Đến hẹn lại... lo
(SGGP) - Chỉ còn hơn một tuần nữa học sinh trên địa bàn TPHCM sẽ bắt đầu tựu trường năm học 2014 - 2015. Thế nhưng, hầu hết các quận - huyện đều lo lắng không đủ chỗ học do trường lớp không kịp xây mới. Ngược lại, đề án thí điểm giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi đã được các quận - huyện triển khai từ đầu tháng 6 đến nay chỉ lác đác vài hồ sơ đăng ký.

Đến hẹn lại... lo

(SGGP) - Chỉ còn hơn một tuần nữa học sinh trên địa bàn TPHCM sẽ bắt đầu tựu trường năm học 2014 - 2015. Thế nhưng, hầu hết các quận - huyện đều lo lắng không đủ chỗ học do trường lớp không kịp xây mới. Ngược lại, đề án thí điểm giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi đã được các quận - huyện triển khai từ đầu tháng 6 đến nay chỉ lác đác vài hồ sơ đăng ký.

Áp lực chỗ học

Thông tin từ Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, năm học 2014 - 2015, TPHCM đã chi 23,634 tỷ đồng để sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm bổ sung thiết bị dạy học. Bên cạnh đó, các quận - huyện cũng đưa vào sử dụng 1.527 phòng học mới, trong đó có 1.026 phòng tại khu vực nội thành và 501 phòng tại khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, dù cho mỗi năm có hàng ngàn phòng học như vậy được xây mới thì áp lực về chỗ học cho học sinh (HS) vẫn chưa được giải quyết triệt để. Quận Tân Phú, một trong những quận còn hạn chế về trường lớp vì áp lực tăng dân số cơ học. Ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD-ĐT quận, ước tính năm học mới, trẻ 5 tuổi tăng hơn 1.000 HS; bậc tiểu học và THCS tăng gần 2.400 HS so với năm học trước khiến sĩ số HS trung bình vượt mức 45 - 47 HS/lớp. Mặc dù quận đã đầu tư 63 tỷ đồng xây mới Trường Mầm non Bông Sen và Trường THCS Võ Thành Trang nhưng dự kiến khó đáp ứng đủ. Ngay tại phường Phú Thạnh, số trẻ có nhu cầu học lớn nhưng không có trường mầm non. UBND quận đã lên kế hoạch chuyển đổi công năng nhà văn hóa thành trường mầm non cho các cháu, nhưng đến nay vẫn vướng các cơ sở pháp lý. Thống kê của UBND quận 12 cho thấy số lượng HS hàng năm của quận đều tăng từ 6% đến 8%. Trong khi đó, trường học được xây mới rất ít. Đơn cử như năm học 2014 - 2015, quận chỉ có thêm một trường tiểu học và một trường THCS. Tuy nhiên, số HS của hai cấp học này tăng lên gần 3.800 em so với năm học trước. Thống kê cho thấy, tỷ lệ HS học hai buổi/ngày giảm 0,3%. Riêng bậc THCS, sĩ số HS bình quân mỗi lớp học tăng từ 46,2 em/lớp lên 46,4 em/lớp. Ông Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng GD-ĐT quận 12 dẫn chứng, phường Tân Thới Nhất dự kiến sẽ có 930 HS bước vào lớp 6. Trong khi 2 trường THCS tại đây chỉ đủ khả năng tiếp nhận 580 HS. Như vậy, 350 HS khác buộc phải chuyển sang 10 phòng học mượn tạm của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định và Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ. Ngoài việc các em phải di chuyển xa, các phòng học thiết kế cho khối tiểu học không thể đáp ứng đủ điều kiện cho khối THCS.

Mầm non “khát” trẻ

Từ năm nay, 8 quận - huyện tại TPHCM gồm Tân Phú, Tân Bình, Thủ Đức, Bình Chánh, quận 7, quận 12, Nhà Bè, Hóc Môn được chọn làm thí điểm nhận trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi. Đến hiện tại, các đơn vị này sắp hoàn tất khâu sửa chữa phòng học, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học nhưng số trẻ xin học chương trình thí điểm không đáp ứng chỉ tiêu đưa ra. Quận 12 đã đầu tư 140 triệu đồng để cải tạo một phòng học của Trường Mầm non công lập Sơn Ca 8 thành phòng nuôi dạy trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi với khả năng tiếp nhận từ 6-8 trẻ. Ngoài ra, quận cũng đang xem xét mở thêm lớp tương tự tại Trường Mầm non Sơn Ca 5. Tuy nhiên sau khoảng một tháng tuyển sinh, nhà trường chỉ tuyển được 2 cháu. Theo khảo sát của Phòng GD-ĐT quận Bình Tân, toàn quận có 3.105 trẻ trong độ tuổi 6 - 12 tháng và 4.524 trẻ từ 12 đến 24 tháng tuổi. Tuy nhiên, ở 2 trường mầm non công lập thí điểm trong năm học này là: 19/5 và Hoa Hồng, mỗi trường mới chỉ nhận được 2 hồ sơ (trẻ 6 - 12 tháng tuổi). Trong khi đó, chỉ tiêu các trường này có sức tiếp nhận đến 32 trẻ trong độ tuổi từ 6 - 12 tháng (12 giáo viên phục vụ). Tương tự tại huyện Nhà Bè, có 2 trường tham gia thí điểm nuôi dạy trẻ dưới 18 tháng tuổi là Trường Mầm non Họa Mi cơ sở 2 và Trường Mầm non Đồng Xanh (nằm cạnh KCN Hiệp Phước). Nhưng tính đến 25-7, cũng mới có 10/180 trẻ đăng ký ra trường. Hai lớp thí điểm giữ trẻ ở Trường Mầm non 19-5 (phường Tân Thuận Đông, quận 7) hiện cũng chỉ có khoảng 5 hồ sơ xin học. Theo lãnh đạo một số phòng GD-ĐT quận - huyện, nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ khâu tuyên truyền chưa được thực hiện sâu rộng đến người dân. Thông tin đề án thí điểm nuôi trẻ dưới 18 tháng tuổi chưa đến được nhiều đối tượng là công nhân ở các KCX-KCN. Bên cạnh đó, Nghị quyết 01/2014 của HĐND TPHCM về hỗ trợ GD mầm non hiện chỉ ưu tiên cho con công nhân lao động, hộ nghèo “có hộ khẩu thường trú nơi địa bàn mà trường đóng, sau đó đến KT3”. Trong khi, công nhân tại KCN-KCX hiện chủ yếu là tạm trú. Không nhiều công nhân sinh sống và làm việc ở TPHCM có đủ điều kiện để nhập khẩu hay làm KT3.

TƯỜNG HÂN