Ngành Nông nghiệp và PTNT chung sức xây dựng nông thôn mới
(QT) - Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chương trình hành động số 72-CTHĐ/ TU ngày 31/12/2008 của BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Trị (khóa XIV) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Nghị quyết BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XV; Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020”, 2 năm qua (2011-2012), Đảng bộ Sở Nông nghiệp và PTNT đã tích cực, chủ động quán triệt, triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời cụ thể hóa thành nội dung hoạt động thường xuyên của toàn Đảng bộ, góp phần quan trọng vào việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của ngành.
 |
Ký kết phối hợp thực hiện phong trào thi đua phục vụ nông nghiệp, nông thôn |
Với vai trò là Đảng bộ trung tâm của ngành, những năm qua, Đảng bộ Sở Nông nghiệp và PTNT đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành và bà con nông dân trong tỉnh nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn về thiên tai, dịch bệnh và tác động của cơ chế thị trường, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Sản xuất nông nghiệp phát triển liên tục, bền vững, tốc độ tăng giá trị sản lượng bình quân trên 4%/năm; sản lượng lương thực cây có hạt đạt trên 22 vạn tấn/năm, đảm bảo an ninh lương thực nội tỉnh, đặc biệt sản xuất lúa phát triển mạnh theo hướng nâng cao chất lượng, diện tích lúa chất lượng cao đạt trên 10.000 ha; các loại cây trồng có tiềm năng lợi thế như cao su, cà phê, hồ tiêu, lạc, sắn, chuối... được chú trọng đầu tư phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến; chăn nuôi chuyển biến mạnh từ hình thức chăn nuôi quảng canh, tận dụng sang chăn nuôi thâm canh, hình thành nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại theo hình thức tập trung, thâm canh, bán công nghiệp và công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng được chú trọng, diện tích trồng rừng hàng năm đạt gần 5.000 ha, độ che phủ rừng đạt 47,1%; Sản lượng gỗ rừng khai thác ngày càng tăng, đảm bảo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động từ nghề rừng. Phát triển thuỷ sản thành ngành kinh tế mạnh của tỉnh cả về nuôi trồng, khai thác đánh bắt và chế biến xuất khẩu; diện tích nuôi trồng thủy sản theo hình thức thâm canh an toàn dịch bệnh được mở rộng; cơ sở hạ tầng nghề cá được chú trọng đầu tư, năng lực khai thác đánh bắt thủy sản không ngừng được tăng cường; sản lượng thủy sản đạt kế hoạch phát triển của ngành. Cơ cấu kinh tế nông thôn đang chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng ngành nghề, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; các hình thức tổ chức kinh tế trong nông nghiệp và nông thôn phát triển đa dạng năng động, từng bước đổi mới hiệu quả hơn. Hệ thống các công trình thuỷ lợi tiếp tục đầu tư nâng cấp, đảm bảo tưới tiêu chủ động cho gần 85% diện tích lúa và nhiều diện tích hoa màu, cây công nghiệp, cải tạo môi trường sinh thái, đảm bảo nước sinh hoạt cho nhiều vùng nông thôn. Thực hiện Chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và công tác di dân phát triển vùng kinh tế mới có hiệu quả... Việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt được kết quả quan trọng. Cơ bản hoàn thiện xong hệ thống chỉ đạo, quản lý ở các cấp gồm BCĐ cấp tỉnh, huyện, Văn phòng điều phối Chương trình, Ban quản lý cấp xã và Ban phát triển các thôn/bản; điều tra, đánh giá hiện trạng nông thôn mới theo 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ quy hoạch nông thôn mới cấp xã; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức có hiệu quả các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ nòng cốt cấp huyện, xã, thôn/bản; lựa chọn 30 xã làm thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới nhằm tập trung chỉ đạo đầu tư, phấn đấu đạt mục tiêu của Nghị quyết Đảng hội Đảng bộ tỉnh đề ra là đến năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn NTM. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, ngày 25/6/2012, BCH Đảng bộ Sở Nông nghiệp và PTNT (khóa V) ban hành Nghị quyết số 40/NQ-ĐUSNN về xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 và giao cho các chi bộ trực thuộc có trách nhiệm quán triệt, phổ biến nghị quyết này đến tận cán bộ, đảng viên, quần chúng trong chi bộ. Đồng thời căn cứ Nghị quyết của BCH Đảng bộ Sở để xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Các tổ chức, đoàn thể của các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành tham gia xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phát động và đăng ký các phong trào thi đua, vận động cán bộ, đoàn viên cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Nhiều đơn vị trong ngành có nhiều cách làm hay, sáng tạo, tổ chức thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình, dự án của đơn vị vào nhiệm vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn và cử cán bộ trực tiếp giúp cơ sở triển khai thực hiện. Điển hình như Chi cục Phát triển nông thôn với phong trào thi đua “Tuyên truyền, tập huấn, đưa thông tin về tận thôn/bản”; Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật với mục tiêu “Hiệu quả về kinh tế, môi trường, sức khỏe cộng đồng và vệ sinh an toàn thực phẩm”; Chi cục Lâm nghiệp, Trung tâm Điều tra quy hoạch thiết kế nông-lâm với phong trào “Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững”, “Phòng chữa cháy rừng”; Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão với việc “Chủ động, đảm bảo an toàn, phòng chống và hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra”; Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản với việc “Quản lý khai thác và bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản”; Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư với việc “Triển khai các mô hình khuyến nông khuyến ngư có hiệu quả cho bà con nông dân”; Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn với “Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường đến từng địa bàn nông thôn”; Trường Trung học Nông nghiệp và PTNT với việc “Cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho nông nghiệp, nông thôn” … Có thể nói, phong trào thi đua “Toàn ngành cùng chung sức xây dựng NTM” đã được các đơn vị trong toàn ngành Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị chú trọng, xem là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của từng đơn vị, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi cả chiều rộng lẫn chiều sâu, là điều kiện để toàn ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị giao, tạo bước phát triển vững chắc trong lĩnh vực sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp, góp phần đắc lực trong phong trào thi đua “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”. Bài, ảnh: HOÀNG ĐỨC DƯỠNG