Nỗi đau thầm kín
(QT) - Đã lâu lắm rồi hôm nay tôi mới có dịp về thăm quê ngoại. Tôi không quên ghé vào nhà mợ B. chơi. Căn nhà vẫn không có gì thay đổi, cuộc sống ở làng quê vẫn êm ả, bình yên. Gặp tôi, mợ rất mừng nhưng trông mợ gầy và xanh xao nhiều. “Mợ đau bệnh gì à?”, tôi buột miệng hỏi. Dường như tôi đã chạm vào nỗi đau của mợ nên mợ nước mắt rưng rưng, ẩn chứa điều gì đó không nói được. Minh họa: LÊ NGỌC DUY

Nỗi đau thầm kín

(QT) - Đã lâu lắm rồi hôm nay tôi mới có dịp về thăm quê ngoại. Tôi không quên ghé vào nhà mợ B. chơi. Căn nhà vẫn không có gì thay đổi, cuộc sống ở làng quê vẫn êm ả, bình yên. Gặp tôi, mợ rất mừng nhưng trông mợ gầy và xanh xao nhiều. “Mợ đau bệnh gì à?”, tôi buột miệng hỏi. Dường như tôi đã chạm vào nỗi đau của mợ nên mợ nước mắt rưng rưng, ẩn chứa điều gì đó không nói được.

Minh họa: LÊ NGỌC DUY

Một lát sau khi bình tâm trở lại, mợ B. kể cho tôi nghe tất cả mọi chuyện. Thì ra mợ đã bị nhiễm HIV - một căn bệnh chết người từ chính người chồng của mình. Mợ B. sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo thuộc huyện Triệu Phong, sau này về làm dâu ở một xã khác trong huyện. Cuộc sống của mợ tuy không dư dả nhưng rất yên bình, hạnh phúc. Vậy mà tai họa bất ngờ giáng xuống khiến mợ, dù đã trải qua một thời gian dài vẫn chưa lấy lại thăng bằng. Bản thân mợ rất mơ hồ về căn bệnh này. Một ngày, thấy sức khỏe của mình giảm sút, mợ đi khám ở Bệnh viện Trung ương Huế và lặng người khi biết kết quả. Chồng mợ vốn làm nghề mộc đã lâu, nhưng chủ yếu hành nghề ở khu vực gần nhà nên thu nhập không cao, công việc lại thất thường. Theo lời rủ rê của một số người khác trong làng, cậu sang Lào làm ăn. Trong một lần quan hệ với gái mại dâm nhưng không sử dụng biện pháp phòng tránh, cậu đã bị lây nhiễm HIV. Không biết mình mang trong người mầm bệnh này, cậu đã truyền bệnh sang cho vợ mình. Không chỉ chống chọi với nỗi đau của thể xác, nỗi đau lớn nhất mà mợ B. phải chịu đựng là sự kỳ thị, phân biệt đối xử của làng xóm, họ hàng. Mọi người đều nhìn vợ chồng mợ với ánh mắt lo ngại, xa lánh. Ngay cả những đứa con của mợ cũng chung cảnh ngộ bị phân biệt. Mợ tâm sự: “Nhiều lúc mợ muốn uống thuốc trừ sâu để kết thúc cuộc đời càng sớm càng tốt. Nhưng nghĩ lại cảnh 3 đứa con nheo nhóc, không có vòng tay yêu thương, chăm sóc của ba mẹ nên mợ cứ nhắm mắt mà sống”. Cũng may là 3 đứa con của mợ đều khỏe mạnh và không bị lây nhiễm HIV từ ba mẹ. Tạm biệt mợ B. ra về mà lòng tôi trĩu nặng. Tôi thương mợ quá chừng. Đôi khi tôi tự hỏi: Một người phụ nữ hiền lành, chất phác như mợ tại sao lại phải chịu cảnh nghiệt ngã đến thế? Tôi chẳng thể làm gì để giúp mợ ngoài những món tiền nhỏ để mợ thuốc thang cùng những lời động viên, an ủi mợ lạc quan để sống nốt quãng đời còn lại thật ý nghĩa, tất cả chỉ vì con cái. Mợ B. là một trong những là nạn nhân của căn bệnh HIV mà tôi được biết và chứng kiến. Những người có hoàn cảnh như mợ thật đáng thương. Chúng ta hãy mở rộng lòng mình để gần gũi, cảm thông và chia sẻ với những người có H.. Hãy cho họ một điểm tựa để sống lạc quan, chiến đấu với bệnh tật trong phần đời còn lại. LÊ THỊ THU THANH