Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ khoa học- công nghệ trọng tâm của tỉnh Quảng Trị
(QT) - Để hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) đạt hiệu quả cao từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, ngay từ bây giờ ngành KH&CN tỉnh Quảng Trị đã bắt tay thực hiện quy hoạch phát triển KH&CN đến năm 2020 với những nhiệm vụ cụ thể. Trong đó tập trung đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức, hoạt động KH&CN; đổi mới công tác lập kế hoạch và dự toán ngân sách đối với hoạt động KH&CN phù hợp với đặc thù của lĩnh vực KH&CN. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng, đấu thầu thực hiện nhiệm vụ KH&CN và cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm KH&CN cuối cùng theo kết quả đầu ra. Xây dựng cơ chế đặc thù trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KH&CN.
 |
Ứng dụng công nghệ hiện đại của châu Âu vào sản xuất tại Công ty cổ phầm gỗ MDF VRG Quảng Trị |
Thực hiện dân chủ và công khai rộng rãi trong việc đề xuất nhiệm vụ KH&CN, tuyển chọn đơn vị, cá nhân nhà khoa học làm chủ trì và chủ nhiệm các đề tài, dự án KH&CN nhằm thu hút các nguồn lực, trí tuệ đầu tư thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ KH&CN của tỉnh. Hình thành cơ chế đánh giá độc lập, tư vấn, phản biện, giám định xã hội với các hoạt động KH&CN . Ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới công nghệ theo hướng ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao, mua thiết kế, thuê chuyên gia trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực, ưu tiên doanh nghiệp (DN) mua công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước. Chấm dứt và ngăn chặn có hiệu quả việc nhập lậu công nghệ lạc hậu, công nghệ gây nguy hại đến sức khỏe con người, tài nguyên, môi trường, KT-XH, QP-AN. Huy động mạnh mẽ nguồn vốn xã hội và nước ngoài đầu tư cho phát triển KH&CN. Phấn đấu đưa mức đầu tư của toàn xã hội cho KH&CN đạt 1,5% GDP vào năm 2020 và 2,5% GDP vào năm 2030. Tăng đầu tư của nhà nước cho KH&CN đảm bảo tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm của tỉnh. Nghiên cứu ban hành quy định về việc DN lập và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN. Thực hiện hỗ trợ các DN đổi mới và phát triển công nghệ, hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất và đời sống. Đẩy mạnh phong trào thi đua ứng dụng tiến bộ KH&CN, các kết quả đề tài ứng dụng KH&CN được khẳng định đến tận cơ sở và người sản xuất. Đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực, ngành KH&CN tỉnh đổi mới quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, thực hiện cơ chế, chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN. Quy hoạch phát triển nhân lực KH&CN gắn với quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch phát triển KH&CN. Đồng thời, đổi mới cơ chế sử dụng và quản lý nguồn nhân lực KH&CN, tăng cường đội ngũ cán bộ KH&CN cả về số lượng và trình độ chuyên môn và sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ KH&CN hiện có của tỉnh. Nâng cao năng lực, trình độ và phẩm chất của cán bộ quản lý KH&CN ở các cấp, các ngành và các địa phương. Có kế hoạch, lộ trình cụ thể cho công tác đào tạo, điều chỉnh cơ cấu đào tạo theo hướng tăng đào tạo công nhân kỹ thuật có trình độ cao, trung cấp kỹ thuật và cao đẳng kỹ thuật, chú trọng các ngành có khả năng thu hút đầu tư nước ngoài, thuộc diện ưu tiên phát triển KT- XH và các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Mặt khác, quan tâm đào tạo kỹ thuật, tay nghề cho người lao động, đào tạo lực lượng lao động trẻ làm nòng cốt trong ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp, nông thôn. Về hình thức đào tạo nguồn nhân lực KH&CN cũng được đa dạng hóa, thực hiện liên kết đào tạo giữa các trường dạy nghề, trường đại học, cao đẳng với các DN và các tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh. Tích cực chủ động, phối hợp với các chương trình đào tạo của quốc gia để phát triển nguồn nhân lực KH&CN của tỉnh. Công tác tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ KH&CN được đổi mới. Đối với những cán bộ KH&CN trình độ cao đã hết tuổi lao động nhưng vẫn có tâm huyết và sức khỏe có thể hợp đồng vào công tác nghiên cứu và ứng dụng KH&CN. Xã hội hóa hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN ở tỉnh theo hướng: Tăng mức đầu tư của trung ương cho tỉnh về kinh phí sự nghiệp khoa học hàng năm lên mức trên 15%; trích tối thiểu từ 0,2- 0,5% phần thu ngân sách địa phương hàng năm cho Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh để hỗ trợ DN đẩy mạnh hoạt động đổi mới KH&CN, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, quản lý, kinh doanh; đối với các địa phương có thu ngân sách khá được trích kinh phí hàng năm từ nguồn thu ngân sách địa phương để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trên địa bàn, tỉnh hỗ trợ thêm 50% kinh phí; lồng ghép các chương trình, dự án KH&CN với các chương trình phát triển KT-XH của tỉnh, trích một phần kinh phí sự nghiệp của các sở, ngành, các chương trình phát triển KT-XH, QP- AN cho hoạt động KH&CN phù hợp với từng lĩnh vực, từng ngành nghề; hướng dẫn DN lập Quỹ phát triển KH&CN của DN; khuyến khích mở rộng các dự án KH&CN có sự tham gia đóng góp của đơn vị, người dân hưởng lợi trên mức 70%, nhà nước chỉ hỗ trợ ở mức kích cầu dưới 30% kinh phí của dự án; hợp tác khoa học, kêu gọi đầu tư các dự án KH&CN của các bộ, ngành trung ương trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện khuyến khích các viện, trường đóng trên địa bàn tham gia các hoạt động KH&CN, đặc biệt trong việc đào tạo nguồn nhân lực KH&CN cho tỉnh. Ứng dụng, nhân rộng và phát triển kết quả nghiên cứu KH&CN là nhiệm vụ quan trọng của hoạt động KH&CN của tỉnh. Để thực hiện nhiệm vụ này, tỉnh phải đầu tư kinh phí cho phát triển KH&CN, hỗ trợ, khuyến khích các DN đổi mới công nghệ, hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống. Hàng năm, dành một phần kinh phí thỏa đáng để nhân rộng kết quả các đề tài ứng dụng KH&CN được khẳng định. Từ kết quả các đề tài được đánh giá, nghiệm thu, khuyến khích các tổ chức và cá nhân xây dựng thành các dự án có quy mô phù hợp, có địa chỉ ứng dụng cụ thể, hiệu quả kinh tế cao; nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để chuyển giao và hoàn thiện công nghệ. Tùy theo tính chất, quy mô và giá trị thực tiễn của dự án, nhà nước sẽ hỗ trợ từ 10- 30% kinh phí thực hiện. Hàng năm và 5 năm, các sở, ngành, địa phương phối hợp với các Sở KH&CN, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính đưa vào kế hoạch phát triển KT-XH kế hoạch ứng dụng và nhân rộng các tiến bộ KH&CN, chú trọng các tiến bộ kỹ thuật có giá trị thực tiễn cao và xem đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh và của địa phương. Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác KH&CN với bên ngoài nhằm tranh thủ thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển KH&CN của tỉnh. Học hỏi những kinh nghiệm có ích và từng bước mở rộng sự tham gia của KH&CN Quảng Trị vào việc giải quyết các vấn đề chung. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) về KH&CN ở địa phương và tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức QLNN về KH&CN phù hợp với đặc thù của tỉnh. Chú trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ QLNN về KH&CN. Đẩy mạnh phân cấp QLNN về KH&CN nhằm nâng cao tính chủ động cho các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh. Kiện toàn tổ chức bộ máy QLNN về KH&CN theo hướng tinh, gọn, tập trung vào việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách về KH&CN. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông và tuyên truyền sâu rộng trong xã hội, đặc biệt là trong các DN về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về KH&CN, về vai trò then chốt của KH&CN đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, nhằm nâng cao tinh thần tự lực tự cường, sự đồng thuận và ủng hộ mạnh mẽ của hệ thống chính trị đối với hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN; tuyên truyền, phổ biến những tiến bộ KH&CN, các kết quả đề tài ứng dụng tiến bộ KH&CN được khẳng định đến tận cơ sở và người sản xuất, tạo không khí thi đua lao động sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống; nâng cao tinh thần trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bài, ảnh: TRẦN CÁT LINH