Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017
(QT) - Ngày 17/5/2017, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị có đồng chí Nguyễn Đức Chính, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ, Câu lạc bộ nữ DN tỉnh cùng một số doanh ...

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017

(QT) - Ngày 17/5/2017, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị có đồng chí Nguyễn Đức Chính, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ, Câu lạc bộ nữ DN tỉnh cùng một số doanh nghiệp (DN).

Đồng chí Nguyễn Đức Chính, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị ở điểm cầu Quảng Trị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của cộngđồng DN đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Thủ tướng cho rằng, mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho DN phát triển nhưng trên thực tế vẫn còn không ít rào cản trong hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh của DN.

Thủ tướng mong muốn các đại biểu góp ý thẳng thắn, chân thành và xây dựng, qua đó đề xuất nhiều giải pháp thiết thực về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh để góp phần xây dựng một Chính phủ hành động luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững…

Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình bày báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 35/NQCP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.

Các báo cáo đánh giá rõ tình hình triển khai thực hiện nghị quyết của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương; nắm bắt những khó khăn, vướng mắc; tình hình thực hiện các nhóm giải pháp hỗ trợ DN về cải cách hành chính; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN; tiếp cận tín dụng của DN...

Những nỗ lực trên đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Riêng năm 2016 đã có hơn 110.000 doanh nghiệp thành lập, tăng hơn 16% so với năm 2015, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay. Trong 4 tháng đầu năm 2017, số DN đăng ký thành lập mới là 39.580 DN với số vốn đăng ký 369.635 tỷ đồng, tăng 14% về số DN và tăng 48,9% về số vốn so với cùng kỳ năm 2016; số DN quay trở lại hoạt động là 11.545 DN, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2016. Tính đến ngày 20/4/2017, cả nước có khoảng 612.000 DN đang hoạt động…

Tại hội nghị, đại diện Hiệp hội DN vừa và nhỏ, một số DN và các nhà đầu tư, quản lý trong và ngoài nước cho rằng, thời gian qua Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN phát triển.

Tuy vậy, DN đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn và các nguồn lực xã hội, do bị thanh tra, kiểm tra nhiều; những khoản chi phí không chính thức vẫn còn cao, có đến 66% DN xác nhận phải trả chi phí này; một bộ phận cán bộ cơ quan công quyền quan liêu, sách nhiễu, chưa xem DN là đối tượng phục vụ; tiếp cận vốn tín dụng khó khăn; việc thu hồi đất tính giá chưa rõ ràng, các quy hoạch phát triển chưa minh bạch; chi phí nộp thuế cao…

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ tiếp tục kiến tạo, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi nhất cho DN nói chung, DN tư nhân nói riêng phát triển bình đẳng; quy định thủ tục thuế và hải quan rõ ràng, minh bạch; công bằng, minh bạch trong diễn giải luật; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự; có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ cho các DN, nhất là DN hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nông sản; giải quyết các vướng mắc liên quan đến quy hoạch, quản lý đất đai; tăng cường quản lý thị trường bất động sản.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ngay sau hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị số 20 về công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động DN. Các DN tin rằng, Chính phủ sẽ bảo đảm môi trường chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định; tiếp tục kiến tạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi, trao cơ hội cho mọi DN phát triển an toàn, cạnh tranh bình đẳng, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Chú trọng xây dựng thể chế, chính sách phù hợp thực tiễn để khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển; cải cách hành chính; thủ tục đăng ký kinh doanh, đầu tư; giảm thiểu các loại thuế, phí; tiếp cận thuận lợi các nguồn vốn tín dụng; cung cấp thông tin và hỗ trợ thuận lợi cho DN tiếp cận thông tin…

Thủ tướng Chính phủ mong muốn, các DN sản xuất - kinh doanh liêm chính, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Các bộ, ngành, địa phương luôn tự đổi mới, tự cải cách để tạo điều kiện tốt nhất cho DN phát triển.

H.N