Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực
* Đồng chí NGUYỄN THANH LỢI, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị trả lời phỏng vấn - Thưa đồng chí! Đề nghị đồng chí cho biết những kết quả nổi bật đem lại hiệu quả tích cực so với những năm trước đây trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong năm 2014? - Năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và cụ thể hóa các quy định của pháp luật, các nghị quyết, chính sách của Đảng, Chính phủ, Quốc hội phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực thi pháp luật về lĩnh vực TNMT, đặc biệt là tăng cường công tác quản lý nhà nước về TN&MT trên địa bàn và đạt được nhiều kết quả tích cực. Sở đã tham mưu triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013; tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh để đề xuất ban hành thay thế nhằm phù hợp với Luật Đất đai mới. Trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 81/NQ-CP về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) tỉnh Quảng Trị; trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết về danh mục các dự án cần thu hồi đất và các dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác trong năm 2015 và Nghị quyết về bảng giá các loại đất định kỳ 5 năm (2015-2019) trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành thẩm định kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các huyện và tổng hợp các công trình, dự án đầu tư 2015 trình UBND tỉnh và HĐND tỉnh; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo hướng dẫn công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), thẩm định công tác GPMB Quốc lộ 1A, các dự án trọng điểm; kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB. Đã cơ bản hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 93 % số giấy cần cấp. Tổ chức đầu tư cơ sở hạ tầng đấu giá quyền sử dụng đất với số tiền hơn 100 tỷ đồng, đạt 130 % so với kế hoạch giao, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh; kịp thời ban hành bộ thủ tục hành chính về đất đai theo luật mới. Sở đã tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và tổ chức vận hành thí điểm cơ sở dữ liệu ở Hải Lăng và thị xã Quảng Trị.
 |
Lãnh đạo tỉnh, Sở Tài nguyên- Môi trường và các ngành liên quan kiểm tra công tác bảo vệ môi trường ở Vĩnh Linh - Ảnh: HNK |
Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý tài nguyên khoáng sản và các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Quy định về quản lý, khai thác đất làm vật liệu san lấp công trình trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương liên quan rà soát, trình UBND tỉnh khoanh định 3 điểm mỏ vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản 2014; hoàn thiện khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên trình UBND tỉnh ban hành và Sở cũng đã ban hành bộ thủ tục hành chính về lĩnh vực khoáng sản và nước. Đề xuất các giải pháp trong quản lý, đẩy đuổi hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, bản đồ nhạy cảm đường bờ tỉnh Quảng Trị; ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT); Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 28/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật BVMT 2014; ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường và xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; xây dựng và triển khai Đề án cam kết bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư, xây dựng Bộ chỉ thị môi trường tỉnh, thực hiện chương trình quan trắc chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền nâng cao nhận thức trong công tác BVMT, tập trung xử lý các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, điều tra các điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật; triển khai dự án Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Kông mở rộng giai đoạn 2 tỉnh Quảng Trị. Sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; ban hành và công bố Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ của tỉnh; ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định 1570/QĐ-TTg ngày 6/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT biển đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 83-CTHĐ/TU ngày 19/12/2013 của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Hội nghị BCH TƯ Đảng lần thứ 7 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu; triển khai công tác khảo sát, thu thập dữ liệu về khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2014, Sở đã chủ động kiểm tra và trình UBND tỉnh xử lý 17 tổ chức sử dụng đất theo Chỉ thị 134/ CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 13/NQ-HĐND ngày 16/8/2012 của HĐND tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất 7 khu đất của 5 tổ chức với tổng diện tích 42.138 m2; rà soát việc khắc phục các thiếu sót, sai phạm theo kết luận kiểm tra của Chủ tịch UBND tỉnh, qua đó đã xử phạt vi phạm hành chính 11 tổ chức với tổng số tiền 60 triệu đồng. Tiến hành kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh tại 35 cơ sở sản xuất, kinh doanh, phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật và xử phạt theo quy định của pháp luật. Đãtiếp 11 lượt người (15 người) đến kiến nghị, phản ánh các nội dung liên quan về lĩnh vực đất đai. Các kiến nghị, phản ánh của người dân đã được cán bộ tiếp dân hướng dẫn, trả lời thỏa đáng (không có đoàn đông người). Báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh trình UBND tỉnh 17 vụ khiếu nại thuộc thẩm quyền UBND tỉnh giao. Sở được UBND tỉnh ủy quyền tham gia 5 vụ tại tòa hành chính. Bên cạnh đó, Sở đã chủ động rà soát đơn giản hóa các thủ tục hành chính như đề xuất UBND tỉnh phân cấp ủy quyền đơn giản hóa các bước thực hiện ở lĩnh vực đất đai, môi trường, lấy ý kiến khách hàng trong thực hiện các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Thực hiện công tác cải cách chế độ công vụ theo Quyết định 1557/QĐ- TTg ngày 18/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ. - Những kết quả hoạt động trên lĩnh vực bảo vệ TN&MT ở tỉnh Quảng Trị trong những năm qua đã góp phần tích cực trong việc chấn chỉnh các hành vi vi phạm về môi trường, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về BVMT. Tuy nhiên so với thực tế vẫn còn nhiều điểm bất cập và những tồn tại hạn chế. Đề nghị đồng chí cho biết đâu là nguyên nhân của tồn tại và các giải pháp khắc phục? - Bên cạnh những kết quả đạt được là sự cố gắng, tích cực, tâm huyết của cán bộ ngành TN&MT vẫn còn những vấn đề tồn tại mà không chỉ có ngành mới tháo gỡ được. Lĩnh vực tài nguyên môi trường vốn nhạy cảm, phức tạp lại được quản lý, tác động của nhiều ngành, nhiều cấp do đó cần có sự phối hợp đồng bộ. Trong lĩnh vực đất đai, chúng ta chưa có một bộ cơ sở dữ liệu đất đai hoàn chỉnh nên gặp khó khăn trong công tác quản lý, công tác quản lý đất đai trải qua nhiều thời kỳ. Khiếu nại, kiến nghị của nhân dân trong lĩnh vực đất đai còn nhiều. Vẫn còn tồn tại tình trạng các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép; tình trạng khai thác vàng, cát sỏi trái phép diễn ra ngày càng tinh vi trong khi đó lực lượng truy quét mỏng, kinh phí hạn hẹp gây khó khăn cho công tác quản lý. Trong lĩnh vực quản lý môi trường, phần lớn các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn lại trong danh sách là các cơ sở công ích và đã quá thời hạn xử lý triệt để ô nhiễm, tuy nhiên các cơ sở này chưa được bố trí kinh phí để xử lý ô nhiễm môi trường. Nguồn kinh phí chi sự nghiệp môi trường của địa phương còn hạn chế nên việc tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch còn gặp nhiều khó khăn; việc đầu tư cho BVMT còn thiếu đồng bộ, dàn trải và manh mún nên hiệu quả chưa cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng phục vụ công tác quản lý môi trường. Nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong công tác BVMT chưa thấu đáo, thiếu sự đồng thuận. Một trong những vấn đề mà chúng tôi trăn trở nhiều nhất đó là quản lý tổng hợp biển và hải đảo. Hiện tại, công tác quản lý này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Chưa có cơ chế, chính sách hướng dẫn cụ thể của Trung ương nên trong quá trình triển khai nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn. Nhìn chung, vấn đề đầu tư nguồn lực cho lĩnh vực TN&MT chưa đáp ứng với yêu cầu của phát triển kinh tế, xã hội bền vững và nhiệm vụ được tỉnh giao. - Thưa đồng chí! Từ những khó khăn, bất cập đó, Sở TN&MT Quảng Trị cần triển khai những nhiệm vụ trọng tâm gì nhằm đưa công tác quản lý nhà nước về TN&MT ngày càng phát huy hiệu quả, trở thành động lực thúc đẩy phát triển KT-XH tại địa phương? - Trong thời gian tới, Sở TN&MT đảm nhận nhiều nhiệm vụ hết sức nặng nề, vừa phải quản lý chặt chẽ, khai thác hợp lý tài nguyên phục vụ các mục tiêu phát triển KT-XH vừa phải bảo đảm sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn tài nguyên, BVMT đảm bảo phát triển bền vững của tỉnh. Để đạt được mục tiêu đã đặt ra, ngành TN&MT đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015, đó là: Tiếp tục tổ chức thi hành Luật Đất đai 2013; Nghị quyết của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020; Chỉ thị số 18-CT-TU ngày 20/9/2013 của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác bồi thường GPMB đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm đầu kỳ. Hoàn thiện hệ thống điều tra, đánh giá tài nguyên đất đảm bảo cung cấp đầy đủ dữ liệu về đất đai phục vụ việc hoạch định chính sách và ban hành các quyết định về quản lý và sử dụng đất. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định 203/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; rà soát, đề xuất UBND tỉnh về các điểm mỏ đưa vào đấu giá quyền khai thác, điểm mỏ không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản; phối hợp với các ngành, UBND các huyện kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác trái phép khoáng sản, tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật BVMT 2014. Tham mưu ban hành các văn bản qui phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch theo Luật BVMT 2014; triển khai các Chương trình hành động, Kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về môi trường trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá, huy động tối đa nguồn lực từ các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân tham gia vào công tác BVMT. Tổ chức các hoạt động truyền thông môi trường. Tiếp tục triển khai Đề án cam kết BVMT trong cộng đồng dân cư đảm bảo 90% số hộ ở đô thị, 80% số hộ nông thôn cam kết BVMT. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm tăng cường quản lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên đất, khoáng sản, nước. Kiên quyết đề xuất thu hồi đất các dự án không hiệu quả, sử dụng lãng phí, chậm tiến độ, vi phạm hành chính. Xử lý nghiêm những vi phạm trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, rà soát, trình UBND tỉnh ban hành Bộ thủ tục hành chính lĩnh vực môi trường. Xây dựng và triển khai thực hiện đề án một cửa điện tử giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực TN&MT. Cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI). Xây dựng cơ sở dữ liệu TN&MT. Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, thực hiện tốt Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản có liên quan. Triển khai kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 50/TTLT-BNV-BTNMT và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hành chính trong lĩnh vực TN&MT. - Xin cảm ơn đồng chí. HỒ NGUYÊN KHA (thực hiện)