Công tác tuyên giáo với chương trình xây dựng nông thôn mới
(QT) - Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và đã có nhiều cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chính vì vậy, những năm qua đặc biệt sau hơn 25 năm thực hiện ...

Công tác tuyên giáo với chương trình xây dựng nông thôn mới

(QT) - Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và đã có nhiều cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chính vì vậy, những năm qua đặc biệt sau hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được thành tựu khá toàn diện và to lớn. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá và tăng trưởng với tốc độ khá cao; đồng thời từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực.

Tu sửa kênh mương, phục vụ sản xuất hè thu - Ảnh: TD

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường. Đời sống vật chất và tinh thần của dân cư ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện. Xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả nổi bật. Bộ mặt nhiều vùng nông thôn được đổi mới. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Vị thế chính trị của giai cấp nông dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được nói trên vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Nông nghiệp phát triển còn kém bền vững, sức cạnh tranh thấp, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa... Để chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai đồng bộ, rộng khắp và mang lại hiệu quả thiết thực đòi hỏi sự vào cuộc tất cả các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị một cách chủ động, sáng tạo, nhất là cơ sở. Cùng với các ngành khác, công tác tuyên giáo có vai trò rất quan trọng, trước hết trên một số việc cụ thể, đó là: Về mặt nguyên lý, công tác tư tưởng bao giờ cũng đi trước một bước. Thống nhất nhận thức sẽ tạo ra sự đồng thuận và bảo đảm cho hành động đúng và hiệu quả. Chính vì vậy, công tác tuyên giáo với chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ qua các kênh thông tin; phối hợp chặt chẽ với các “binh chủng” làm công tác tư tưởng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rằng: Chương trình xây dựng nông thôn mới là chương trình mục tiêu quốc gia quy mô lớn và toàn diện lần đầu tiên được thực hiện ở nước ta; việc xây dựng nông thôn mới vừa là mục tiêu, yêu cầu của phát triển bền vững, vừa là nhiệm vụ cấp bách, là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và mang tính nhân văn sâu sắc. Cũng từ thực tiễn, các cơ quan truyền thông kịp thời biểu dương, cổ vũ, động viên và nhân rộng các điển hình tiên tiến; giới thiệu những cách làm hay, hiệu quả; tháo gỡ, khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên giáo với chức năng, nhiệm vụ, vai trò của mình sẽ phối hợp với các cơ quan như: Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tài nguyên và Môi trường... cũng như cơ quan khác trong khối Khoa giáo động viên đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học, công nghệ trực tiếp tham gia hoặc tư vấn phản biện, giám định xã hội về các công việc như: quy hoạch, xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội, tổ chức sản xuất, phát triển văn hoá-xã hội, môi trường và xây dựng hệ thống chính trị... để hoàn chỉnh các tiêu chí theo chuẩn quốc gia về nông thôn mới. Với lợi thế cán bộ làm công tác tuyên giáo gồm cán bộ tuyên giáo chuyên trách, cán bộ kiêm nhiệm, những báo cáo viên, tuyên truyền viên, dư luận xã hội các cấp, trong đó có đội ngũ hùng hậu cán bộ Ban Tuyên giáo các xã có mặt khắp nơi là những người gắn bó với phong trào, với nhân dân. Họ là cầu nối giữa Đảng với dân, vừa có nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, vừa lắng nghe ý kiến phản hồi từ phía người dân để rồi cùng với các cơ quan tham mưu như: Ban Dân vận, Kiểm tra, Tổ chức và cả các cơ quan chuyên môn của nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền bổ sung các giải pháp trong quá trình tổ chức thực hiện, động viên nhân dân hăng hái thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên giáo với nhiệm vụ tuyên truyền mục tiêu, quan điểm, các tiêu chí của chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước để cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hiểu rõ, đồng thuận. Đó chính là sức mạnh nội sinh để chúng ta quyết tâm phấn đấu đến năm 2015 có 20% số xã, đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. NGUYỄN TRÍ ÁNH