Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới
(QT) - Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) có trên 18.000 hội viên tham gia sinh hoạt trong 22 hội cơ sở xã, thị trấn. Trong 5 năm qua, bám sát Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010-2015, các cấp Hội phụ nữ huyện Vĩnh Linh đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, hội cấp trên, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể trong khối mặt trận và một số ngành liên quan để vận động chị em tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế, xóa ...

Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới

(QT) - Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) có trên 18.000 hội viên tham gia sinh hoạt trong 22 hội cơ sở xã, thị trấn. Trong 5 năm qua, bám sát Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010-2015, các cấp Hội phụ nữ huyện Vĩnh Linh đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, hội cấp trên, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể trong khối mặt trận và một số ngành liên quan để vận động chị em tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Để phong trào thực sự mạng lại hiệu quả, hàng năm các cấp hội tiến hành khảo sát, phân loại đối tượng và xác định nguyên nhân đói, nghèo để có hình thức phù hợp giúp chị em thoát nghèo. Qua khảo sát cho thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo là do một số chị em còn thiếu kiến thức khoa học, thiếu vốn để sản xuất và cả định hướng đầu tư phát triển kinh tế. Trước thực trạng đó, hội đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan mở được các lớp dạy nghề như: nấu ăn; chăn nuôi thú y; kỹ thuật chế biến nước mắm; kỹ thuật trồng tiêu, trồng ném... cho chị em tham gia học tập. Sau học nghề đã có 1.673/2.385 chị có việc làm ổn định. Tỷ lệ hội viên có việc làm sau đào tạo nghề chiếm 70,15%, vượt chỉ tiêu đề ra. Thông qua các lớp dạy nghề hội viên nắm vững kiến thức khoa học áp dụng vào sản xuất- kinh doanh và đã chủ động phát triển kinh tế gia đình, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở địa phương. Một số chị em sau khi được đào tạo nghề đã thành lập các tổ hợp tác để cùng sản xuất, kinh doanh. Đến nay, toàn huyện có 28 tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ, thu hút gần 400 lao động có việc làm thường xuyên, với mức thu nhập trung bình tháng từ 1.000.000đ đến 1.700.000đ/tháng/người. Có tổ hợp tác có thu nhập ổn định bình quân 3.500.000đ - 4.000.000đ/ người như: Tổ hợp tác dịch vụ nấu ăn, kinh doanh tổng hợp ở khóm Hải Hòa, khóm Hải Nghĩa thị trấn Hồ Xá; Tổ hợp tác chăn nuôi ở xã Vĩnh Long, Vĩnh Tân; Tổ hợp tác chế biến nước mắm ở Vĩnh Thái; Tổ hợp tác sản xuất tinh bột nghệ ở thị trấn Hồ Xá, tổ hợp tác làm miến dong ở Vĩnh Thành. Hiện nay, toàn huyện đang duy trì 496 tổ tiết kiệm tín dụng, với trên 14 ngàn thành viên tham gia. Tổng số tiền huy động được trên 10 tỷ đồng, đã giải quyết cho trên 5.500 lượt hội viên vay vốn. Hàng năm Hội LHPN huyện còn huy động nguồn vốn từ các chương trình dự án như dự án Plan, ký kết liên tịch với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Ngân hàng No&PTNT huyện đứng ra tín chấp cho chị em vay vốn xóa đói, giảm nghèo. Tổng số vốn do hội đang quản lý trên 118 tỷ đồng, trên 10 ngàn phụ nữ được vay vốn. Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, một biện pháp không thể thiếu là việc phân công trách nhiệm cho từng thành viên của các cấp hội theo dõi, kiểm tra thu hồi vốn, lãi theo theo định kỳ. Hoạt động vay vốn đã đưa hiệu quả rõ rệt, đa số chị em đã khẳng định được vai trò làm chủ kinh tế gia đình. Nhiều chị em sau khi được tuyên truyền, học tập đã mạnh dạn đứng ra vay vốn đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình theo quy mô lớn. Các mô hình kinh tế vườn- ao- chuồng- rừng có thu nhập từ 50 triệu đến 100 triệu đồng/năm do phụ nữ làm chủ được phát triển và nhân rộng, tiêu biểu như chị Trần Thị Minh Nguyệt (Tân Định, Vĩnh Chấp), chị Nguyễn Thị Hằng (Tứ Chính, Vĩnh Tú) xây dựng mô hình vườn- ao- chuồng; chị Nguyễn Thị Hậu (Đơn Duệ, Vĩnh Hòa) với mô hình kinh doanh dịch vụ tổng hợp… Qua 5 năm thực hiện chủ trương lớn của huyện, Hội LHPN Vĩnh Linh đã vận động hội viên đóng góp hỗ trợ giúp phụ nữ 8 bản nghèo của xã Vĩnh Ô tổng trị giá 215 triệu đồng. Nhờ vậy, cho đến nay huyện Vĩnh Linh chỉ còn 1.226 hộ phụ nữ nghèo, giảm 624 hộ so với năm 2014, trong đó có 209 hộ phụ nữ thoát nghèo điển hình. Hội phụ nữ huyện còn vận động hội viên đóng góp xây dựng “Mái ấm tình thương” và đã xây dựng được 12 nhà, trị giá 240 triệu đồng. Ngoài ra, các cấp Hội phụ nữ từ huyện đến cơ sở huy động hội viên đóng góp đỡ đầu có địa chỉ cho 13 trẻ em con hộ nghèo vượt khó, mỗi suất từ 1.200.000 đến 2.400.000 đồng/cháu/năm. Song song với nhiệm vụ giúp đỡ nhau để phát triển kinh tế gia đình, Hội LHPN Vĩnh Linh còn triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch” gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ góp công, góp sức, hiến đất làm đường để xây dựng nông thôn mới, hội đã tổ chức nhiều hoạt động để tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường cho hội viên như hội thi, sinh hoạt chuyên đề, truyền thông lồng ghép các buổi sinh hoạt của các chi hội, các tổ tiết kiệm, tín dụng, tổ vay vốn. Thường xuyên tổ chức ra quân dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải, bảo vệ nguồn nước vào các ngày thứ 7, chủ nhật. Tất cả các cơ sở hội đều triển khai xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, đánh giá thực trạng, đăng ký thực hiện phong trào trong năm 2014. 100% cơ sở đã tổ chức rà soát thực trạng việc xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” theo mẫu quy định. Qua rà soát có 14.792/18.964 hộ gia đình đạt chuẩn, đạt 78%. Phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; bảo vệ môi trường, xây dựng gia đình “5 không 3 sạch” gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới do Hội phụ nữ phát động đã thu hút các tầng lớp phụ nữ tham gia. Từ phong trào này, tinh thần tương thân, tương ái giúp nhau trong khó khăn hoạn nạn luôn được phát huy, nhiều chị được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, đã nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. MỸ HẰNG