Sự liêm chính và sức mạnh của ngòi bút
QTO - Chưa khi nào chuyện nhà báo liên quan đến tiền bạc nhiều như thời gian mấy năm gần đây. Vào google gõ từ khóa “nhà báo tống tiền” thấy có vô số bài báo với bằng cớ cụ thể: “Lê Văn T. (50 tuổi), Trưởng ban Thời sự, Tạp chí điện tử H. bị cáo buộc cưỡng đoạt 200 triệu đồng từ giám đốc công ty phát hành game. Ngày 6/4/2020, ông T. bị Công an Hà Nội khởi tố, tạm giam để điều tra về tội Cưỡng đoạt tài sản, theo Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015”. “Ngày 19/12/2019, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bắc ...

Sự liêm chính và sức mạnh của ngòi bút

Chưa khi nào chuyện nhà báo liên quan đến tiền bạc nhiều như thời gian mấy năm gần đây. Vào google gõ từ khóa “nhà báo tống tiền” thấy có vô số bài báo với bằng cớ cụ thể: “Lê Văn T. (50 tuổi), Trưởng ban Thời sự, Tạp chí điện tử H. bị cáo buộc cưỡng đoạt 200 triệu đồng từ giám đốc công ty phát hành game. Ngày 6/4/2020, ông T. bị Công an Hà Nội khởi tố, tạm giam để điều tra về tội Cưỡng đoạt tài sản, theo Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015”. “Ngày 19/12/2019, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bắc Giang) cho biết đang điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản của Đào Thị Th. B. (40 tuổi), phóng viên báo T.H & C.L. Thông qua môi giới, B. “đặt giá” 100.000 USD với doanh nghiệp này để không viết bài phản ánh sai phạm. Mức tiền sau khi thương lượng giảm còn 70.000 USD. Chiều 18/12, B. đang nhận tiền từ giám đốc đối ngoại người nước ngoài của công ty thì bị công an bắt quả tang”. “Lê D. P. (32 tuổi), Trưởng ban Bạn đọc Báo G.VN bị nghi nhận 50 triệu đồng của doanh nghiệp. Một ngày sau khi tạm giữ Lê Duy P., Công an thành phố Yên Bái đã khởi tố người này để điều tra hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, theo Điều 280 Bộ luật Hình sự…

Những bản tin buồn lòng đó không chỉ làm mất lòng tin của xã hội với nghề báo mà bản thân những nhà báo liêm chính cũng tự thấy xấu hổ khi bị đứng chung đội ngũ, cùng mang một tấm thẻ do một cơ quan cấp Bộ cấp. Trong một bài viết về nghề báo, chúng tôi cũng đã từng cảnh báo hiện tượng được anh em trong nghề gọi bằng “thuật ngữ lóng” là “nhà báo đếm tầng”, một dạng báo chí moi thông tin bất lợi từ các doanh nhân, doanh nghiệp, cá nhân…để sau đó ngã giá, làm tiền mà những bản tin được dẫn ở trên là một minh chứng. Và cùng với sự quan sát từ thực tế, không chỉ các nhà báo có thẻ mà cả các cộng tác viên của nhiều trang tin điện tử không tên tuổi, không chủ quản, những tài khoản trên mạng xã hội vẫn có thể kiếm tiền bằng những cách rất kỳ lạ. Một phóng viên cùng một cộng tác viên của một tạp chí liên quan đến môi trường đã tống tiền một chủ lò than ở Tây Nguyên chỉ với… 1 triệu đồng. Nhưng chắc chắn đó là vụ việc được phát hiện, nhưng với vài chục lò than như thế, câu chuyện tiền bạc sẽ khác, không còn là chuyện nhỏ?

Nhưng trong ngày báo chí, nhắc lại những chuyện này để làm gì? Nhắc để khẳng định rằng cho dù “mật độ” kiếm tiền kiểu này có tăng lên nhưng chắc chắn điều xấu xa đó sẽ bị đào thải và tiêu diệt. Không chỉ là câu chuyện cái kim trong túi lâu ngày cũng tòi ra mà chính những nhà báo chân chính, để không phải xấu hổ bởi những con sâu trong đội ngũ, chính họ phải là những người đầu tiên lên tiếng với những đồng nghiệp tha hóa biến chất và đấu tranh chống lại những điều xấu xa đó. Cho dù đây là một cuộc đấu tranh gian nan vì quá hiểu rõ nhau nhưng sự liêm chính luôn có điểm tựa là lòng tin của bạn đọc. Một cuộc đấu tranh cho sự tiến bộ bao giờ cũng cần những con người sạch sẽ.

Những năm qua, chúng ta chứng kiến một cuộc đấu tranh lớn lao, là làm trong sạch đội ngũ của Đảng ta. Hàng trăm quan tham, hàng chục vị tướng đã phải thành “củi”. Có làm được như thế , Đảng sẽ mạnh và lấy lại niềm tin trong Nhân dân. Đội ngũ báo chí cũng cần một cuộc đấu tranh như thế, dù quy mô nhỏ hơn nhưng rất cần thiết để loại ra khỏi đội ngũ những ngòi bút vô lương “đếm tầng”. Một đội ngũ nhà báo trong sạch và trách nhiệm thực thi nghề nghiệp hùng hậu chắc chắn sẽ không có đất sống cho những ngòi bút quen tống tiền và đánh đấm vì vụ lợi, hay cay đắng hơn, cho dù vụ lợi nhưng có người vẫn qua mắt được không ít bạn đọc để hiện ra như một hình ảnh anh hùng!

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có câu nói rất hay mà người làm báo chân chính phải luôn tâm niệm “Tôi nghĩ phần lớn các nhà báo không chọn báo chí như một nghề chỉ để kiếm sống. Tôi tin báo chí đang và sẽ được nhìn nhận đúng như vai trò mà xã hội luôn chờ đợi ở mình: Hành xử có trách nhiệm hơn với đất nước, với dân tộc”.

Lê Đức Dục