Đóng góp ý kiến xây dựng Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII: Những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm (Kỳ 4)
(Tiếp theo kỳ trước)

Đóng góp ý kiến xây dựng Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII: Những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm (Kỳ 4)

(Tiếp theo kỳ trước)

* Ông HỒ GÔ, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân tộc - Tôn giáo, UBMTTQVN tỉnh:

Cần có chương trình, giải pháp, chỉ tiêu cụ thể thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Trong những năm qua, tỉnh ta đã ưu tiên lồng ghép nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm cơ bản từng bước đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, tăng cường quốc phòng- an ninh ở vùng miền núi, biên giới. Tuy nhiên, hiện nay đối với các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, hầu như cái gì cũng thiếu thốn, đời sống Nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn.

Về xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 57/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỉ lệ 56,4%; trong đó vùng miền núi rộng lớn huyện Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh mới chỉ có 5 xã kinh tế mới dọc Quốc lộ 9 của huyện Hướng Hóa về đích nông thôn mới; các xã còn lại nhiều tiêu chí còn thấp. Ngay cả một số xã miền núi được tỉnh chọn thí điểm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới như xã Thuận (Hướng Hóa), Mò Ó (Đakrông) đến nay vẫn chưa về đích nông thôn mới được.

Theo tôi, để vùng miền núi phía Tây của tỉnh, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Hướng Hóa, Đakrông phát triển nhanh và bền vững, thì trong dự thảo Báo cáo chính trị phần nhiệm vụ và giải pháp, tỉnh cần có chương trình riêng mang tính đồng bộ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nước sạch sinh hoạt cho vùng miền núi.

Đối với từng địa bàn vùng, miền khác nhau cần có chủ trương, chính sách, giải pháp, cách suy nghĩ đầu tư và xây dựng nông thôn mới khác nhau cho phù hợp. Nghiên cứu đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng miền núi nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, từ đó có chỉ đạo, quản lý, đánh giá các chỉ tiêu đạt được, rút kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo.

* Ông NGUYỄN VĂN THỐNG, Bí thư chi bộ, Giám đốc Công ty TNHH Thiên An (huyện Triệu Phong):

Cần có giải pháp cụ thể hơn nữa để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển

Với tư cách là Bí thư chi bộ doanh nghiệp, tôi xin tham gia góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII như sau: Ở mục 1.1 về kinh tế - xã hội trong phần thứ nhất những thành tựu đạt được, tôi đề nghị thay cụm từ “Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt 7,16%” thành “Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016- 2020 đạt 7,16%” hoặc “Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 7,16%” ghi chú thích theo GRDP.

Bởi về mặt thống kê “Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)” thường dùng là số tuyệt đối (tỉ đồng), “Tốc độ tăng trưởng GRDP” mới sử dụng số tương đối (%). Dùng “Tăng trưởng kinh tế …” đánh giá tốc độ tăng trưởng nền kinh tế chính xác hơn “Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)”.

Tôi cũng đề nghị cần xác định rõ tỉ trọng từng lĩnh vực trong GRDP: Sản xuất công nghiệp - xây dựng, thương mại - du lịch - dịch vụ, sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỉ lệ bao nhiêu phần trăm (%) trong GRDP để xác định lĩnh vực nào đóng vai trò chủ lực.

Ở mục 1.2 về kinh tế - xã hội, tôi đề nghị bổ sung đánh giá rõ vai trò của thành phần kinh tế tư nhân đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Dự thảo Báo cáo chính trị cần bổ sung những đánh giá cụ thể về ảnh hưởng của COVID-19 đến từng lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội năm 2020, làm ảnh hưởng chung đến tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Về phương hướng do ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, không thể lường hết được những khó khăn phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, vì vậy, tôi đề nghị cần có dự báo các mức tăng trưởng kinh tế của nửa đầu nhiệm kỳ tới sẽ bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Từ đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mới xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu dự báo có độ chính xác cao cho cả nhiệm kỳ.

Về nguyên nhân của hạn chế yếu kém, tôi đề nghị bổ sung thêm nội dung: “Thiếu chính sách để tạo đột phá trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế tư nhân. Sự hợp tác liên kết với các địa phương trong vùng còn hạn chế đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ, du lịch”. Từ nguyên nhân hạn chế yếu kém này để đưa ra giải pháp tạo đột phá trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế tư nhân.

Để kinh tế tư nhân trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo quan điểm phát triển của Đảng bộ tỉnh trong giai đoạn tới, tôi đề nghị dự thảo Báo cáo chính trị bổ sung một số giải pháp để phát triển kinh tế tư nhân một cách quyết liệt, đồng bộ hơn về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; xóa bỏ các rào cản, chính sách, các biện pháp hành chính tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn về đất đai. Đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công; thực hiện cơ chế hợp tác công - tư trong đầu tư, khai thác, sử dụng, kinh doanh các dự án, công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật...

Ông LÊ HỮU THĂNG, Chủ tịch Hội tù chính trị yêu nước tỉnh Quảng Trị:

Tập trung khai thông Hành lang kinh tế Đông - Tây

Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, tôi nhận thấy phần đánh giá thành tựu đạt được không đề cập đến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Phần phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp giai đoạn 2020-2025 có đưa vào các chương trình, dự án trọng điểm là “Tiếp tục thực hiện hoàn thành việc đầu tư xây dựng và phát triển trục kinh tế kết nối các trọng điểm kinh tế đã đề ra từ nhiệm kỳ trước; hình thành Hành lang kinh tế qua Cửa khẩu quốc tế La Lay về Mỹ Thủy và kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây; đồng thời nghiên cứu, xây dựng, triển khai một số trọng điểm kinh tế nhằm tạo động lực mới”.

Tuy nhiên, phần trình bày trong dự thảo Báo cáo chính trị chưa thấy rõ lợi thế chiến lược của tỉnh Quảng Trị trên tuyến hành lang kinh tế quan trọng này.

Theo tôi, cần đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế của tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây qua Quốc lộ 9 nối với các nước Lào, Thái Lan, Myanma, Campuchia, từ đó có kế hoạch khơi thông, khai thác hiệu quả hành lang kinh tế này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong quá trình hội nhập và phát triển. Đồng thời, tìm mọi cách hình thành nên Hành lang kinh tế Đông- Tây thứ 2 nối Ubon Ratchathani (Thái Lan) qua Pắc Xế, Salavan (Lào) về Quảng Trị (Việt Nam), gắn liền Khu kinh tế cửa khẩu La Lay với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và cảng biển Mỹ Thủy. Khi kéo được hàng triệu tấn hàng hóa từ vùng Đông Bắc Thái Lan qua hành lang kinh tế này về cảng biển Việt Nam, thì lúc đó nhà đầu tư mới nghĩ đến phải khẩn trương đầu tư xây dựng cảng biển Mỹ Thủy và đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị nhiều hơn.

Muốn như vậy, trước hết chúng ta phải đặt câu hỏi, vì sao hàng hóa từ vùng Đông Bắc Thái Lan gần biên giới của ta phải chở ngược qua cảng Laem Chabang (Thái Lan) xuống biển Ấn Độ Dương, đi qua eo biển Malacca về biển Thái Bình Dương vô cảng Đồng Nai xa xôi như thế, mà không đi qua Hành lang kinh tế Đông - Tây gần hơn rất nhiều lần? Tôi nghe giải thích có rất nhiều lý do, nhưng chỉ có lý do thuyết phục là có quá nhiều rào cản. Tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây đã đổ rất nhiều tiền của ADB, Nhật Bản vào đây, nhưng chưa khai thác tốt như mục tiêu đề ra. Vì vậy, tỉnh cần tập trung khơi thông và khai thác hiệu quả lợi thế Hành lang kinh tế Đông - Tây, góp phần thu hút đầu tư, vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

* Ông NGÔ QUANG CHIẾN, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ:

Xây dựng nông thôn mới lấy lợi ích người dân làm trung tâm, lấy tiêu chí nâng cao thu nhập làm chủ đạo

Nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Nhờ đó, diện mạo NTM có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao. Vừa qua, Cam Lộ là huyện đầu tiên trong tỉnh vinh dự được công nhận đạt chuẩn NTM.

Qua nghiên cứu Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tôi thấy trong mục những thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội của phần thứ nhất có khổ 2 và khổ 3 đều nhắc đến kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Vì vậy, theo tôi nên bỏ câu “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ…” ở khổ thứ 2 đi vì khổ thứ 3 đã có câu này và nêu cụ thể về những kết quả của xây dựng NTM rồi.

Mục V của phần thứ 2 có nêu nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2025, có tính đến năm 2030. Tuy nhiên giải pháp cụ thể để đạt được những kết quả đó thì tôi chưa thấy Báo cáo chính trị đề cập đến.

Vì vậy, theo tôi cần bổ sung thêm các giải pháp xây dựng NTM trong Báo cáo chính trị, cụ thể như: Xây dựng NTM cần lấy lợi ích người dân làm trung tâm, lấy tiêu chí nâng cao thu nhập làm chủ đạo, từ đó phát huy vai trò chủ động, tích cực tham gia của người dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo, đánh giá. Các địa phương phải xây dựng được kế hoạch chi tiết, có quy chế làm việc, có sự phân công rõ trách nhiệm đối với từng cấp, ngành, người thực hiện; xác định rõ việc nào dân làm, việc nào Nhà nước hỗ trợ, việc nào Nhà nước làm.

Thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM; xác định được trách nhiệm “chủ thể” của người dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc quá trình thực hiện ở cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; minh bạch, công khai các nguồn lực huy động lồng ghép từ các tổ chức, cá nhân, ngân sách trong đầu tư phát triển. Có chính sách khen thưởng, động viên đối với các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong phong trào xây dựng NTM. Triển khai các mô hình điểm xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Lấy khu dân cư NTM kiểu mẫu, xã mạnh về NTM để khẳng định chất lượng xây dựng huyện NTM…

* Bà KĂN LINH, đảng viên Chi bộ thôn Tăng Cô Hang, xã A Túc, huyện Hướng Hóa:

Nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ thôn, bản

Là cán bộ hưu trí, tôi rất vui mừng khi được tham gia góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tôi thấy dự thảo Báo cáo chính trị lần này vừa khái quát, vừa cụ thể, giúp người nghiên cứu có thể hình dung rõ nét thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ qua.

Từng chung tay xây dựng chi bộ thôn, bản ở địa phương những năm còn đương nhiệm nên tôi thấy công tác này ở vùng cao không hề đơn giản. Vì thế, sau khi đọc dự thảo Báo cáo chính trị, được biết tình trạng thôn, bản chưa có đảng viên và chi bộ sinh hoạt ghép đã được khắc phục, tôi rất mừng. Đến nay, 100% thôn, bản trên địa bàn tỉnh đã có đảng viên. Toàn tỉnh chỉ còn 3 chi bộ thôn, bản sinh hoạt ghép. Số liệu ấy khẳng định sự nỗ lực rất lớn của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Để phát huy kết quả đáng mừng này, tôi nghĩ việc cần thiết tiếp theo là nỗ lực làm sao để không còn chi bộ sinh hoạt ghép và đặc biệt là nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ thôn, bản. Thực tế, một số chi bộ thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa hoạt động còn hạn chế do chất lượng đảng viên thấp, nội dung sinh hoạt chưa đổi mới, phong phú…

Vì thế, tôi nghĩ, dự thảo Báo cáo chính trị cần làm rõ và đưa ra những giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng này. Một số giải pháp tôi nghĩ cần thiết là: Nâng cao chất lượng sinh hoạt; củng cố năng lực của chi ủy; thường xuyên bồi dưỡng, phát triển đoàn viên ưu tú để tạo nguồn cho Đảng…

Trong phần chỉ tiêu về xây dựng Đảng nhiệm kỳ tới, tôi thấy đã có những số liệu cơ bản, quan trọng, trong đó đáng chú ý là 100% thôn, bản, khu phố có tổ chức đảng. Điều này cho thấy Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã hiểu sâu sắc tổ chức đảng ở cơ sở là hạt nhân chính trị quan trọng trong công tác xây dựng củng cố tổ chức đảng vững mạnh từ cơ sở.

Việc nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ thôn, bản là đòn bẩy quan trọng nêu cao vai trò lãnh đạo của Đảng từ cơ sở, góp phần chỉ đạo sát sao hơn việc hoàn thành các mục tiêu, nghị quyết mà đại hội đảng các cấp đề ra, tăng cường sự tin tưởng, gắn kết chặt chẽ giữa quần chúng nhân dân với Đảng. Tuy nhiên, tôi nghĩ các chỉ tiêu cần có số liệu cụ thể hơn nữa, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

TỔ PHÓNG VIÊN (lược ghi)