Bất cập trong thu gom, xử lý chất thải rắn
(QT) - Trong vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay thì việc thu gom, xử lý chất thải rắn (CTR) đang đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là ở các vùng đô thị, vùng đồng bằng tập trung nhiều dân cư. Mặc dù tại các khu vực này đã hình thành các tổ đội vệ sinh môi trường thu gom và vận chuyển về các bãi chôn lấp nhưng phần lớn là bãi chôn lấp lộ thiên, không có hệ thống xử lý nước thải nên đã gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Bất cập trong thu gom, xử lý chất thải rắn

(QT) - Trong vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay thì việc thu gom, xử lý chất thải rắn (CTR) đang đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là ở các vùng đô thị, vùng đồng bằng tập trung nhiều dân cư. Mặc dù tại các khu vực này đã hình thành các tổ đội vệ sinh môi trường thu gom và vận chuyển về các bãi chôn lấp nhưng phần lớn là bãi chôn lấp lộ thiên, không có hệ thống xử lý nước thải nên đã gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Thu gom rác thải ở bãi tắm Cửa Việt, Gio Linh

Đối với tỉnh Quảng Trị tổng khối lượng CTR sinh hoạt và CTR công nghiệp đạt khoảng 483 tấn/ngày. CTR sinh hoạt phát sinh chủ yếu từ các hộ gia đình, cơ quan, trường học…thành phần chủ yếu là thực phẩm thừa, giấy loại, các loại phân bùn, cặn bã từ các công trình vệ sinh. Tuy nhiên nhiều nơi vẫn còn hiện tượng CTR đổ bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Các CTR sinh hoạt hầu hết không được phân loại mà để lẫn lộn, bao gồm cả các loại rác có khả năng phân hủy và khó phân hủy (như túi nilon, thủy tinh, cành cây, xác động vật chết...), bị vứt ra vườn hoặc đổ thải ra những địa điểm công cộng (chợ, trục đường giao thông, đầu ngõ, nơi giáp ranh giữa các thôn xóm, sông suối...), thiếu sự quản lý của chính quyền địa phương. Đối với CTR công nghiệp phát sinh chủ yếu từ các khu/cụm công nghiệp với các nhóm ngành chính là công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và giao thông vận tải; chế biến nông sản, thực phẩm và nuôi trồng thủy sản; khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng với khối lượng khoảng 83 tấn/ ngày.

Ngoài ra còn có một khối lượng nhỏ CTR công nghiệp từ các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm phân tán chưa được quan tâm xử lý triệt để. Thực tế cho thấy CTR sinh hoạt hầu hết chưa được phân loại tại nguồn mà các loại chất thải được công nhân môi trường đô thị thu gom chuyển thẳng đến bãi chôn lấp để xử lý. Hiện nay các huyện, thị xã, thành phố đều đã có đơn vị thu gom và vận chuyển CTR sinh hoạt. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom, vận chuyển cao chỉ tập trung ở khu vực đô thị, còn lại ở khu vực nông thôn chỉ mới đạt khoảng 30- 40%.

CTR sau khi được thu gom, vận chuyển đến địa điểm tập kết thì được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, chỉ một số nơi kết hợp đốt nhưng với khối lượng rất nhỏ. Một số loại CTR có thể được tái chế như vỏ lon bia, chai nhựa, các loại đồ nhựa, sắt...được thu gom bởi những người thu nhặt phế liệu. Do đó với khối lượng CTR sinh hoạt ước tính khoảng 343 tấn/ngày thì việc xử lý bằng hình thức chôn, đốt vẫn còn nhiều bất cập.

Đối với các CTR công nghiệp phát sinh tại các cơ sở sản xuất ở các khu, cụm công nghiệp, hiện nay cách xử lý thường là tái chế, tái sử dụng, chôn lấp hoặc đốt. Những CTR công nghiệp có thể tái chế, tái sử dụng được các cơ sở sản xuất thu gom và đưa vào sử dụng hoặc bán cho các cơ sở thu mua phế liệu, số còn lại vận chuyển đến xử lý cùng CTR sinh hoạt. Điều bất cập nhất là hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có khu xử lý tập trung CTR công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại, do đó nguy cơ ô nhiễm môi trường luôn tiềm ẩn.

Hiện toàn tỉnh có 6/10 huyện, thị xã, thành phố có bãi chôn lấp CTR, trong đó bãi chôn lấp ở thị xã Quảng Trị và thành phố Đông Hà đã xuống cấp. Tại bãi chôn lấp CTR thành phố Đông Hà, với diện tích là 3 ha nhưng bình quân mỗi ngày tiếp nhận xử lý 55 tấn CTR của 9 phường trên địa bàn. Tại thị xã Quảng Trị, bãi chôn lấp chỉ với diện tích 0,05 ha, quy mô nhỏ, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ nhưng mỗi ngày phải tiếp nhận 8,9 tấn CTR. Một số huyện như Vĩnh Linh, Hướng Hóa, Đakrông và huyện đảo Cồn Cỏ vẫn đang đổ thải lộ thiên, nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân rất cao.

Hiện nay trên toàn tỉnh có 33 điểm xử lý CTR nhỏ lẻ và 17 xe ép rác chuyên dụng chỉ đáp ứng cho khu vực đô thị. Do đó, việc thu gom rác thải ở nông thôn phụ thuộc vào những người thu gom tự quản, thiếu phương tiện, trang thiết bị nên tình trạng đổ rác bừa bãi còn diễn ra nhiều nơi. Thêm vào đó, việc quản lý CTR ở các khu/cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất hiện nay chưa chặt chẽ, hầu hết các cơ sở tự thu gom, xử lý hoặc hợp đồng với các đơn vị hoạt động chuyên trách đảm nhận việc thu gom, xử lý rác thải.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa quy định rõ ràng việc được phép hay không được phép xử lý chung CTR sinh hoạt và CTR công nghiệp thông thường nên rất khó để đưa ra chế tài xử phạt đối với tình trạng hiện nay. Trong khi chờ các nguồn lực hỗ trợ để hoàn thiện cơ sở hạ tầng về quản lý CTR cũng như triển khai các biện pháp hiệu quả, đồng bộ và mang tính bền vững lâu dài, các ngành chức năng kêu gọi xã hội hóa và tăng cường sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trong các hoạt động xử lý CTR nhằm bảo vệ môi trường.

Rõ ràng hai hình thức phổ biến xử lý CTR sinh hoạt ở nông thôn là đốt hoặc chôn lấp đều đang bộc lộ hạn chế và chưa giải quyết được triệt để vấn đề nan giải trong công tác xử lý CTR sinh hoạt nông thôn. Việc chôn lấp tại nhiều thôn, xã chưa có quy hoạch xây dựng các bãi rác tập trung, bãi rác công cộng và chưa có quy định chỗ tập trung rác. Vì vậy, các bãi chôn lấp ở nông thôn hình thành tự phát, lộ thiên, không được quản lý và thiết kế xử lý ô nhiễm đúng kỹ thuật, gây ra nhiều vấn đề về môi trường.

Kể cả với các bãi rác tập trung, ở nhiều vùng nông thôn cũng trong tình trạng quá tải và không đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng. Do đó mùi từ các bãi chôn lấp không được thiết kế và vận hành đúng quy định đang gây ra bức xúc đối với người dân địa phương. Mặt khác, chất lượng nước ngầm và chất lượng đất xung quanh các khu vực bãi rác bị ảnh hưởng do nước rỉ rác thấm trực tiếp vào các tầng đất, làm đất bị ô nhiễm vi sinh và hóa chất độc hại.

Để giải quyết vấn đề quá tải ở các bãi rác ở nông thôn, một số mô hình lò đốt đã được áp dụng thí điểm ở nhiều địa phương trên cả nước. Bước đầu các công nghệ cho thấy có thể giúp giảm lượng rác thải phát sinh, hạn chế gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan khu vực. Tuy nhiên, do thành phần CTR sinh hoạt nông thôn chủ yếu là rác hữu cơ, chứa lượng nước rác lớn và lẫn các tạp chất khó phân hủy như bao bì thuốc bảo vệ thực vật, các phế thải kim loại, túi nilon... nên việc đốt tiêu hao nhiên liệu nhiều và không xử lý được hoàn toàn lượng CTR phát sinh. Do đó về lâu dài cần đầu tư hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý rác thải, đặc biệt là CTR có công nghệ hiện đại mới hy vọng giảm thiểu vấn đề ô nhiễm, độc hại do CTR gây ra.

Lâm Khanh