(QT) - Những năm qua, các tổ chức công đoàn tại các đơn vị y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, đồng thời phát động nhiều phong trào thi đua, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
![]() |
Sự hài lòng của người bệnh về dịch vụ chăm sóc y tế có sự góp sức của tổ chức công đoàn cơ sở |
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Tuyết, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế cho biết: Công đoàn ngành Y tế Quảng Trị có 34 công đoàn cơ sở, với 3.203 đoàn viên, trong đó có 7 công đoàn cơ sở ngoài công lập, với 130 đoàn viên hoạt động trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuốc, vật tư y tế và khám chữa bệnh; tỷ lệ nữ đoàn viên chiếm 66,4%; chất lượng đoàn viên có trình độ đại học, cao đẳng chiếm 38,6%.
So với các lĩnh vực khác, lĩnh vực y tế có môi trường lao động đặc thù, độc hại và chịu nhiều áp lực từ phía người bệnh, người nhà bệnh nhân, trong khi đó điều kiện về cơ sở vật chất còn thiếu đồng bộ, nhà ở công vụ cho cán bộ y tế ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa đầy đủ, đời sống, thu nhập của đoàn viên, người lao động có tăng so với những năm trước nhưng nhìn chung vẫn còn khó khăn, chế độ chính sách đối với cán bộ y tế còn bất cập như mức lương khởi điểm chưa tương xứng với thời gian đào tạo, thầy thuốc chưa được hưởng phụ cấp thâm niên nghề… Chính vì vậy, tổ chức công đoàn ở các đơn vị y tế đã không ngừng phát huy truyền thống cao đẹp của ngành, đoàn kết, năng động, sáng tạo, đổi mới hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra.
Với vai trò là tổ chức bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động, các công đoàn cơ sở đã phối hợp với đơn vị thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, các hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị người lao động theo đúng quy định. Bên cạnh đó, thông qua việc xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa chính quyền địa phương và công đoàn, việc triển khai quy chế dân chủ cơ sở, quy chế chi tiêu nội bộ, thủ trưởng các đơn vị y tế đã có biện pháp thường xuyên cải thiện, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho đoàn viên và người lao động bằng việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao chất lượng chuyên môn, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, từ đó thu hút người bệnh, giảm quá tải cho tuyến trên và tăng thu kinh phí cho đơn vị để cải thiện đời sống người lao động. Các đơn vị y tế ngoài công lập đã tổ chức cho người sử dụng lao động và người lao động cùng phối hợp thảo luận xây dựng thang bảng lương, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, tổ chức đối thoại, giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của người lao động, thực hiện đầy đủ chế độ tiền lương, tiền công, chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp nên đã tạo mối quan hệ hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục đoàn viên và người lao động được chú trọng thông qua việc đổi mới về nội dung, hình thức, phù hợp với thực tiễn cơ sở, sát với nhu cầu của đoàn viên đề từng bước xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh. Thông qua “Tháng công nhân” hằng năm, các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật được tăng cường, đồng thời qua đó nhằm tuyên truyền các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên, người lao động; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để có những hỗ trợ kịp thời. Từ năm 2013 đến nay, Công đoàn ngành Y tế đã hỗ trợ sửa chữa, xây dựng 44 nhà ở “Mái ấm công đoàn” trị giá trên 1 tỉ đồng cho các đoàn viên có khó khăn về nhà ở. Bên cạnh đó, hàng tháng, các công đoàn cơ sở trực thuộc phối hợp với chính quyền tổ chức “Ngày pháp luật” để nâng cao nhận thức pháp luật cho đoàn viên, người lao động.
Với tỉ lệ lao động nữ chiếm đến 66,4%, các tổ chức công đoàn đã chú trọng thực hiện các chính sách, pháp luật về lao động nữ, gắn với công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn cán bộ nữ. Đến nay, đã có 38,7% số cán bộ nữ tham gia công tác quản lý từ trưởng phó khoa phòng, điều dưỡng trưởng trở lên, 27,5% có trình độ đại học và sau đại học, tỉ lệ đảng viên trong nữ đoàn viên và người lao động chiếm 49,5% trong tổng số đảng viên ở đơn vị.
Một điểm đáng ghi nhận là Công đoàn ngành Y tế đã tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên và người lao động theo hướng có chất lượng, chiều sâu, các tiêu chí thi đua gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan. Nổi bật là phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”. Trong 5 năm qua, phong trào “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo” đã có 550 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng hiệu quả và đạt nhiều giải cao trong các hội thi Sáng tạo kỹ thuật của tỉnh. Đặc biệt, các phong trào thực hiện các cuộc vận động xây dựng người cán bộ “Trung thành - sáng tạo - tận tụy - gương mẫu” gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân”, “Xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp” đã mang lại hiệu quả cao, tỉ lệ hài lòng của người bệnh qua các đợt kiểm tra, khảo sát ngày càng tăng, có nhiều đơn vị đạt trên 90%, bình quân trong toàn ngành đạt 83,3%. Ngoài ra, các phòng trào thi đua khác như “Thi đua phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn” gắn với phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Thi đua học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển”… được triển khai mạnh mẽ và nhận được sự hưởng ứng tích cực.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Minh Tuyết, với những nỗ lực vượt bậc, đến nay có hơn 80% công đoàn cơ sở đạt tiêu chuẩn vững mạnh. Tuy nhiên, do đặc thù ngành nghề, trong thời gian tới vai trò của tổ chức công đoàn ở các đơn vị y tế cần tiếp tục thể hiện rõ nét hơn trên tinh thần “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm vì quyền và lợi ích của đoàn viên và người lao động, vì sức khỏe của nhân dân, vì sự phát triển của ngành Y tế”. Qua đó, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Lê Minh