(QT Xuân) - Món bánh mì Việt Nam do chính tay Nguyễn Hoàng, người ở Phường 1, thành phố Đông Hà chế biến đã lấy được lòng người Nhật chỉ sau một thời gian 5 tháng. Đài Truyền hình Osaka và Tạp chí Ẩm thực của Nhật Bản đã trân trọng giới thiệu món bánh mì của anh đến với người Nhật. Đó là một kỷ lục hầu như chưa có một nhà hàng người Việt nào ở Nhật có được. Câu chuyện khởi nghiệp bắt đầu bằng việc quảng bá ẩm thực Việt trên đất Nhật của Nguyễn Hoàng khiến nhiều người khâm phục ý chí, tài năng của một người con Quảng Trị luôn biết vượt qua khó khăn để thành công.
![]() |
Nguyễn Hoàng với món bánh mì thịt heo muối được Tạp chí ẩm thực Nhật Bản trân trọng giới thiệu -Ảnh: NVCC |
Sở thích “học ở bạn”
Nguyễn Hoàng (sinh năm 1992), cựu học sinh chuyên Anh của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Quảng Trị, vui vẻ thừa nhận thời phổ thông anh không có gì nổi trội trong học hành, thậm chí còn ham chơi, nhưng rất năng nổ tham gia các hoạt động xã hội nên mỗi khi nhắc đến tên anh, hầu như các bạn học sinh ai cũng biết. Thú nhận “ham chơi” nhưng Hoàng đã có những ước mơ, chí hướng từ rất sớm. Anh xác định ngoài tiếng mẹ đẻ, chỉ với một ngôn ngữ tiếng Anh đang theo học vẫn chưa đủ, nên quyết định chọn tiếng Nhật như là ngôn ngữ thứ ba để có nhiều cơ hội cho cuộc sống. Dám theo đuổi ước mơ, tốt nghiệp THPT, anh thi vào ngành Cử nhân tiếng Nhật của Đại học Ngoại ngữ- Đại học Đà Nẵng, bắt đầu một hành trình khám phá những tri thức mới.
Anh đến với tiếng Nhật như một trang giấy mới tinh, phải học từng chữ cái. Hoàng quyết tâm trau dồi kiến thức tiếng Nhật, tận dụng từng cơ hội quý giá nhất để được giao lưu, học hỏi văn hóa người Nhật. Trường đại học của anh thường có những chương trình giao lưu văn hoá giữa sinh viên Nhật và Việt Nam. Anh tranh thủ những dịp như vậy để gặp gỡ các bạn, học thêm nhiều cái mới, những cái mà trong sách vở chẳng bao giờ có. Đam mê trải nghiệm, nhiều hôm, anh xin nghỉ học ở trường để được đi cùng các bạn sinh viên với mong muốn được giao tiếp để nâng cao trình độ tiếng Nhật. Với sở thích “học ở bạn”, sau bốn năm học ở Đà Nẵng, anh đã tiếp xúc được rất nhiều bạn sinh viên người Nhật, vừa có thêm bạn mới, vừa được nâng cao khả năng ngôn ngữ nên khi nói về kỹ năng giao tiếp với người Nhật của anh thì có rất nhiều bạn ngưỡng mộ. Thế nhưng, anh vẫn ghi nhớ mình nguyên là học sinh chuyên Anh nên luôn quyết tâm duy trì vốn tiếng Anh. Anh chủ động làm quen và trở nên thân thiết với các giáo viên tình nguyện người Mỹ sang giảng dạy tiếng Anh tại trường để khả năng tiếng Anh ngày càng tốt hơn.
Có hành trang ngoại ngữ phong phú như vậy, năm 2014, sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, với mong muốn trải nghiệm văn hoá Nhật Bản một cách thực tế hơn, anh thi đỗ vào Khoa Kinh tế và Du lịch của Trường Đại học quốc tế Kobe thuộc tỉnh Hyogo để học song ngữ tiếng Nhật và tiếng Anh. Chương trình học khá khó nhưng với những nền tảng được chuẩn bị sẵn đã giúp anh vượt qua mọi thử thách để tốt nghiệp đại học.
Thời gian sinh viên ở Nhật, anh vừa học, vừa làm thêm rất nhiều công việc khác nhau, từ giúp việc ở quán mì udon, phụ bếp tại nhà hàng bia hơi Đức, thu ngân tại cửa hàng tiện lợi, dựng và sản xuất video cưới tại một công ty truyền thông lớn ở Osaka, đầu bếp tại một quán nhậu truyền thống của Nhật cho đến phụ bếp tại cửa hàng thịt nướng. Các công việc liên quan đến bếp núc này đã giúp Hoàng có điều kiện tìm hiểu kỹ hơn về “gu” văn hóa ẩm thực của người Nhật là rất thích sự tỉ mỉ trong từng món ăn. Vì vậy anh luôn đặt vị trí của mình vào khách hàng để hiểu cảm xúc của họ hơn, muốn khách hàng luôn nhận được những phần ăn ngon và giá trị nhất tự tay anh chế biến.
![]() |
Nguyễn Hoàng xử lý số liệu người tiêu dùng ở Nhật đặt bánh mì qua mạng -Ảnh: NVCC |
Trải nghiệm trên giúp anh càng hiểu và tự tin rằng, ẩm thực Việt Nam cũng tinh túy không kém các quốc gia khác. Từ những ngày đang làm thêm, anh đã nung nấu ý chí sau này phải tìm cách quảng bá ẩm thực Việt đến với người Nhật một cách quyết liệt hơn, để người Nhật biết rằng thức ăn của họ có thể ngon, nhưng thức ăn của Việt Nam cũng ngon không kém. Anh Hoàng nhớ lại, trong những ngày đó anh gắn bó với nghề phụ bếp tại cửa hàng bia hơi Đức ở cảng biển Kobe lâu nhất. Tại đây anh được gặp một người đàn ông Nhật làm việc cùng nhà hàng, chính người này đã giúp đỡ nhiệt tình để anh bước vào con đường kinh doanh. Ông đứng ra bảo lãnh cho anh hoàn tất giấy tờ, thủ tục thành lập công ty và thuê mặt bằng mở cửa hàng ẩm thực.
Vượt qua khó khăn ban đầu
Nguyễn Hoàng chọn bánh mì Việt Nam làm món ăn để quảng bá văn hóa ẩm thực Việt đến các thực khách Nhật. Anh cho biết đối với người Nhật, sandwich là món ăn không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của họ. Nhưng nhiều người Nhật chưa biết rằng, Việt Nam cũng có một món ăn truyền thống ngon không kém gì sandwich, đó là bánh mì. Giới thiệu với khách hàng, anh gọi bánh mì là sandwich của Việt Nam. Đây là cách anh giải thích để họ dễ hiểu và hình dung nhất.
Thế nhưng, như một thử thách khả năng chịu đựng của anh, COVID-19 bất ngờ bùng phát mạnh ở Nhật đúng vào thời điểm Hoàng mở cửa hàng. Vì đã ký hợp đồng và trả tiền thuê mặt bằng khá lớn nên anh không còn sự lựa chọn nào khác ngoài quyết tâm tiếp tục bước lên phía trước. Nhiều thời điểm anh cảm thấy mình như đứng trên bờ vực trước áp lực của việc duy trì hoạt động kinh doanh trong thời điểm dịch bệnh bùng phát dữ dội. Dịch bệnh này như một làn sóng tràn đến khắp nơi, quét sạch thành quả của nhiều doanh nghiệp còn non trẻ. Trước hoàn cảnh đó, anh tự động viên mình cố gắng hơn nữa để vượt qua khó khăn bằng việc vận dụng những kinh nghiệm, kỹ năng kinh doanh, nhất là những kinh nghiệm marketing tích luỹ được trong suốt những năm tháng ở Nhật.
Để có bánh mì, anh phải tự lái xe chạy từ thành phố Kobe của tỉnh Hyogo, đến thành phố Osaka mua mì tại một lò bánh của người Việt. Mỗi lần đi về hơn ba tiếng đồng hồ nên để đưa bánh mì Việt Nam đến với người Nhật và cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Nhật không dễ chút nào. Trước những khó khăn ấy, anh lại chứng tỏ bản lĩnh, tài năng nắm bắt thị trường bằng những nghiên cứu về sự chuyển dịch hành vi và xu hướng ăn uống của người Nhật trong bối cảnh dịch bệnh. Anh khiến cho người Nhật rất thích ăn bánh mì Việt Nam vì cảm giác giòn rụm của bánh cũng như sự kết hợp của các thành phần tươi ngon và mùi vị đặc sắc ở nhân bánh. Bánh mì của anh có đến tám loại nhân như: heo nướng, gà nướng, trứng ốp la, chả, thịt muối, tôm bơ và loại đặc biệt. Anh thừa nhận trong thời điểm bùng phát COVID-19, anh khá may mắn khi cửa hàng được rất nhiều người Nhật Bản và Việt Nam ủng hộ.
Sau ba tháng đi vào hoạt động, cửa hàng của anh được đài truyền hình nổi tiếng của thành phố Osaka quảng bá lên chương trình truyền hình của đài trong khung giờ vàng. Đó là kỷ lục hầu như chưa có bất kỳ một nhà hàng người Việt nào ở Nhật có được. Hữu xạ tự nhiên hương, sau đó tầm hai tháng, Tạp chí Ẩm thực của Nhật Bản lại giới thiệu về cửa hàng của Nguyễn Hoàng trong ấn phẩm đặc biệt về thành phố Kobe vì ấn tượng về cách làm của anh. Trong ấn phẩm này, chỉ duy nhất một cửa hàng của người Việt Nam được giới thiệu, điều này khiến Hoàng có thêm động lực.
Đối với người Nhật, nhất là nhiều người dân ở các thành phố thuộc khu vực Kansai chưa hình dung được bánh mì là gì nhưng vì nghe giới thiệu qua các phương tiện truyền thông nên rất muốn thưởng thức. Vì vậy, trên ứng dụng giao hàng Uber nổi tiếng, cửa hàng của anh được xếp vào sự lựa chọn hàng đầu của người Nhật, có nghĩa cửa hàng đã được kiểm nghiệm và đánh giá bởi rất nhiều khách hàng đặt mua trong mùa dịch bệnh. Nhớ lại thời điểm ban đầu, anh chia sẻ, khởi nghiệp là điều chưa bao giờ dễ dàng ở Nhật. Nếu như trước đó không trang bị cho mình thật nhiều kiến thức, kinh nghiệm thì khó có thể vượt qua được những khó khăn.
Những thành công đó là động lực để anh tự tin bước tiếp trong những dự định của năm 2021 với việc mở rộng hoạt động, khai trương thêm một cửa hàng cũng tại thành phố Kobe; mong muốn đưa được ẩm thực Việt đi xa hơn nữa. Không chỉ riêng bánh mì, Hoàng còn có kế hoạch hoạt động sang lĩnh vực kinh doanh thực phẩm khô của Việt Nam tại Nhật để không chỉ ẩm thực, mà còn muốn giới thiệu đến người Nhật nhiều thực phẩm ngon của Việt Nam. Anh hy vọng việc làm của mình sẽ khiến người Nhật biết và tiêu thụ ngày càng nhiều hơn thực phẩm Việt Nam, cũng đồng nghĩa như đang góp phần giúp cho kinh tế nước nhà, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho các lao động.
Lâm Quang Huy