> Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh Quảng Trị ngày càng đi vào thực chất, đáp ứng mong đợi và sự kì vọng của cử tri (*)
(QT) – Sáng nay 18.7.2019, HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kì 2016-2021 khai mạc kì họp thứ 10. UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì kì họp. Tham dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đăng Quang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh; các đại biểu HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị-xã hội và các huyện, thị xã, thành phố. Về phía đại biểu khách mời có Phó Kiểm toán Nhà nước Khu vực 2 Võ Tiến Thịnh; đại diện Vụ Địa phương miền Trung - Tây Nguyên Lê Văn Linh.
![]() |
Các đại biểu tham dự kì họp thứ 10 - HĐND tỉnh khóa VII. Ảnh: Thành Dũng |
Phát biểu khai mạc kì họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng yêu cầu: Trên tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, quyết liệt hành động, khẳng định quyết tâm không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh để hoạt động cơ quan dân cử ở địa phương càng đi vào thực chất, đáp ứng mong đợi và sự kì vọng của cử tri, các đại biểu HĐND tỉnh tham gia kì họp thứ 10, khóa VII cần phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, nghiên cứu đóng góp ý kiến một cách thiết thực, chất lượng đối với các tờ trình, đề án nội dung trình kì họp.
play mutemax volume previousplaystopnext repeatshufflefull screen Update RequiredTo play the media you will need to either update your browser to a recent version or update your Flash plugin .Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh; thu chi ngân sách, phân bổ vốn đầu tư; công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh và các tờ trình, đề án trình kì họp. Trong báo cáo tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 9.780 tỉ đồng, tăng 6,79% so với cùng kì năm 2018; quy mô nền kinh tế ước đạt 14.360 tỉ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 1.395 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kì; tổng chi ngân sách ước trên 3.390 tỉ đồng. Sản lượng lương thực có hạt ước đạt 163.128 tấn. Toàn tỉnh có 52/117 xã đạt chuẩn NTM, 204 doanh nghiệp đăng kí thành lập mới. Công tác xúc tiến thu hút đầu tư có chuyển biến tích cực. Từ đầu năm đến nay có 42 dự án được cấp chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng kí đầu tư trên 79.122 tỉ đồng.
Thời gian qua, Quảng Trị đã tổ chức nhiều hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn và kỉ niệm 30 năm lập lại tỉnh. Kì thi THPT quốc gia năm 2019 trên địa bàn diễn ra thành công. Các hoạt động về văn hóa, thể thao, thông tin-truyền thông, lao động, việc làm, an sinh xã hội diễn ra theo hướng có chiều sâu, chất lượng.
Bên cạnh kết quả đạt được, UBND tỉnh cũng thẳng thắn đánh giá những tồn tại hạn chế như: Một số dự án quan trọng được ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước có tiến độ thực hiện và giải ngân chậm, ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư. Trong 6 tháng qua chưa có thêm dự án FDI nào được cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư. Mặt khác, các dự án FDI đang thực hiện trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, chưa có sức lan tỏa, thúc đẩy và đóng góp cho sự tăng trưởng của tỉnh. Đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ huyện, xã đạt chuẩn rất hạn chế, khoảng 20- 30 tỉ đồng/năm nên tình trạng nợ nguồn kinh phí hỗ trợ đạt chuẩn chưa được khắc phục; tiến độ giải ngân chương trình xây dựng NTM chậm. Chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu nhân dân. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nói chung, một số chỉ số thành phần nói riêng chậm được cải thiện…Vì vậy, UBND tỉnh đề xuất xây dựng 8 nhóm nhiệm vụ chủ yếu về phát triển kinh tế -xã hội và đảm bảo quốc phòng -an ninh cần triển khai thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2019.
Thường trực UBMTTQVN tỉnh thông báo về công tác tham gia xây dựng chính quyền. Toàn tỉnh có 150 Ban giám sát đầu tư cộng đồng với 1.179 thành viên. Trong 6 tháng đầu năm đã giám sát 460 cuộc, kiến nghị xử lí 75 vụ việc, trong đó có 63 vụ việc được giải quyết, xử lí. Có 141 Ban thanh tra nhân dân với 1.081 thành viên, 6 tháng đầu năm đã thực hiện 217 cuộc giám sát, kiến nghị xử lí 80 vụ việc; được cơ quan thẩm quyền thụ lí, giải quyết 51 vụ việc.
Thường trực HĐND tỉnh trình bày tổng hợp ý kiến cử tri gửi đến kì họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa VII tại 35 điểm tiếp xúc cử tri về những nhóm vấn đề trong đó có: 10 vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn; 17 vấn đề liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản; 8 vấn đề về đất đai, tài nguyên; 3 vấn đề về môi trường; 6 vấn đề trên lĩnh vực văn hóa-xã hội; 9 vấn đề trên lĩnh vực nội chính, pháp chế…
Trong phiên làm việc sáng nay, các Ban: Kinh tế-Ngân sách, Văn hóa -Xã hội, Pháp chế, Dân tộc trình bày các báo cáo thẩm tra. Trong đó, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Phan Văn Phụng nêu thực trạng sử dụng tài nguyên rừng, đất đai, khoáng sản hiệu quả chưa cao, thất thoát nguồn thu trong đó có thất thu thuế và phí. Năm 2018, có 1/3 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến gỗ, gỗ dăm có số nộp thuế 96,6 tỉ đồng, số còn lại chưa có đăng kí thuế. Các nhà máy sản xuất gỗ MDF của Công ty cổ phẩn Gỗ MDF VRG- Quảng Trị sử dụng nguyên liệu lớn nhất trên địa bàn nhưng chưa có đóng góp cho ngân sách tỉnh. Các công ty TNHH MTV lâm nghiệp quản lí, sử dụng 20 ngàn ha rừng nhưng chỉ nộp khoảng 5 tỉ đồng tiền thuế trong đó chủ yếu là tiền thuê quyền sử dụng đất. Các doanh nghiệp ngoại tỉnh đến đầu tư trên địa bàn chưa lập chi nhánh để đăng kí thuế, nộp thuế vãng lai chưa được kiểm soát toàn diện gây thất thu thuế. Công ty TNHH Hưng Phát xin ngừng hoạt động nhưng thực chất vẫn hoạt động và không nộp thuế trên địa bàn… Do đó, Ban Kinh tế-Ngân sách đề xuất HĐND tỉnh cần tăng cường công tác tái kiểm tra sau đăng kí kinh doanh đồng thời lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra toàn diện, chống thất thu thuế, thất thoát tài nguyên, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng trước pháp luật.
Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh do Trưởng Ban Nguyễn Văn Cầu cho thấy trong lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội, xây dựng chính quyền và cải cách hành chính vẫn còn một số hạn chế. Tình hình tội phạm gia tăng, một số loại tội phạm diễn biến phức tạp như tội phạm ma túy, xâm hại trẻ em, vận chuyển kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến “tín dụng đen”… Nhiều mô hình về đảm bảo an ninh, trật tư hiệu quả chưa cao. Công tác phối hợp giải quyết thủ tục hành chính giữa các cơ quan, đơn vị còn chậm. Công tác quản lí thuế, tài chính còn hạn chế, tình trạng khai thác trái phép rừng, lấn chiếm đất rừng và khai thác cát sạn “chui” diễn biến phức tạp.
Chủ nhiệm UBKTTU, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Hồ Thị Thu Hằng khẳng định bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực văn hóa xã hội vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần quan tâm đó là: Một số thiết chế văn hóa cơ sở chưa được khai thác sử dụng hiệu quả, khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch còn gặp nhiều khó khăn, hạ tầng du lịch thiếu đồng bộ nên chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư. Công tác quản lí, bảo vệ di tích, khai thác các giá trị của di tích gắn với hoạt động du lịch còn hạn chế, hoạt động quảng bá du lịch chưa tạo được dấu ấn riêng. Tình trạng người ăn xin ở các khu vực công cộng, khu di tích, khu du lịch có xu hướng gia tăng, làm ảnh hưởng xấu đến việc xây dựng văn minh đô thị. Tỉ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đến trường đạt thấp (28,3%).
Việc tuyển sinh vào các trường dạy nghề, các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều khó khăn, số lượng học viên ngày càng giảm. Chất lượng đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường, thiếu sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Tình trạng bạo lực và xâm hại học đường vẫn còn diễn ra, đặc biệt có vụ vi phạm nghiêm trọng gây xôn xao dư luận về sự xuống cấp đạo đức học đường của học sinh và giới trẻ hiện nay.
Báo cáo thẩm tra của Ban Dân tộc- HĐND tỉnh do Trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc -HĐND tỉnh Lê Thị Lan Hương cho biết, sau khi khảo sát tại 6 xã miền núi và 5 đơn vị trường học có học sinh dân tộc thiểu số cho thấy một số khó khăn. Tình trạng nắng nóng gay gắt, kéo dài thời gian qua khiến 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông có trên 173 ha lúa bị hạn, nắng nóng cũng dẫn đến thiếu nước sinh hoạt ở một số vùng. Đặc biệt tại huyện Hướng Hóa có 30 công trình nước sinh hoạt hư hỏng, 24 công trình không sử dụng được; huyện Đakrông có 35 công trình kém hiệu quả, 20 công trình hư hỏng không sử dụng được…
Theo lịch trình, trong phiên họp chiều nay (18.7) HĐND tỉnh sẽ tiến hành thảo luận tổ.
Báo Quảng Trị Online sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến độc giả.
Tổ phóng viên Báo Quảng Trị