Bắc Triều Tiên ước mơ tạo cú sốc thứ hai tại World Cup
(VnExpress) - Tới giờ bóng đá Bắc Triều Tiên vẫn luôn được nhớ đến với chiến tích đáng tự hào mà họ tạo ra ngày 19/7 năm 1966, ở kỳ World Cup trên đất Anh.

Bắc Triều Tiên ước mơ tạo cú sốc thứ hai tại World Cup

(VnExpress) - Tới giờ bóng đá Bắc Triều Tiên vẫn luôn được nhớ đến với chiến tích đáng tự hào mà họ tạo ra ngày 19/7 năm 1966, ở kỳ World Cup trên đất Anh.

Họ khi đó bất ngờ loại đội tuyển Italy tại vòng bảng bằng tỷ số sát nút 1-0, tạo nên một trong những cú sốc lớn nhất trong lịch sử các kỳ World Cup. Khi đó với nòng cốt là các danh thủ của hai câu lạc bộ Inter và AC Milan đang thống trị châu Âu cùng chiến thuật phòng ngự catenaccio nổi tiếng, đoàn quân thiên thanh dự giải với tham vọng lấy lại hình ảnh vĩ đại trong những năm 1930 khi hai lần liên tiếp vô địch (1934 và 1938). Sau trận thắng Chile 2-0 và thua Liên Xô 0-1, Italy phải thi đấu trận quyết định với đội bóng tí hon đến từ bán đảo Triều Tiên. Một nhiệm vụ được đánh giá là quá đơn giản đối với đội bóng của các ngôi sao như Giacinto Facchetti (Inter), Sandro Mazzola (Inter) hay Gianni Rivera (AC Milan),… Tuy nhiên cơn ác mộng đã ập đến với họ. Triều Tiên sử dụng chính vũ khí của người Italy, khi xuất sắc phòng ngự và ghi được bàn thắng duy nhất nhờ công của tiền đạo Pak Do Ik - người vốn là một nha sĩ.

Bàn thắng của Pak Do Ik vào lưới đôi tuyển Italy năm 1966.
Bàn thắng của Pak Do Ik vào lưới đôi tuyển Italy năm 1966.

Nhờ đó đội bóng Đông Á đoạt ngôi nhì bảng để vào tứ kết ngay trong lần đầu tiên được tham dự lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh, còn Italy lừng danh đã phải xách vali về nước cùng nỗi thất vọng ê chề. Tại vòng tứ kết, suýt nữa Triều Tiên lại lập kỳ tích khi dẫn Bồ Đào Nha 3-0 khi kết thúc hiệp một, trước khi bị thủng lưới 5 bàn trong hiệp hai trong đó có 4 bàn thắng của huyền thoại Eusebio. Cuối cùng Bắc Triều Tiên chia tay World Cup 1966 với kết quả thua 3-5.

44 năm sau kỳ tích của các bậc cha ông, các chàng trai của đội tuyển Bắc Triều Tiên đang hăng say tập luyện để chuẩn bị cho World Cup 2010 tại Nam Phi với mơ ước tái lập chiến công khi xưa. Nằm cùng bảng với các đội tuyển mạnh Brazil, Bồ Đào Nha và Bờ Biển Ngà, cơ hội của Triều Tiên không nhiều. Trong quá trình chuẩn bị cho chiến dịch năm 1966, đội tuyển Triều Tiên có được rất nhiều cơ hội cọ xát với các đội bóng của các nước xã hội chủ nghĩa khi đó vẫn thuộc đẳng cấp hàng đầu châu Âu như Liên Xô, Tiệp Khắc, CHDC Đức, Hungary, Ba Lan… Trong khi đó hiện nay, tình hình kinh tế eo hẹp khiến các trận đấu giao hữu với những đội bóng hàng đầu là rất hiếm hoi với Triều Tiên. Vì thế khoảng cách giữa bóng đá Triều Tiên với các đội tuyển cùng bảng rất lớn. Để đến được Nam Phi, hành trình vòng loại của Bắc Triều Tiên cũng diễn ra rất vất vả.

Sau khi dễ dàng đánh bại Mông Cổ ở vòng sơ loại, Triều Tiên vượt qua vòng loại tiếp theo cùng với vị trí thứ hai trong bảng khi đánh bại Jordan, Turkmenistan và cầm hòa Hàn Quốc ở cả hai lượt. Tại vòng loại cuối cùng Triều Tiên tái ngộ Hàn Quốc và cùng bảng với Iran, Saudi Arabia và UAE. Kết thúc vòng loại Bắc Triều Tiên chỉ đứng thứ hai sau Hàn Quốc khi chỉ giành được 12 điểm sau 8 trận. Tuy nhiên Bắc Triều Tiên vẫn lần thứ hai giành quyền tham dự World Cup. Họ bằng điểm với Saudi Arabia nhưng hơn đội bóng Tây Á hiệu số bàn thắng thua.

Thành tích lọt vào vòng chung kết của Triều Tiên được đánh giá là nhờ tuân thủ đấu pháp chiến thuật cùng tinh thần thi đấu quả cảm. Đây được coi là điểm mạnh nhất của họ. Phần lớn các cầu thủ trong đội tuyển đều thuộc lực lượng quân đội. Tuy nhiên những ngôi sao sáng nhất của Bắc Triều Tiên lại là các cầu thủ gốc Triều Tiên đang thi đấu ở nước ngoài. Trong đó đáng chú ý nhất là cặp tiền đạo Jong Tae Se (Kawasaki Frontale, Nhật Bản) - Hong Yong Jo (FC Rostov, Nga) hay tiền vệ Ryang Yong Gi (Vegalta Sendai, Nhật Bản). Ngoài ra còn phải kể đến tiền vệ Kim Yong Jun (Chengdu Blades, Trung Quốc) cùng cầu thủ trẻ Kim Kuk Jin (FC Wil, Thụy Sĩ). Hai cầu thủ lập công lớn nhất trong chiến dịch đến Nam Phi của Triều Tiên là thủ môn 23 tuổi Ri Myong Guk, người đã từ chối hàng chục bàn thua, cùng tiền đạo Jong Tae Se – người được báo chí châu Á đặt cho biệt danh “Rooney của Triều Tiên” nhờ thể lực mạnh mẽ và tầm ảnh hưởng đến lối chơi của đội. Mới đây chính tiền đạo này đã ghi cả hai bàn trong trận giao hữu hòa 2-2 với Hy Lạp - đội vô địch Euro 2004.

Tiền đạo trụ cột Jong Tae Se (áo đỏ) mơ ước tiếp bước các bậc cha anh.
Tiền đạo trụ cột Jong Tae Se (áo đỏ) mơ ước tiếp bước các bậc cha anh.

Đoàn quân của Huấn luyện viên Kim Jong Hun đứng thứ 106 thế giới (theo FIFA công bố ngày 28/4/2010). Họ luôn được đánh giá cao ở khả năng phòng ngự. Qua 16 trận vòng loại, Triều Tiên chỉ bị thủng lưới có 7 bàn. Hàng thủ được bố trí gồm 5 người luôn đem lại sự chắc chắn bên phần sân nhà. Các nhà chuyên môn nhận định Triều Tiên cũng rất nguy hiểm nhờ hàng công có các tiền đạo và tiền vệ cánh nhanh nhẹn, dẻo dai và có kỹ thuật tốt, những đặc điểm phù hợp với chiến thuật phòng ngự chặt phản công nhanh, vũ khí chính của những đội tuyển yếu như Bắc Triều Tiên. Ngoài ra việc các đối thủ ít có thông tin về họ khiến Triều Tiên là một ẩn số hứa hẹn có thể mang đến nhiều khó khăn cho các đội bóng thiên về tấn công như Brazil, Bồ Đào Nha và Bờ Biển Ngà ở cùng bảng. Trận đấu với đội tuyển xứ sở Samba có thể coi là chìa khóa với Triều Tiên. Nếu thi đấu tốt và đạt kết quả hợp lý họ sẽ đạt trạng thái tinh thần rất tốt cho hai trận đấu còn lại hứa hẹn vừa tầm và dễ thở hơn đối với đội bóng còn non kém về kinh nghiệm trận mạc như Bắc Triều Tiên.

Thành tích của Bắc Triều Tiên tại các kỳ World Cup gần đây

NămThành tích
1990Không vượt qua vòng loại
1994Không vượt qua vòng loại
1998Không đăng ký tham dự
2002Không đăng ký tham dự
2006Không vượt qua vòng loại

Lịch thi đấu tại Word Cup 2010:

- Ngày 15/6 gặp Brazil.

- Ngày 21/6 gặp Bồ Đào Nha.

- Ngày 25/6 gặp Bờ Biển Ngà.

Minh Phương