Cứu dân, anh ngã xuống dòng Thạch Hãn
(TTO) - Cả đêm 29 rạng sáng 30-9, liên tục những chuyến canô xuất phát từ Ban chỉ huy quân sự thị xã Quảng Trị lao vào đêm tối mịt mùng. Và đến sáng 30-9, một chuyến canô chở thiếu tá Lê Văn Phượng cùng đồng đội đi tiếp cứu dân bị nước xoáy lật úp, bốn người may mắn thoát nạn, còn thiếu tá Phượng đã hi sinh ở tuổi 44.Thiếu tá Lê Văn Phượng - Ảnh: L.Đ.DỤC chụp lại

Cứu dân, anh ngã xuống dòng Thạch Hãn

(TTO) - Cả đêm 29 rạng sáng 30-9, liên tục những chuyến canô xuất phát từ Ban chỉ huy quân sự thị xã Quảng Trị lao vào đêm tối mịt mùng. Và đến sáng 30-9, một chuyến canô chở thiếu tá Lê Văn Phượng cùng đồng đội đi tiếp cứu dân bị nước xoáy lật úp, bốn người may mắn thoát nạn, còn thiếu tá Phượng đã hi sinh ở tuổi 44.

Thiếu tá Lê Văn Phượng - Ảnh: L.Đ.DỤC chụp lại

Chiếc canô bị lật úp, tuy là canô loại lớn và tốt nhất của Thị đội thị xã Quảng Trị nhưng khi gặp nạn cũng mỏng manh như chiếc lá giữa dòng nước lũ cuồn cuộn đổ về, mọi nỗ lực tiếp cận với phương tiện bị nạn đều không thể. Tỉnh đội Quảng Trị điều thêm canô và xe Zil 130 vào tiếp cứu. Sau hơn 5 giờ, với sự hợp sức của các thuyền dân đã lái chiếc canô bị nạn lật sấp đang nổi dập dềnh cập vào dạ cầu Rì Rì, cách cầu Thạch Hãn chừng 3km để kéo vào. Thi thể của thiếu tá Phượng vẫn bám chặt vào canô, gương mặt cương nghị của người sĩ quan quê xứ Nghệ mím chặt đầy quyết liệt.

Chiếc xe Zil 130 lại vượt qua chặng đường từ thị xã Quảng Trị ra lại thành phố Đông Hà, nhưng bây giờ trên thùng xe là thi hài của thiếu tá Phượng, chặng đường chỉ hơn 10 cây số phải vượt mất hơn một giờ đưa anh về khâm liệm tại bệnh xá Tỉnh đội Quảng Trị. Chỉ vừa mới sáng nay thôi, vậy mà...

Thiếu tá Nguyễn Hữu Ánh, trợ lý chính sách của đơn vị - người ở cùng phòng với anh Phượng, vừa sắp xếp lại tư trang di vật của bạn vừa nghẹn ngào kể cho tôi về người đồng đội của mình. Đêm qua, cả hai anh đi ứng cứu từ hai hướng, về tới phòng mình thì nước đã dâng ngập ướt tất cả.

Anh Phượng còn kịp kể cho anh Ánh nghe chuyện đi phụ bắt heo giúp dân, làm ướt quần áo, rét cóng. Chia nhau điếu thuốc lá ướt nhẹp, anh Ánh bảo hút hết điếu thuốc này thì chợp mắt một tí để chuẩn bị lên canô đi lên khu vực bờ nam sông Thạch Hãn, phía trên cầu tàu. Và anh đi, như bao nhiêu chuyến đi của anh lao vào mưa bão để cứu dân. Nhưng rồi con nước dữ đã không để anh trở về như mọi lần.

Trung tá Lê Thế Vĩnh, chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự thị xã Quảng Trị, và thiếu tá Ánh đang kiểm đếm “gia tài” của thiếu tá Phượng theo thủ tục với chiến sĩ hi sinh. Tôi nghẹn ngào quay đi khi cùng ngồi nhìn tất cả gia tài người lính của anh Phượng: ba bộ đồ quân nhân, hai chiếc áo sơmi dân sự, một chiếc điện thoại cũ kỹ, mấy đĩa nhạc “đỏ”, mấy tấm hình gia đình chụp anh và vợ cùng hai đứa con nhỏ và một... thỏi lương khô chưa kịp ăn! Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến việc kiểm tra di vật và bàng hoàng nhận ra gia tài người lính quá đỗi đơn sơ, đơn sơ đến xót xa!

Quê của thiếu tá Phượng tận xã Thanh Liên, Thanh Chương, một miền quê nghèo của tỉnh Nghệ An. Vợ anh làm nghề nông tảo tần ở quê nhà. Sáng nay khi anh Phượng hi sinh, đơn vị đã gọi điện ra quê báo tin và Bộ chỉ huy quân sự Nghệ An sẽ giúp đỡ đưa gia đình vào để dự lễ truy điệu anh Phượng nhưng quốc lộ 1 bị lũ chia cắt thế này biết có vào kịp?

Như hàng ngàn người lính đã nằm lại trên dòng sông này cho độc lập tự do của người dân thành cổ Quảng Trị 37 năm về trước, mùa mưa bão này, anh, thiếu tá Lê Xuân Phượng, cũng đã ngã xuống trên dòng sông Thạch Hãn này vì sự sống còn của người dân trong cơn lũ dữ.

LÊ ĐỨC DỤC