Đường qua Tư Chính, Huyền Trân đến tận Bãi cạn Cà Mau với chiều dài gần 1.000 hải lý.
![]() |
Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ nhà giàn |
Trong gần 30 năm qua kể từ ngày Nhà nước quyết định thành lập Cụm kinh tế - khoa học – dịch vụ gọi tắt là DK1 trên thềm lục địa phía nam Tổ quốc, đến nay các thế hệ cán bộ chiến sĩ trong quân chủng Hải quân mà trực tiếp là cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân là con em các tỉnh thành trong cả nước đã tạm gác lại bao khó khăn của gia đình, tạm gác lại tình cảm riêng tư để đến các nhà giàn làm nhiệm vụ. Các anh đã phát huy bản chất, truyền thống cao đẹp của quân đội anh hùng, đoàn kết vượt qua nhiều khó khăn thách thức, trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió.
Phải nói rằng, làm nhiệm vụ trên các nhà giàn gặp không ít gian nan, đó không chỉ là vấn đề nước ngọt, lương thực thực phẩm thiếu thốn, nỗi nhớ đất liền mà nguy hiểm nhất là luôn phải đối mặt với quân thù và thiên nhiên khắc nghiệt. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, mặc dù luôn đón nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước, tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể cho lực lượng làm nhiệm vụ trên các nhà giàn, nhưng thiên nhiên hung dữ và khắc nghiệt đã quật đổ một số nhà giàn. Lúc bình thường là thế, nhưng những ngày giông bão sóng biển tràn lên đến mặt sàn cao hơn mặt nước biển 25 m, sức mạnh của nó tàn phá những gì mà chúng đi qua.
Từ trong gian khổ, thử thách cán bộ chiến sĩ trên các nhà giàn, tàu trực chiến đã tỏ rõ sự trung thành vô hạn đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Nhiều chiến sĩ Hải quân đã ngã xuống để bảo vệ nhà giàn, bảo vệ cột mốc chủ quyền thiêng liêng trên thềm lục địa Việt Nam. Đó là tấm gương Đại úy Vũ Quang Chương, chỉ huy nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên khi gặp bão tố bình tĩnh ra lệnh cho đồng đội rời nhà giàn, riêng mình anh ở lại bám trụ và hy sinh; Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, Phó chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/3 Phúc Tần bị sóng cuốn xuống biển, sau nhiều ngày bơi cùng đồng đội, anh nhường phao bơi và miếng lương khô cuối cùng cho người đồng đội yếu nhất rồi thanh thản ra đi.
Đó là liệt sĩ Chuẩn úy Lê Đức Hồng cố gắng giữ nhà giàn đến giây phút cuối cùng và kịp gửi lời chào “Vĩnh biệt đất liền” trước khi hóa thân vào sóng biển; chiến sĩ Nguyễn Văn An vĩnh viễn ra đi để lại người vợ hiền và cậu con trai nhỏ mới chào đời chưa một lần nhìn thấy bố. Còn bao nhiêu tấm gương khác như các liệt sĩ: Phạm Tảo, Nguyễn Văn Từ, Lê Tiến Cường, Ngô Sĩ Nga, Hoàng Văn Cúc, Nguyễn Đức Hạnh… chấp hành nghiêm mệnh lệnh trực chốt kiên cường, dũng cảm cứu đồng đội và anh dũng hy sinh. Phần mộ các anh là những ngọn sóng bạc đầu vỗ về những nhà giàn, hải đảo khơi xa…
Còn bao nhiêu tấm gương cao đẹp khác mà chúng ta không nói hết sự anh dũng hy sinh để bảo vệ vùng biển, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Họ đã trở thành biểu tượng cao đẹp, làm sáng ngời phẩm chất anh hùng của quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và lực lượng Hải quân nói riêng. Trong hương khói thiêng liêng phảng phất trên đầu ngọn sóng với những bông hoa hồng đỏ thắm, cầu mong linh hồn các anh được yên giấc vĩnh hằng trên biển Việt Nam. Noi gương đồng chí đồng đội, lớp lớp cán bộ chiến sĩ trong quân chủng Hải quân, trực tiếp là cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 thuộc vùng 2 Hải quân hôm nay với tinh thần “Còn người, còn nhà giàn, còn biển” tiếp tục vượt qua mọi khó khăn gian khổ, trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ vững chắc chủ quyền thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.
Ngày nay, công tác trên các nhà giàn DK1 vẫn còn nhiều khó khăn và luôn đối mặt với những gian khổ hy sinh. Tuy nhiên, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Hải quân vẫn anh dũng hiên ngang ngày đêm canh giữ biển trời. Hàng ngày cánh sóng của các trạm gác tiền tiêu trên biển vẫn thầm lặng đi xa, họ không để cho Tổ quốc bất ngờ trong mọi tình huống. Thượng úy Huỳnh Kim Linh, Đỗ Hoài Văn nhà giàn DK1/14 là những chiến sĩ xuất sắc nhất của hệ thống các nhà giàn trong toàn quân chủng Hải quân cùng đồng đội là những đôi mắt thần, những bàn tay thép làm thành phên dậu vững chắc ở phía đông, góp phần bảo vệ núi sông bờ cõi Việt Nam.
Rời các nhà giàn cụm Ba Kè, Phúc Nguyên, Tư Chính … với bao lưu luyến, hẹn ngày gặp lại. Tiếng sóng biển vẫn rì rào hòa lẫn với giai điệu bài ca “Mùa xuân nhà giàn” của nhạc sĩ Thập Nhất: “Sóng gió mặc sóng gió, lính nhà giàn bọn tôi ở đó/Chông chênh mặc chông chênh, lính nhà giàn chẳng sợ bão giông/Nắng gió mặc nắng gió, lính nhà giàn thề không ngại khó…”.
Thế đấy, nhà giàn DK1, khúc tráng ca bất tử của ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi mai sau…
Văn Cần