Khởi sắc làng cát
(QT) - Bằng sự chịu thương chịu khó mà đến nay người dân thôn Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã thực sự chinh phục được vùng cát một thời khắc nghiệt bằng những loại cây trồng chủ lực, qua đó làm cho vùng đất này ngày càng trở nên khởi sắc, ấm no. “Chân ruộng, chân cát” Không chỉ nổi tiếng với thương hiệu “mỹ tửu Kim Long” trứ danh, ngày nay người dân thôn Kim Long còn tự hào với những nông sản do chính họ làm ra trên vùng cát trắng quê mình. Bây giờ đi dọc con đường đất đỏ dẫn ra trảng cát sau làng Kim Long, người ta sẽ khó nhận ra vùng cát khắc nghiệt ngày xưa nữa. Thay vào đó là bát ngát những vườn dưa hấu, dưa gang, ớt, ném... được phân bố dọc hai bên đường, luân canh quanh năm. Chính những loại cây trồng chủ lực này mà những năm qua đời sống của người dân Kim Long trở nên ấm no, sung túc. Ông Nguyễn Quân, Phó Chủ nhiệm HTX Kim Long dẫn chúng tôi tham quan những mô hình kinh tế trên vùng cát quê mình, chia sẻ: “So với trước đây thì bây giờ cuộc sống của người nông dân quê tôi đã khấm khá hơn trước rất nhiều vì các loại cây trồng trên vùng cát mang lại hiệu quả rất cao.
 |
Niềm vui được mùa dưa của người dân thôn Kim Long, Hải Quế, Hải Lăng. |
Người dân ở đây vẫn bám “chân ruộng, chân cát”, hết làm đồng lại xoay sang làm trên vùng cát nên đời sống kinh tế ổn định. Giá cả những loại cây trồng như dưa hấu, ớt, ném, sắn nguyên liệu... những năm qua khá ổn định nên người dân ai cũng phấn khởi bám vùng cát làm giàu”. Ông Quân kể cách đây không lâu, bài toán làm thế nào để biến vùng cát trở thành nơi mang lại đời sống ổn định cho bà con nông dân ở đây là cực kỳ gian nan. “Không biết bao nhiêu loại cây trồng, con nuôi được thực hiện ở vùng cát nơi đây nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau mà đều thất bại hoặc hiệu quả thấp. Thế nên có một thời gian dài người dân chẳng mặn mà gì với vùng đất khắc nghiệt này. Đất ruộng cũng chỉ được chừng 1 sào/người nên trước đây đời sống của bà con khá bấp bênh. Trước thực tế đó, chúng tôi đã tích cực vận động người dân lên vùng cát, mặt khác tìm kiếm nhiều nguồn giống cây trồng thích hợp, hiệu quả kinh tế cao để đưa ra vùng cát áp dụng canh tác. Và những hiệu quả ban đầu lúc đó đã là động lực để người dân tích cực bám đồng cát và tin tưởng rồi đây vùng cát sẽ đổi đời”. Băng qua ruộng dưa hấu xanh mướt, lúc nhúc quả như những chú lợn con giữa cái nắng chói chang, chúng tôi bắt chuyện với lão nông Nguyễn Phú. Tay mân mê quả dưa hấu căng tròn, ông Phú phấn khởi cho biết: “Trước đây vùng này trồng toàn khoai lang, sắn địa phương và một số cây hoa màu khác nhưng cuộc sống của gia đình tôi khó khăn lắm, vì các loại cây trồng đó có giá trị thấp. Thêm vào đó, do người dân không chú trọng nhiều đến vùng cát nên phần lớn diện tích đất bị hoang hoá, cằn cỗi, phải mất nhiều thời gian cải tạo. Thế nhưng từ ngày chuyển sang trồng dưa hấu và một số loại cây trồng khác có hiệu quả cao thì người dân quê tôi đã trở lại vùng cát cải tạo đất để canh tác. Ví như gia đình tôi, mỗi vụ kéo dài chừng 3-4 tháng nhưng tính sơ cũng thu được bạc triệu, so với trước đây thì hiệu quả gấp hơn nhiều lần. Nhờ vậy đời sống của gia đình tôi và nhiều gia đình khác đã thoát nghèo và trở nên khấm khá”. Ông Phú cho biết thêm, ngoài việc chăm bón ruộng lúa chu đáo, người dân Kim Long bây giờ xem đồng cát là vùng đất mở hướng thoát nghèo, làm giàu cho họ. “Bên nào cũng phải bám hết, ruộng lúa là để đảm bảo nguồn lương thực còn đồng cát là nơi tạo thu nhập thường xuyên, ổn định cho người dân quê tôi”, ông Phú tự tin nói. Ấm no trên làng cát Chị Hồ Thị Lài, cán bộ phụ trách khuyến nông xã Hải Quế cho biết, người dân Kim Long bây giờ ai cũng phấn khởi và tự hào bởi những nông sản được làm ra tại các vùng đất hoang hoá một thời như: vùng Cháy, vùng ông Thầy, ông Tịnh, ông Sầm... đã có mặt khắp nơi trong tỉnh và ngoài tỉnh bởi có chất lượng và được thị trường ưa chuộng. Chị Lài cho rằng có được những thành công ấy, ngoài sự vận động của chính quyền địa phương thì sự nỗ lực, cần cù chịu khó của người nông dân là rất lớn. “Bám vùng cát ngày xưa thì đói nhưng bây giờ bám vùng cát lại ấm no. Anh thấy đó, vùng cát hoang hoá ngày nào giờ đã lên xanh với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định. Nhiều bà con cho rằng, nếu không chịu khó ra vùng cát sớm thì đời sống của họ hẳn sẽ còn chật vật rất nhiều”. Toàn thôn Kim Long có 420 hộ với khoảng 2.200 nhân khẩu nhưng đã có đến 300 hộ có đất sản xuất ở vùng cát. Bình quân thu nhập ở vùng cát mang lại cho mỗi gia đình là từ khoảng 10- 15 triệu đồng/năm. Ở Kim Long có nhiều hộ có diện tích canh tác lớn trên vùng cát (5- 15 sào đất) như hộ ông Nguyễn Lự, Nguyễn Phin, Nguyễn Gio... Những gia đình này có diện tích lớn, có nhân lực nên thu nhập mang lại hàng năm rất cao. Trong các loại cây trồng thì giống cây dưa hấu Thái Lan được trồng trên vùng cát Kim Long phát triển tốt, quả đều, ngon ngọt nên được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. “Mỗi vụ dưa hấu, riêng thôn Kim Long đã cung ứng cho thị trường hàng chục tấn, mang lại thu nhập khá cao cho người dân. Bình quân mỗi sào dưa ở đây đạt sản lượng khoảng 1,5 tấn, giá giao động từ 4.000-6.000 đồng/ kg nên cứ mỗi sào ít nhất cũng thu được 6-7 triệu đồng, đó là chưa kể các loại cây trồng khác. Có một điều mà chúng tôi rất vui là bây giờ tư duy làm kinh tế của người dân đã đổi thay, họ làm ra nông sản và bán ra thị trường theo hướng hàng hoá có giá trị cao. Chúng tôi tin tưởng điều này sẽ kích thích mỗi người nông dân càng có trách nhiệm hơn nữa, gầy dựng uy tín hơn nữa đối với nông sản do mình làm ra”, ông Nguyễn Quân, Phó Chủ nhiệm HTX Kim Long bày tỏ. Cùng với dưa hấu, các loại cây như dưa gang, dưa địa phương, ném cũng đã bước đầu mang lại thu nhập khá cho bà con. “Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng diện tích, tích cực chăm sóc cây trồng để đảm bảo duy trì sản lượng, chất lượng nhằm cung ứng cho thị trường. Về cây ném (thuộc Dự án Biến đổi khí hậu của Trường Đại học Nông lâm Huế hỗ trợ), sau một thời gian thử nghiệm đã thành công, hiệu quả cao nên chúng tôi đang phối hợp để tiếp tục triển khai trên quy mô lớn hơn. Với tổng diện tích canh tác trên vùng cát hiện nay là khoảng 50 ha, trong những năm tới thôn Kim Long hứa hẹn sẽ còn cho thu nhập cao và ổn định hơn nữa”, chị Hồ Thị Lài cho biết. Về vùng cát Kim Long bây giờ, chúng tôi chứng kiến cảnh người nông dân tất bật bám đồng cát và trên con đường đất đỏ là từng đoàn xe kéo, xe máy hối hả vận chuyển nông sản ngược xuôi. Và chúng tôi cũng nghe được trong câu chuyện của người nông dân nơi đây, từ mâm cơm gia đình đến ngoài đường làng, ngõ xóm, ai cũng háo hức nói về chuyện làm kinh tế ở vùng cát một cách sôi nổi, hào hứng. Với họ, vùng cát khắc nghiệt ngày nào đã đổi thay kỳ diệu, đã mang đến no ấm thật sự. Bài, ảnh: ĐỨC VIỆT