Huy động mọi nguồn lực để giúp hộ nghèo xây nhà phòng tránh bão lũ
(QT) - Khu vực duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hoá đến Bình Thuận thường xuyên xảy ra thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, lụt. Những năm gần đây, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra với tần suất dày hơn, cường độ mạnh hơn. Bão, lụt đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho người dân, đồng thời gây trở ngại cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của các địa phương.

Huy động mọi nguồn lực để giúp hộ nghèo xây nhà phòng tránh bão lũ

(QT) - Khu vực duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hoá đến Bình Thuận thường xuyên xảy ra thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, lụt. Những năm gần đây, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra với tần suất dày hơn, cường độ mạnh hơn. Bão, lụt đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho người dân, đồng thời gây trở ngại cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của các địa phương.

Nhờ hỗ trợ của Chính phủ và huy động thêm từ nhiều nguồn, bà Lê Thị Hối ở thôn Trung Đơn, xã Hải Thành, Hải Lăng đã xây được ngôi nhà tránh bão lũ
Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất với Chính phủ ban hành Đề án Hỗ trợ hộ nghèo xây nhà phòng tránh bão lụt theo Quyết định 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014. Về mức hỗ trợ, ngân sách nhà nước (bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) hỗ trợ từ 12- 16 triệu đồng/hộ (tùy theo địa bàn cư trú). Ngoài ra, quyết định cũng quy định mỗi hộ gia đình thuộc diện đối tượng được hỗ trợ có nhu cầu vay vốn được vay tối đa 15 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây nhà với mức lãi suất 3%/năm, thời hạn vay là 10 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm, thời gian trả nợ tối đa là 5 năm. Để triển khai thực hiện Quyết định 48 của Chính phủ, tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 335/QĐ-UBND ngày 12/2/2015 về việc ban hành Đề án Hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Theo đó, các địa phương trên toàn tỉnh đã tiến hành rà soát, bình chọn được 3.291 hộ nghèo thuộc diện hỗ trợ xây dựng nhà phòng tránh bão lụt với tổng số tiền hỗ trợ là 5.200 triệu đồng. Ngày 24/12/2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2845/QĐ-UBND phân bổ kinh phí hỗ trợ cho các địa phương. Theo đó huyện Đakrông được hỗ trợ 1.196 triệu đồng, thị xã Quảng Trị: 52 triệu đồng, Cam Lộ: 416 triệu đồng, Hải Lăng: 780 triệu đồng, Hướng Hóa: 364 triệu đồng, Triệu Phong: 884 triệu đồng, Gio Linh: 676 triệu đồng, Vĩnh Linh: 832 triệu đồng. Tuy nhiên theo báo cáo của các địa phương, đến nay tiến độ thực hiện đề án chậm so với yêu cầu tiến độ. Cụ thể như huyện Hướng Hóa phân bổ kinh phí xây dựng cho 23 cái nhà (xã Thanh 10 nhà, Thuận 7 nhà, Tân Long 3 nhà, Tân Thành 3 nhà) nhưng đến nay chỉ có xã Thanh hoàn thành được 4 nhà; huyện Đakông phân bổ cho 77 nhà, nay mới hoàn thành danh sách phân bổ; huyện Cam Lộ năm 2015 phê duyệt giao cho 33/67 hộ được bình xét nhưng đến nay vẫn chưa triển khai; huyện Gio Linh xây dựng 42 nhà, trong đó có 4 nhà di dời, số còn lại là khắc phục, sửa chữa; huyện Vĩnh Linh phân bổ 802 triệu, đợt 1 huyện phân bổ xây dựng 69 nhà, nay có khoảng 30% số hộ tập kết vật liệu; huyện Triệu Phong năm 2015 triển khai 73 nhà hiện nay đang triển khai, chưa có nhà hoàn thành; huyện Hải Lăng phân bổ 65 nhà, nay đã hoàn thành 45 nhà và thị xã Quảng Trị đang triển khai xây dựng 5 nhà. Chúng tôi đến xã Hải Thành (Hải Lăng), một trong những địa phương sớm hoàn thành tiến độ xây nhà tránh bão lụt. Xã Hải Thành hiện có 43 hộ nghèo/526 hộ trên toàn xã. Trong đợt bình xét vừa qua, xã Hải Thành được hỗ trợ 3 nhà đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 nhà, 1 nhà đang triển khai xây dựng. Anh Lý Văn Đinh, cán bộ phụ trách văn hóa, xã hội xã cho biết: “Sau khi tiếp nhận chủ trương, xã đã tổ chức bình xét để tìm ra đối tượng được ưu tiên. 3 hộ được hỗ trợ nhà trong năm 2015 là những đối tượng già cả, neo đơn không nơi nương tựa và hiện trạng nhà cửa đang xuống cấp nằm gần khu vực nguy hiểm hay xảy ra bão lụt. Vì thế 3 hộ này được ưu tiên hỗ trợ trước, cùng nguồn đóng góp của thân nhân nên đến nay họ đã xây dựng được ngôi nhà mới”. Bà Lê Thị Hối ở thôn Trung Đơn, một trong 3 hộ được hỗ trợ xây nhà phòng tránh lũ xúc động nói: “Tôi chỉ có một người con duy nhất nay đang lập nghiệp ở Tây Nguyên nhưng đời sống kinh tế cũng đang khó khăn. Bản thân tôi sống một mình ở quê, tuổi tác cao nên không làm lụng được gì nhiều. Ngôi nhà trước của tôi làm đã mấy chục năm nên mối mọt hủy hoại gần hết. Cứ mỗi mùa mưa bão đến là tôi cứ nơm nớp lo sợ nhà sập. Được cấp trên bình xét vào diện hỗ trợ xây nhà tôi rất mừng. Ngoài khoản nhà nước hỗ trợ, tôi vay thêm, đứa con và bà con họ hàng hỗ trợ nữa nên tôi đã có được ngôi nhà mới vững chãi. Tôi rất biết ơn mọi người đã quan tâm, giúp đỡ tôi”. Thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, ngoài huyện Hải Lăng sớm có nhà hoàn thành theo tiến độ thực hiện thì hầu hết các địa phương đang triển khai chậm, đặc biệt là các huyện như Cam Lộ, Đakrông, thị xã Quảng Trị. Tìm hiểu nguyên nhân tiến độ thực hiện xây dựng nhà phòng tránh bão lụt theo Quyết định 48 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chậm, chúng tôi được biết, trước hết là do khó khăn về nguồn vốn đối ứng còn lại ngoài khoản hỗ trợ của nhà nước từ 12-16 triệu đồng/hộ. Khoản vay khoảng 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng gặp khó khăn do cơ chế ủy thác của ngân hàng buộc phải tổ chức họp thôn bình chọn, xã xét duyệt nên kéo dài thời gian. Một số hộ nghèo còn e ngại không dám vay vì sợ không có tiền trả, nguồn địa phương hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ đang gặp khó khăn do không huy động được nguồn tài trợ. Đặc biệt là một số huyện như Đakrông, Hướng Hóa đang trông chờ vào nguồn từ Ủy ban MTTQVN các cấp nhưng vẫn chưa khả quan, việc huy động từ các nhà tài trợ chưa có kết quả. Chính vì vậy, nhiều hộ ở Hướng Hóa mong muốn được sử dụng nguồn hỗ trợ từ Chính phủ để nâng cấp nhà chống lũ chứ không đủ sức xây dựng mới, nếu không chấp thuận thì họ xin rút khỏi danh sách được hỗ trợ. Từ những khó khăn về nguồn đối ứng còn lại nhiều hộ dân kiến nghị với số tiền khoảng 40 triệu đồng huy động từ nguồn khác nhau thì không thể xây nhà theo mẫu của Sở Xây dựng đã ban hành mà chỉ xây nhà cấp phối có sàn chống lũ. Mặt khác không nên đổ bê tông sàn tránh lũ theo mẫu mà chỉ làm sàn gỗ hoặc nâng cấp nhà ở có cầu thang lên sàn gỗ đảm bảo tránh được lũ. Theo ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và xã hội, sở dĩ tiến độ thực hiện đề án chậm là do các địa phương đang có nhiều nguồn hỗ trợ 100% kinh phí như huyện Đakrông có Tập đoàn Viettel hỗ trợ; ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong có Tập đoàn Vincom triển khai xây nhà ở cho hộ nghèo và đối tượng chính sách, vì thế người dân còn trông chờ vào các nguồn đó nên chưa mặn mà với việc xây nhà theo Quyết định 48 của Chính phủ. Do đó, chính quyền các cấp cần giải thích cho dân hiểu các nguồn vốn trên địa bàn và nỗ lực huy động vốn từ cộng đồng”. Có thể khẳng định, Quyết định 48 của Chính phủ về hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt cho hộ nghèo các tỉnh duyên hải miền Trung là giúp cho đồng bào vùng ven sông, ven suối, vùng thường xuyên bị ngập lụt cải thiện nhà ở. Đồng thời giúp các địa phương rà soát lại thực trạng các địa bàn dân cư, thực trạng vùng sạt lở, nguy hiểm, qua đó bố trí sắp lại dân cư một cách hợp lý hơn nhưng do qua 5 tháng triển khai đã nảy sinh nhiều vướng mắc. Ngoài yếu tố người dân chưa mặn mà và e ngại vay vốn thì chính quyền các cấp chưa phát huy hết vai trò của mình. Đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ dân xây nhà tránh bão lụt ở một số nơi chưa đọc kỹ và hiểu hết nội dung cũng như tinh thần của Quyết định 48. Bà Nguyễn Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng mẫu nhà của Sở Xây dựng ban hành chỉ mang tính tham khảo chứ còn phải tính đến điều kiện đặc thù, điều kiện thời tiết, tập quán sinh hoạt để xây dựng nhà chứ không rập khuôn thực hiện đúng nguyên mẫu. Do đó, có thể tham khảo ở các địa bàn tương đồng về địa lý, vùng miền, tôn trọng tập quán sinh hoạt của người dân, các địa phương mà chủ động xây dựng nhà ở cho phù hợp”. Để việc triển khai thực hiện đề án hỗ trợ xây dựng nhà phòng tránh bão lụt đạt tiến độ đề ra, giúp người dân cải thiện được điều kiện ăn ở, sinh hoạt trước mùa mưa bão năm nay, các địa phương cần phải tăng cường vận động, giải thích cho người dân hiểu về cơ chế, chính sách hỗ trợ và cho vay của Chính phủ để mạnh dạn hưởng ứng chương trình (vay tiền, đầu tư thêm tiền). Trước hết cần khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo ở các huyện, thị để tổ chức thực hiện. Về phía Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ cần căn cứ vào danh sách huyện đã phê duyệt (đã qua bình xét tại thôn) mà tổ chức cho vay với thủ tục nhanh gọn chứ không nhất thiết phải bình xét lại mất thời gian. Nỗ lực huy động từ các nhà tài trợ, nguồn từ Ủy ban Mặt trận các cấp, huy động các lực lực lượng như công an, bộ đội, đoàn thanh niên tham gia giúp dân san ủi mặt bằng, di dời nhà cửa, vật dụng gia đình để giảm chi phí với mục tiêu giúp hộ nghèo vùng thiên tai nguy hiểm có được nơi ở ổn định, an toàn trong mùa mưa, bão. Bài, ảnh: HỒ NGUYÊN KHA