Phát triển cơ khí góp phần xây dựng nông nghiệp, nông thôn
(QT) - Hiện nay, phong trào đưa máy móc cơ giới vào sản xuất nông nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, việc chế tạo và sản xuất thành công một số bộ phận hoặc nguyên chiếc các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa rất lớn trong cải thiện điều kiện làm việc của nông dân và giảm bớt kinh phí đầu tư mua sắm máy móc khi nền kinh tế đang gặp khó khăn. Cùng với sự phát triển chung của ngành công nghiệp, trong những năm qua, ngành cơ khí của tỉnh cũng đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Sự phát triển ngành cơ khí của tỉnh chủ yếu dựa vào nỗ lực của các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, gia công cơ khí. Các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã sản xuất được một số chi tiết, máy phục vụ nông nghiệp và công nghiệp nông thôn như máy thổi lúa, giàn xới, giàn cắt lúa, cắt cỏ, giàn bừa, bơm nước, bánh lồng, máy sấy lúa, phôi thép, hàm nghiền đá, tấm lót trạm trộn, bơm hút cát; các chi tiết máy như: chân đế, cánh quạt, buri, nhà tiền chế, cửa sắt nhôm, inox, các sản phẩm gang phục vụ xây dựng, lắp ráp xe đạp, xe đạp điện, sửa chữa tàu cá...
 |
Ông Văn Đức Quynh ở Hải Phú, Hải Lăng với sản phẩm cải tiến máy tách hạt ngô |
Đặc biệt, một số cá nhân đã chế tạo thành công một số máy nông cụ như máy tuốt lạc, máy tách hạt ngô, máy tuốt tiêu, máy bóc vỏ quả dành dành, máy cắt củ quả, máy cày chảo, máy xay thực phẩm… được đưa vào ứng dụng trong thực tế mang lại hiệu quả cao, trong đó đáng kể nhất là những cải tiến kỹ thuật của ông Văn Đức Quynh ở Hải Phú, Hải Lăng; sáng kiến của ông Lê Văn Sở ở Vĩnh Lâm, Vĩnh Linh và sáng kiến kỹ thuật của rất nhiều nông dân khác đã góp phần cải thiện đáng kể điều kiện làm việc của nông dân trên đồng ruộng, nâng cao hiệu quả và giảm bớt chi phí đầu tư cho sản xuất. Ngoài ra, các dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng máy nông nghiệp, phương tiện cơ giới cũng phát triển mạnh mẽ, đáp ứng cơ bản nhu cầu duy tu, sửa chữa trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, so với 7.711 đơn vị đang hoạt động trong ngành công nghiệp của toàn tỉnh thì con số cơ sở cơ khí tính đến tháng 12/2011 của toàn tỉnh có 681 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công, chế tạo, sản xuất các sản phẩm cơ khí là khá ít ỏi. Sản phẩm của ngành cơ khí trong tỉnh làm ra cũng chỉ chiếm khoảng 3,5% giá trị sản phẩm công nghiệp của tỉnh. Năm 2011, giá trị sản xuất ngành cơ khí của tỉnh ước đạt khoảng 126 tỷ đồng. Mặc dù ngành cơ khí đã có những tác động tích cực trong việc đưa cơ giới vào nông nghiệp nhưng tỷ lệ vẫn còn thấp so với các tỉnh trong vùng. Các thiết bị máy móc được ứng dụng sản xuất đa số không phải là thiết bị tiên tiến, sản phẩm chủ yếu là chi tiết bán thành phẩm hoặc lắp ráp theo hình thức IKD (nhập một phần linh kiện, bộ phận về lắp ráp tại địa phương). Ông Trương Thế Sanh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: Tỉnh chưa có một chiến lược phát triển ngành cơ khí trên phạm vi toàn tỉnh; chưa có quy hoạch phát triển nhóm sản phẩm cơ khí chủ lực của tỉnh làm định hướng cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất. Các cơ quan quản lý nhà nước chưa nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để hỗ trợ, tháo gỡ một cách kịp thời cũng như thiếu chính sách khuyến khích đầu tư phát triển ngành cơ khí. Do đó, ngành cơ khí tỉnh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Hầu hết các cơ sở cơ khí trên địa bàn có quy mô nhỏ, công nghệ, thiết bị lạc hậu, sự phối hợp giữa các cơ sở sản xuất còn rời rạc, chưa có liên kết, hợp tác. Lao động trong các cơ sở cơ khí phần lớn chưa qua đào tạo, có trình độ tay nghề thấp. Trình độ quản lý sản xuất cũng còn nhiều hạn chế. Sản phẩm đơn điệu, chưa hình thành được nhóm sản phẩm chủ lực đủ sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường, trong khi đó, nhu cầu về các sản phẩm cơ khí, nhất là nhóm sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp nông thôn tiếp tục tăng, tiềm năng về thị trường này là rất lớn. Vì vậy, ngành cơ khí cần được khuyến khích phát triển theo chiều sâu nhằm nâng cao năng lực sản xuất. Nguyên nhân làm cho ngành cơ khí của tỉnh phát triển còn chậm là do việc đầu tư sản xuất, gia công các sản phẩm cơ khí thông thường đòi hỏi phải có vốn đầu tư ban đầu khá lớn, yêu cầu trình độ chuyên môn cao, lao động nặng nhọc, sản phẩm làm ra phải trải qua thời gian dài mới được thị trường chấp nhận, chu kỳ sản xuất dài, vòng quay vốn chậm, lâu thu hồi vốn… Do đó, lĩnh vực này ít thu hút các nhà đầu tư. Trong khi đó nhà nước thiếu các chính sách đủ mạnh để hỗ trợ phát triển và bảo vệ thị trường làm cho các loại máy móc nhập ngoại, nhất là nhập ồ ạt từ Trung Quốc có mẫu mã đẹp, giá rẻ cạnh tranh khốc liệt. Hầu hết các đơn vị sản xuất trong ngành cơ khí hiện nay trên địa bàn xuất phát từ làm nghề lâu năm rồi mở mang, phát triển dần. Về quy mô, các đơn vị sản xuất cũng còn nhiều hạn chế, chỉ có chưa đến 5% trong tổng số cơ sở có suất đầu tư trên 5 tỷ đồng, còn đa phần là khoảng 50- 200 triệu đồng. Nguồn vốn ít cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến năng lực cạnh tranh thấp của các cơ sở trên thị trường, hoặc đổi mới công nghệ, sản xuất sản phẩm mới đều gặp khó khăn. Để ngành cơ khí của tỉnh phát triển, đáp ứng được cơ bản nhu cầu phục vụ nông nghiệp, nông thôn cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển trong lĩnh vực cơ khí, nhất là chính sách về mặt bằng, vốn vay, đào tạo nguồn nhân lực… Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư và doanh nghiệp mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản xuất; xây dựng đề án phát triển ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 để làm định hướng phát triển trong giai đoạn mới. Xác định rõ nhóm sản phẩm chủ lực, phù hợp với điều kiện địa phương mà tỉnh có thể sản xuất và tiêu thụ. Chú trọng chế tạo máy nông cụ phục vụ nông nghiệp, tập trung đầu tư một số chủng loại sản phẩm như thiết bị phục vụ cơ giới hoá khâu làm đất, thu hoạch, bảo quản nông sản sau thu hoạch, các máy chế biến nông, lâm, thuỷ sản quy mô nhỏ và vừa, thiết bị thuỷ lợi, sản xuất phụ tùng thay thế cho các máy nông cụ. Ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và rút ngắn khoảng cách về trình độ KHKT. Tổ chức lại hoạt động sản xuất cơ khí có hệ thống theo hướng sản xuất hàng hóa. Hình thành, phát triển hệ thống dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị cơ khí phục vụ nông - công nghiệp chuyên nghiệp. Thực hiện chuyển giao công nghệ phù hợp để từng bước cơ khí hoá trong nông nghiệp. Tranh thủ sự hợp tác, liên doanh, liên kết để học tập kinh nghiệm, công nghệ và giảm chi phí sản xuất, mặt khác để trở thành nhà cung cấp chi tiết sản phẩm, là mắt xích trong phân công sản xuất, phân phối sản phẩm, giảm thiểu gia công cơ khí đơn thuần. Khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống trên cơ sở kết hợp máy móc, thiết bị vào sản xuất với kỹ thuật truyền thống. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông thôn để thuận lợi trong việc đưa máy móc thiết bị về nông thôn. Quan tâm xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất. Phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức hội ngành nghề trong lĩnh vực này nhằm giúp đỡ, hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Bố trí hợp lý lao động trong các khu vực để phát triển mạnh ngành cơ khí. Phát triển được ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn của tỉnh trong giai đoạn tới trước hết đòi hỏi sự nỗ lực của bản thân ngành cơ khí, các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực cơ khí và đồng hành có sự hỗ trợ, khuyến khích, động viên của nhà nước trên con đường phát triển cùng doanh nghiệp. Với chủ trương đúng, giải pháp tốt, hy vọng thời gian tới, ngành cơ khí Quảng Trị tiếp tục sẽ có bước phát triển khởi sắc hơn, góp phần vào sự thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch của tỉnh. Bài, ảnh: VÕ THÁI HÒA