Bước khởi đầu nhiều trắc trở
QĐND - Hội nghị kinh tế mang tên “Từ hòa bình tới thịnh vượng” được cho là nhằm hỗ trợ Palestine về kinh tế, diễn ra tại Bahrain từ ngày 25 đến 26-6, do Mỹ đồng tổ chức với nước chủ nhà. Hội nghị này được coi là bước khởi động cho kế hoạch hòa bình Trung Đông mới của Mỹ nhằm giải quyết cuộc xung đột dai dẳng giữa Palestine và Israel.

Bước khởi đầu nhiều trắc trở

QĐND - Hội nghị kinh tế mang tên “Từ hòa bình tới thịnh vượng” được cho là nhằm hỗ trợ Palestine về kinh tế, diễn ra tại Bahrain từ ngày 25 đến 26-6, do Mỹ đồng tổ chức với nước chủ nhà. Hội nghị này được coi là bước khởi động cho kế hoạch hòa bình Trung Đông mới của Mỹ nhằm giải quyết cuộc xung đột dai dẳng giữa Palestine và Israel.

Người dân Syria chuẩn bị di tản khỏi khu vực do phiến quân chiếm đóng ở tỉnh Idlib ngày 23/6. (Ảnh: TTXVN)

Thế nhưng ở hội nghị lại vắng hai chủ thể chính: Palestine phản đối kế hoạch này ngay từ khi còn trong trứng nước, trong khi Israel dường không cần thiết phải xuất hiện ở sự kiện vì đã có đồng minh Washington “hết lòng” hậu thuẫn.

Người ta không rõ nỗ lực của Mỹ sẽ mang lại điều gì khi dựng lên một kịch bản mà hầu như chắc chắn thiếu vắng vai trò cùng sự ủng hộ của một trong hai nhân vật chính là Palestine. Bị trì hoãn nhiều lần vì Palestine kịch liệt phản đối và cộng đồng quốc tế không ủng hộ, bản kế hoạch gồm hai giai đoạn kinh tế và chính trị, được cảnh báo trước là “phí thời gian” và “vô nghĩa”.

Bản kế hoạch hòa bình này của Mỹ bị trì hoãn đến tháng 11 tới mới được Mỹ công bố chính thức nhưng ngay từ đầu người ta đã biết nó không hề đả động gì tới các vấn đề cốt lõi trong tiến trình hòa bình Trung Đông đã được quốc tế đồng thuận, là giải pháp hai nhà nước dựa trên đường biên giới trước năm 1967. Chưa hết, nếu đúng là kế hoạch của Mỹ nhằm “hối lộ” hàng tỷ USD cho các nước láng giềng tiếp nhận người tị nạn Palestine, thì nó còn đi ngược lại một trong ba vấn đề cốt lõi để giải quyết cuộc xung đột: Hồi hương người tị nạn Palestine.

Thêm nữa, hai năm trước, Mỹ đã phá bỏ quy chế Đông Jerusalem, một trong ba vấn đề cốt lõi, khi năm 2017 Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới thành phố này một năm sau. Thực tế, bằng quyết định đó, Washington đã đóng lại cánh cửa đối thoại và đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel.

Chính vì thế, việc Mỹ đưa ra Sáng kiến mới cho hòa bình giữa Palestine và Israel lần này bị đặt dấu chấm hỏi bởi ai cũng hiểu rằng bất kỳ sáng kiến nào, nếu không dựa trên lợi ích và nguyện vọng chính đáng của người Palestine đối với các vấn đề độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ, cũng như quyền được hồi hương của người tị nạn, đều khó có thể thành công.

Không giải quyết những vấn đề gốc rễ của cuộc xung đột, Washington đã lựa chọn cách theo đuổi một sáng kiến với những tính toán dựa trên lợi ích của chính mình và đồng minh Israel. Có thể thấy rõ sự thiên vị tuyệt đối đồng minh Israel của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Ngay việc trì hoãn công bố kế hoạch nhiều lần cũng là để tạo lợi thế cho Thủ tướng Israel Netanyahu trong bối cảnh Israel bế tắc trong việc thành lập được chính phủ mới. Tổng tuyển cử Israel sẽ diễn ra vào tháng 9 tới và chiếc ghế của ông Netanyahu có thể bị đe dọa nếu không được lòng những nhân vật cực hữu cứng rắn trong chính quyền mang tư tưởng thôn tính các vùng lãnh thổ Palestine.

Trong bối cảnh vấn đề Iran đang là một trong những thách thức hàng đầu của chính quyền Mỹ khu vực Trung Đông, sáng kiến hòa bình mới của Mỹ không thể hài hòa lợi ích của các bên cũng là điều dễ hiểu. Ở khu vực, để đối phó với Nhà nước Hồi giáo Iran ngày càng cho thấy là đối thủ khó chơi, ngoài một số đồng minh Arab, Nhà nước Do Thái chính là “công cụ” kiềm chế sức mạnh Iran mà Washington có thể trông cậy. Có lẽ không phải tình cờ khi Mỹ lại thúc đẩy sáng kiến hòa bình Trung Đông vào đúng thời điểm căng thẳng với Iran đang ở vào thời kỳ bên miệng hố chiến tranh.

Giai đoạn đầu kế hoạch của Mỹ tập trung vào các vấn đề kinh tế, theo đó Mỹ hy vọng huy động được 50 tỷ USD dưới hình thức tài trợ từ các nước Arab giàu có và các nước phương Tây, nhằm hỗ trợ người dân Palestine đang sinh sống ở các vùng lãnh thổ Palestine và những người Palestine tị nạn ở các nước Arab láng giềng… Về mặt hình thức là vậy nhưng thật khó để thuyết phục người ta tin vào thiện chí của Mỹ vì cách đây ít tháng, chính Washington đã quyết định cắt giảm khoản viện trợ ít ỏi hằng năm cho chính quyền Palestine. Có vẻ như Mỹ đang hy vọng có thể dùng tiền để khiến người dân Palestine từ bỏ ý chí đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ của mình.

Nhưng xem ra nỗ lực của Mỹ lần này đã sai lầm. Trải qua các thế hệ, người dân Palestine sẽ không bao giờ đánh đổi khát vọng có một nhà nước độc lập của riêng mình, cũng như không bao giờ từ bỏ cuộc đấu tranh chính nghĩa được cộng đồng quốc tế ủng hộ.

Cách tiếp cận của Mỹ ngay từ giai đoạn đầu trong sáng kiến Trung Đông mới không mang lại giải pháp cho cuộc xung đột dựa trên hòa giải và bình đẳng giữa các bên. Vì vậy, người ta cũng nghi ngờ khả năng thành công giai đoạn hai của sáng kiến này, gồm các vấn đề chính trị, nhất là khi nó không bao gồm giải pháp hai nhà nước Palestine và Israel cùng tồn tại.

Không khó để đoán trước số phận của bản kế hoạch kinh tế của Mỹ dành cho Palestine lần này sẽ như thế nào. Châu Âu, các nước phương Tây không sẵn sảng bỏ tiền để đóng góp cho dự án mà họ biết trước không mang lại lợi ích gì. Bước khởi đầu của một kế hoạch mà Mỹ khuếch trương gọi là “Thỏa thuận thế kỷ”, đã gặp rất nhiều trắc trở.

Tiền không thể và không bao giờ là một giải pháp cơ bản để giải quyết cuộc xung đột Palestine-Israel. Một giải pháp bền vững cho cuộc xung đột chỉ có thể đạt được trên cơ sở tôn trọng lợi ích bình đẳng của các bên thông qua đàm phán hòa bình, cũng như khôi phục các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Palestine.

MỸ HẠNH