Chiến thuật của ông chủ Nhà Trắng
QĐND - Sau hơn 13 tháng đàm phán sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Mexico, Mỹ và Canada đã đạt được sự đồng thuận giúp hiệp định hơn 24 năm tuổi này hồi sinh với tên gọi mới là Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).

Chiến thuật của ông chủ Nhà Trắng

QĐND - Sau hơn 13 tháng đàm phán sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Mexico, Mỹ và Canada đã đạt được sự đồng thuận giúp hiệp định hơn 24 năm tuổi này hồi sinh với tên gọi mới là Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).

Sự ra đời của USMCA đánh dấu thành công của chính quyền Tổng thống Donald Trump khi tìm kiếm một thỏa thuận có lợi hơn cho Mỹ nhằm thay thế NAFTA-hiệp định vốn bị ông chủ Nhà Trắng lên án là “thảm họa” gây tổn hại tới nền kinh tế số 1 thế giới từ công ăn việc làm đến đầu tư. Đồng thời, quá trình đàm phán hiệp định mới cũng khắc họa rõ nét chính sách thương mại cứng rắn của Washington, mà theo ông chủ Nhà Trắng, đó là sử dụng các mối đe dọa về kinh tế cũng như các chiến thuật cứng rắn khác nhằm gây sức ép buộc các đối tác Bắc Mỹ phải đưa ra những nhượng bộ thương mại lớn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo về USMCA hôm 1-10. Ảnh: Getty Images

Trong quá trình đàm phán sửa đổi NAFTA, để minh chứng cho thông điệp “Hãy ký thỏa thuận với chúng tôi, và tôi sẽ không đánh thuế các bạn”, Mỹ đã đưa ra các biện pháp thuế quan như đánh thuế nhập khẩu với các mặt hàng nhôm, thép, giấy in và đe dọa đánh thuế cao với ô tô và nông sản của Mexico và Canada. Đây thực sự là đòn đánh mạnh vào nền kinh tế Mexico và Canada, hai quốc gia có tới 70-80% lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ. Mặt khác, Washington đã chơi con bài đàm phán song phương với Mexico và đẩy Canada vào thế bí, sau khi nhận thấy đàm phán 3 bên ít tiến triển mà Mexico và Canada đứng về một phía. Kết quả là chiến lược này đã giúp Mỹ đạt được mục tiêu của mình với USMCA đem lại nhiều lợi ích hơn.

Mặt khác, hủy bỏ NAFTA chưa bao giờ là một lựa chọn ưu tiên với cả Mexico và Canada. Bởi thực tế, kể từ khi có hiệu lực vào năm 1994, NAFTA đã tạo ra một chuỗi cung ứng và nhiều chuỗi giá trị đan xen trong khu vực Bắc Mỹ, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Hệ thống vận tải, kho bãi được hình thành thông qua các chuỗi cửa khẩu dọc chiều dài biên giới giữa Mexico-Mỹ và Canada-Mỹ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương nội khối. Bởi vậy, ngay từ đầu, việc Mexico và Canada chấp thuận tái đàm phán NAFTA đã thể hiện sự nhượng bộ, thế yếu của mình trước Mỹ. Do đó, quá trình đàm phán thực chất là việc Mexico và Canada đấu tranh để bảo vệ lợi ích của mình không bị cắt giảm quá nhiều. USMCA nhìn về tổng quan là một hiệp định “cùng thắng”, nhưng thực tế Mỹ mới là bên thực sự giành được nhiều lợi ích hơn cả.

Không chỉ giúp Mỹ đạt được một hiệp định cân bằng, có lợi hơn cho Mỹ và giảm thâm hụt thương mại hằng năm với Mexico (khoảng 60 tỷ USD) và với Canada (khoảng 10 tỷ USD), USMCA còn dọn đường cho Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Một điều khoản đặc biệt trong USMCA cho phép Washington có quyền hủy bỏ thỏa thuận 3 bên và thay thế bằng thỏa thuận song phương, nếu Canada hoặc Mexico tìm kiếm thỏa thuận thương mại tự do với một nền kinh tế phi thị trường. Với điều khoản này, Mỹ có thể chặn “sân sau” của các sản phẩm từ Trung Quốc muốn thâm nhập vào thị trường Mỹ thông qua các nước láng giềng. Thậm chí, điều khoản mới còn có thể làm giảm đáng kể sức mạnh đàm phán của Bắc Kinh với các hiệp định thương mại có thể trong tương lai. Nếu Mỹ đưa điều khoản tương tự vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang đàm phán với EU và Nhật Bản, thì Trung Quốc gần như sẽ rơi vào trạng thái bị cô lập về kinh tế, khi đây là những đối tác thương mại lớn với Bắc Kinh, cũng là những tia hy vọng bù đắp những tổn thất về thương mại khi đối đầu với Mỹ.

Quan trọng hơn, sự ra đời của USMCA đã chứng minh sức mạnh và lợi thế của Mỹ với vai trò là thị trường hàng đầu thế giới. Đây cũng là thông điệp mà Tổng thống Donald Trump muốn gửi tới tất cả đối tác thương mại của Mỹ khi ông khẳng định Washington sẽ coi các biện pháp cứng rắn là mô hình cho những cuộc đàm phán trong tương lai với các đối tác Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản và có khả năng cả Brazil và Ấn Độ. Theo ông Donald Trump, lãnh đạo các nước sẽ coi Mỹ đang thực sự nghiêm túc nếu như chính quyền của ông đe dọa đảo ngược các mối quan hệ kinh tế.

Tuy nhiên, nếu xét ở mặt tích cực, USMCA ra đời cho thấy Tổng thống Donald Trump không phải là một người tôn sùng chủ nghĩa cô lập cực đoan, phản đối tất cả loại hình thương mại. Các thỏa thuận mới đã chứng minh chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẵn sàng ký kết các giao dịch thương mại mới, miễn sao chúng có thể giải quyết được các mối quan ngại cốt lõi của nền kinh tế số 1 thế giới và mang lại lợi ích cho người dân Mỹ như ông chủ Nhà Trắng từng nhiều lần cam kết.

HÙNG HÀ