Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp
(QT) - Thực hiện kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018 của UBND tỉnh Quảng Trị, ngay từ đầu năm Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (QLCLNLS&TS) đã tham mưu Sở NN&PTNT ban hành các công văn, quyết định xây dựng quy chế phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp

(QT) - Thực hiện kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018 của UBND tỉnh Quảng Trị, ngay từ đầu năm Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (QLCLNLS&TS) đã tham mưu Sở NN&PTNT ban hành các công văn, quyết định xây dựng quy chế phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong lĩnh vực nông nghiệp.

Kiểm tra đảm bảo ATVSTP đối với các sản phẩm thịt

Chi cục QLCLNLS&TS đã tổ chức 25 lớp tập huấn về kiến thức ATVSTP với hơn 1.141 người tham gia, góp phần nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng về ATVSTP. Lấy 599 mẫu thực phẩm như thủy sản, rau, củ, quả, thịt, chả… để phân tích, kiểm nghiệm dư lượng các chất độc hại, kháng sinh cấm và chất cấm. Qua kiểm tra đã phát hiện 5 mẫu rau, củ, quả dương tính với nhóm lân hữu cơ và cacbamat, 3 mẫu chả dương tính với hàn the và 7 mẫu chả sử dụng chất bảo quản Natribenzoat vượt quá giới hạn cho phép, 5 mẫu tiêu và 12 mẫu ớt bị nhiễm nấm Aflatoxin. Chi cục đã tiến hành tiêu hủy tại chỗ các mẫu chả bị nhiễm hàn the, tiến hành truy xuất những cơ sở sản xuất để có biện pháp xử lý tận gốc. Đối với các các mẫu rau, củ, quả, tiêu, ớt và chả sử dụng chất bảo quản quá giới hạn cho phép, chi cục đã mời các hộ sản xuất, kinh doanh lên làm việc, nhắc nhở hướng dẫn việc sử dụng phụ gia và bảo quản sản phẩm an toàn theo đúng quy định pháp luật.

Chi cục trưởng Chi cục QLCLNLS&TS Phan Hữu Thặng cho biết, việc thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu đột xuất, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm sử dụng chất cấm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản luôn được chi cục chú trọng thực hiện. Trong 6 tháng đầu năm 2018, chi cục phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập 5 đoàn thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại 82 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Qua đó đã phát hiện 19 cơ sở vi phạm các điều kiện về ATVSTP, đã nhắc nhở 4 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính 15 trường hợp với số tiền 20,5 triệu đồng, tiêu hủy 13,4 kg sản phẩm vi phạm. Thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATVSTP đã góp phần răn đe, ngăn chặn đối với các đối tượng vì lợi nhuận mà cố tình vi phạm.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát ngay từ khâu đầu trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và khai thác tự nhiên trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ là khâu quan trọng quyết định đến chất lượng ATVSTP. Do đó, công tác kiểm tra xếp loại và kiểm tra định kỳ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông, lâm, thủy sản theo quy định tại Thông tư 45/2014 của Bộ NN&PTNT luôn được chi cục chú trọng triển khai. Đã thành lập 5 đoàn kiểm tra đánh giá định kỳ điều kiện ATVSTP tại 204 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản. Kết quả có 6 cơ sở xếp loại A, 177 cơ sở xếp loại B và 2 cơ sở xếp loại C, 19 cơ sở tạm nghỉ, ngừng hoạt động. Kiểm tra xếp loại và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATVSTP cho 18 cơ sở. Đến nay, đã cấp 233 giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATVSTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Đã xác nhận 6 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tại tại điểm kinh doanh của Siêu thị Coop mart (3 chuỗi) và Cửa hàng nông sản sạch Triệu Phong (3 chuỗi). Đây là những chuỗi cung ứng được Chi cục QLCLNLS&TS kiểm soát chất lượng trước khi cấp xác nhận và định kỳ 1 lần/tháng lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm.

Nhờ triển khai tốt công tác quản lý ATVSTP nên trong những năm qua trên địa bàn tỉnh không xảy ra các trường hợp ngộ độc tập thể nào do tồn dư hóa chất trong thực phẩm. Qua nhiều lần kiểm tra chưa ghi nhận trường hợp nào sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cấm, kháng sinh cấm, chất cấm như Sanbutamol, Foocmol. “Từ nay đến cuối năm 2018, Chi cục sẽ tiếp tục tổ chức lấy mẫu giám sát ATVSTP, tập trung vào nhóm thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, thịt, thủy sản… nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và thanh tra, truy xuất, xử lý tận gốc các trường hợp nông sản thực phẩm không đảm bảo an toàn. Phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Công thương trong việc kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nông, lâm, thủy sản nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm. Kiểm tra, đánh giá điều kiện bảo đảm ATVSTP các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản theo Thông tư 45/2014/TTBNNPTNT; tái kiểm tra 100% cơ sở xếp loại C và xử lý theo quy định các cơ sở tái kiểm tra vẫn xếp loại C. Cùng với đó, chi cục sẽ tiếp tục hỗ trợ các cá nhân, tổ chức trong việc chứng nhận mô hình VietGAP, GMP, HACCP, ISO22000; kết nối các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh để thu mua sản phẩm cho người sản xuất, tạo tiền đề cho việc thực hiện các mô hình sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh”, ông Thặng cho hay.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền, qua kiểm tra đánh giá cho thấy ý thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản từng bước được nâng lên. Các cơ sở này đã có xu hướng đi vào nền nếp theo quy định của pháp luật. Một số cơ sở sau khi kiểm tra đạt loại C đã khắc phục, sửa chữa các lỗi theo đúng quy định. Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục siết chặt quản lý ATVSTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Tăng cường quảng bá các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn; thông qua truyền thông để trang bị cho người tiêu dùng một số kiến thức về ATVSTP, giúp người tiêu dùng chọn lựa thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe cho gia đình. Phối hợp chặt chẽ với UBMTTQVN tỉnh, các hội, đoàn thể về vận động và giám sát đảm bảo ATVSTP theo chương trình phối hợp giám sát giai đoạn 2016 - 2020. Đặc biệt, công tác ATVSTP không thể tách rời đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cải tiến nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng, triển khai mô hình phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn theo mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm từ “trang trại đến bàn ăn”. Đồng thời đề nghị Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới rà soát chặt chẽ tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm (tiêu chí 17.8) khi thẩm định công nhận nông thôn mới cho các xã nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý ATVSTP ở địa phương…

Thục Quyên