Phát triển năng lượng tái tạo, hướng đi hiệu quả
(QT) - Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã thu hút khá nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Số dự án đưa vào vận hành, khai thác chưa nhiều nhưng với hiệu quả mang lại trên thực tế, với tiềm năng, lợi thế và chính sách phát triển phù hợp, lĩnh vực này đang mở ra hướng đi mới và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp của địa phương.

Phát triển năng lượng tái tạo, hướng đi hiệu quả

(QT) - Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã thu hút khá nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Số dự án đưa vào vận hành, khai thác chưa nhiều nhưng với hiệu quả mang lại trên thực tế, với tiềm năng, lợi thế và chính sách phát triển phù hợp, lĩnh vực này đang mở ra hướng đi mới và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp của địa phương.

Thi công móng trụ tuabin Nhà máy Điện gió Hướng Linh 1​

Được đưa vào hoạt động từ tháng 9/2017, Nhà máy Điện gió Hướng Linh 2 ở xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa với tổng công suất 30 MW, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất của Tập đoàn Vestas (Đan Mạch), có tổng mức đầu tư trên 1.400 tỉ đồng của Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu được xem là bước đi đầu tiên để hiện thực hóa tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo của tỉnh Quảng Trị. Cùng với việc hoàn thiện và đưa vào hoạt động Nhà máy Điện gió Hướng Linh 2, công ty khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy điện gió Hướng Linh 1 với thiết kế, công nghệ, công suất và kinh phí đầu tư tương đương. Đến nay dự án này đang được gấp rút hoàn thiện các thủ tục nhập khẩu, vận chuyển các trụ tuabin gió để lắp đặt, phấn đấu đưa vào chạy thử nghiệm và vận hành toàn bộ nhà máy vào quý II/2019. Ông Nguyễn Liêm, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu cho biết, vận tốc gió trung bình năm ở Hướng Linh đạt từ 6 - 7m/s, nếu so sánh với các địa bàn đang có các nhà máy điện gió hoạt động ở tỉnh Bạc Liêu và Bình Thuận thì mọi thông số gió ở Hướng Linh đều có ưu điểm vượt trội. Đây chính điều kiện lý tưởng, sức hấp dẫn lớn để thuyết phục Tân Hoàn Cầu quyết định đầu tư dự án điện gió đầu tiên của tỉnh Quảng Trị cũng như các tỉnh trong khu vực. “Hiện nay chúng tôi đang hoàn thiện các quy trình, thủ tục để thực hiện dự án điện gió Hướng Linh 3 với tổng công suất 30 MW và đang triển khai các hạng mục của dự án điện gió Hướng Hiệp 1 ở huyện Đakrông với tổng công suất 30 MW”, ông Nguyễn Liêm thông tin thêm.

Không chỉ với Tân Hoàn Cầu, điện gió cũng đang tạo sức hút lớn đối với các nhà đầu tư khác với một loạt dự án đang chuẩn bị được triển khai như: Hướng Phùng 1 với công suất 30 MW của Tổng Công ty Phát điện 2; Hướng Phùng 2 công suất 20 MW của Công ty Việt Ren; Hướng Tân công suất 48 MW của Công ty Phú Điền…Yếu tố quyết định tạo nên sức hấp dẫn này là bởi theo quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Quảng Trị giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Công thương phê duyệt, tiềm năng phát triển điện gió của tỉnh Quảng Trị có tổng công suất ước khoảng 1.280 MW; các địa điểm thuận lợi để xây dựng các nhà máy điện gió tập trung ở các xã Hướng Linh, Hướng Sơn, Hướng Lập, Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa); xã Hướng Hiệp (huyện Đakrông) và một số xã ven biển của huyện Gio Linh và Vĩnh Linh. Trên cơ sở này xác định quy mô phát triển điện gió đến năm 2020 là 110 MW. Giai đoạn sau năm 2020 lập bổ sung quy hoạch dự kiến đầu tư thêm 21 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 675MW.

Không chỉ điện gió, điện mặt trời cũng đang là thế mạnh của Quảng Trị. Ông Quốc Hồ Hiệp Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Trên cơ sở kết quả khảo sát, nghiên cứu, hiện nay tỉnh đang trình Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch phát triển điện mặt trời giai đoạn đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2030 với quy mô công suất khoảng 1.100 MWp. Địa bàn phát triển điện mặt trời tập trung ở các xã vùng ven biển các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng và mặt nước các hồ thủy lợi trên địa bàn. Từ nay đến năm 2025 dự kiến có khoảng 10 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 600 MWp được triển khai thực hiện. Trong đó, có 5 dự án đã được trình Bộ Công thương phê duyệt là Gio Mỹ 1 với công suất 50 MWp, Gio Thành 1, Gio Thành 2 cùng công suất 50 MWp, LIG - Quảng Trị công suất 49,5 MWp, Trúc Kinh công suất 50 MWp và 4 dự án đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch. Hiện nay, Bộ Công thương đã có quyết định phê duyệt dự án Nhà máy Điện mặt trời LIG - Quảng Trị vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh và nhà đầu tư là Công ty cổ phần Licogi 13 đang triển khai thực hiện dự án”. Ông Nguyễn Quốc Thi, Trưởng Ban quản lý dự án Nhà máy Điện mặt trời LIG - Quảng Trị thông tin: “Dự án có công suất 49,5 MWp được triển khai trên tổng diện tích đất gần 60 ha ở hai xã Gio Thành, Gio Hải thuộc huyện Gio Linh. Đến thời điểm này đã cơ bản hoàn thành hạ tầng trong nhà máy, tuyến đường dây dài 11 km và đã nhập về công trình những lô thiết bị kỹ thuật đầu tiên với tổng giá trị giải ngân của dự án đạt khoảng 430 tỉ/1.087 tỉ đồng. Với tiến độ này, chúng tôi phấn đấu hoàn thành toàn bộ nhà máy vào tháng 6/2019”.

Cũng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, tỉnh hiện có 14 dự án thủy điện nhỏ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 179,5 MW. Trong đó có 7 dự án đã đưa vào hoạt động, 6 dự án đang triển khai xây dựng và 1 dự án mới được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Là dự án có công suất lớn nhất trong số các dự án thủy điện đang được triển khai xây dựng, Nhà máy Thủy điện Đakrông 4 do Công ty cổ phần Sơn Hải Thủy điện Quảng Trị làm chủ đầu tư có công suất 24 MW, tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng được khởi công vào tháng 12/2017, đến nay đã hoàn thành được 70% tổng khối lượng các hạng mục. Đến khảo sát thực tế dự án Thủy điện Đakrông 4 vào tháng 10/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính bày tỏ sự phấn khởi và đánh giá cao tiến độ thi công khẩn trương, chất lượng cũng như đảm bảo an toàn về mọi mặt của công ty. Qua đó, không chỉ rút ngắn thời gian hoàn thành mà còn tạo ra việc làm, các công trình hạ tầng, nhất là về giao thông để phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân địa phương. Đồng thời đề nghị nhà đầu tư tăng cường nhân lực và phương tiện thi công để phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án, đưa vào chạy thử vào dịp kỷ niệm 30 năm lập lại tỉnh Quảng Trị…

Ưu điểm nổi bật của năng lượng tái tạo là có thể sử dụng lâu dài, bền vững, thân thiện với môi trường cùng với đó là hiệu quả kinh tế - xã hội mang lại rất khả quan. Đơn cử như chỉ với Nhà máy Điện gió Hướng Linh 2 công suất 30 MW đang hoạt động nếu chỉ tính riêng về đóng góp ngân sách nhà nước thì trung bình mỗi năm đã được khoảng 20 tỷ đồng. Phát triển năng lượng tái tạo đang được lãnh đạo tỉnh quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, sát với thực tế. Trong đó, coi trọng tạo mọi điều kiện và cơ chế thuận lợi nhất trong khả năng cho các nhà đầu tư tâm huyết, có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính triển khai các dự án để tạo bước đột phá cơ bản trong cơ cấu và giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương. Chủ trương này cũng được lãnh đạo Bộ Công thương ủng hộ khi mà trong phiên làm việc với UBND tỉnh vào tháng 6/2018, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, Quảng Trị cần biến những bất lợi của gió, nắng… thành lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo. Bộ Công thương luôn đồng hành và quan tâm hỗ trợ về mọi mặt để địa phương thực hiện, phấn đấu trở thành trung tâm điện lực ở khu vực bắc miền Trung.

Huy Nam