(QT) - Đến nay, hệ thống văn bản pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng như các văn bản pháp luật về thực thi quyền SHTT của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, đầy đủ, đồng bộ đã đảm bảo cho việc thực thi các quyền về SHTT. Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm quyền SHTT của cả nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng vẫn còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực bao gồm các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, các tác phẩm văn hóa nghệ thuật, phần mềm máy tính…
![]() |
Tập huấn về thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác liên quan đến SHTT trên địa bàn tỉnh |
Trong thời gian qua các Bộ, ban, ngành Trung ương đã đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin, thiết lập cơ chế cung cấp thông tin về tình hình thực thi quyền SHTT; xây dựng cơ sở dữ liệu, website dùng chung cho các Bộ, ban, ngành Trung ương để công bố thông tin về các vụ xâm phạm quyền SHTT điển hình đã bị xử lý hoặc xét xử; đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quyền SHTT; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cũng như hợp tác đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi quyền SHTT…
Riêng đối với tỉnh Quảng Trị, các cơ quan thực thi quyền SHTT đã có nhiều nỗ lực trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT; các cơ quan thực thi quyền SHTT đã có sự chủ động trong việc đánh giá, xem xét và xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT; năng lực chuyên môn của cán bộ các cơ quan thực thi quyền SHTT đã từng bước được cải thiện…
Tuy đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan thực thi quyền SHTT, nhưng thực tế tình trạng xâm phạm quyền SHTT ở nước ta nói chung và ở tỉnh Quảng Trị nói riêng vẫn đang diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp. Đây chính là nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền SHTT; làm nản lòng các nhà đầu tư và gây tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội.
Theo số liệu thống kê của ngành Tòa án thì việc xử lý các tranh chấp, xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp dân sự tại tòa án chiếm tỷ lệ rất thấp so với hàng chục nghìn vụ xâm phạm quyền SHTT bị xử lý bằng biện pháp hành chính. Các vụ xâm phạm quyền SHTT bị xử lý bằng biện pháp hành chính tập trung chủ yếu vào các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực quyền tác giả (chiếm 83,5%); các tranh chấp trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp chiếm tỷ lệ thấp (chiếm 5,5%); số lượng các vụ xâm phạm quyền SHTT bị xử lý hình sự không nhiều.
Trong các vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đều được xử lý bằng biện pháp hành chính tập trung vào nhóm hàng giả, hàng nhái, nhãn hiệu và xâm phạm kiểu dáng công nghiệp…(hình thức xử phạt được áp dụng chủ yếu là phạt cảnh cáo, phạt tiền; tịch thu hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu)…
Ông Trần Thiềm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, để làm tốt chức năng bảo vệ quyền SHTT đòi hỏi các cơ quan thực thi quyền SHTT phải không ngừng nâng cao năng lực, nghiệp vụ cũng như nhiều kiến thức liên quan đến quyền SHTT. Bởi thực tế, nhiều vụ việc liên quan đến hàng nhái, hàng giả nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp… muốn xác định được đòi hỏi cơ quan thực thi quyền SHTT phải có đầy đủ các cơ sở dữ liệu để khẳng định đó là hàng nhái, hàng giả nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp hay không? Có nhiều trường hợp phải nhờ đến các cơ quan trung ương để giúp cho việc tra cứu các nhãn hiệu hàng hóa…
Nhiều doanh nghiệp do còn hạn chế về kiến thức SHTT nên vi phạm quyền SHTT nhưng vẫn không biết là vi phạm quyền SHTT…Để khắc những khó khăn trên, thời gian qua các cơ quan thực thi quyền SHTT trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã tiến hành mở các lớp tập huấn nhằm đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ của các cơ quan thực thi quyền SHTT cũng như các doanh nghiệp…để cán bộ các cơ quan thực thi quyền SHTT, doanh nghiệp nắm vững các quy định của pháp luật về quyền SHTT. Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ (Cục SHTT) tổ chức lớp tập huấn về thực thi quyền SHTT cho gần 50 học viên là cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác liên quan đến SHTT trên địa bàn tỉnh.
Các học viên tham gia lớp tập huấn đã được nghe các giảng viên của Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ (Cục SHTT) trình bày về những quy định pháp luật về thực thi quyền SHTT; những quy định hiện hành về bảo vệ quyền SHTT; đăng ký xác lập quyền SHTT; một số nguyên tắc trong xác lập quyền SHTT; quyền sở hữu công nghiệp bị hạn chế thời gian bảo hộ; hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ; hành vi xâm phạm quyền SHTT; các biện pháp xử lý xâm phạm quyền SHTT; tình hình hoạt động bảo vệ quyền SHTT nhìn từ góc độ quản lý nhà nước và những vướng mắc khi áp dụng luật; những vấn đề cần lưu ý khi áp dụng pháp luật và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHTT… Bên cạnh đó, các cơ quan thực thi quyền SHTT tỉnh cũng đã tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra về SHTT nhằm hạn chế tình trạng vi phạm về SHTT (đặc biệt là trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp gồm nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp)…
Về lâu dài, để hạn chế việc vi phạm quyền SHTT thì cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan thực thi quyền SHTT; từng bước nâng cao nhận thức về SHTT cho các cơ quan thực thi quyền SHTT, doanh nghiệp và người tiêu dùng thông qua các biện pháp như thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về quyền SHTT; tăng cường sự phối hợp đấu tranh giữa các cơ quan thực thi quyền SHTT trong chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền SHTT; các doanh nghiệp cần chủ động áp dụng các biện pháp tuyên truyền cũng như tự bảo vệ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc chống hàng giả…và nhiều giải pháp khác.
Sỹ Hoàng