Trong những năm qua, lĩnh vực thương mại - dịch vụ của tỉnh Quảng Trị có bước phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống của Nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.
![]() |
Gian hàng của Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Thái Nhật Vinh tham gia Hội chợ Xuân Quảng Trị 2019 - Ảnh: H.T |
Là thành phố tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế và thương mại của tỉnh, thời gian qua, thành phố Đông Hà đã xác định thương mại, du lịch, dịch vụ là những lĩnh vực kinh tế quan trọng thúc đẩy và tác động tới sự phát triển toàn diện của địa phương với mức tăng trưởng bình quân hằng năm hơn 11%.
Nét nổi bật trong phát triển thương mại, dịch vụ đó là thành phố đã tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng và hoàn thành lập quy hoạch, kế hoạch phát triển thương mại trên địa bàn (gồm mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại...), trong đó ưu tiên quỹ đất và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư các siêu thị, trung tâm thương mại, khách sạn có quy mô lớn. Nhiều công trình dịch vụ, thương mại, tài chính ngân hàng với thiết kế hiện đại như siêu thị Co.opMart, khách sạn Mường Thanh Quảng Trị, khách sạn Sài Gòn - Đông Hà, tòa nhà Viettel, chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị... góp phần tạo bộ mặt không gian đô thị Đông Hà ngày càng khang trang, khởi sắc. Ngoài ra, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh tại các trục phố chính được cải tạo, đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, hình thành thêm chuỗi cửa hàng bán lẻ, các cửa hàng tiện lợi, chất lượng cao. Trên địa bàn thành phố cũng đã đưa vào sử dụng hệ thống máy bán hàng tự động tại một số địa điểm trung tâm, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng mua sắm trên địa bàn.
Không chỉ thành phố Đông Hà, hiện nay, mạng lưới kinh doanh thương mại ở hầu hết các địa phương trong tỉnh đều phát triển nhanh, đa dạng về ngành nghề bao gồm cả thương nghiệp, nhà hàng ăn uống, dịch vụ. Đồng thời mở rộng xuống tận cơ sở, địa bàn khu dân cư, tạo thành mạng trung gian kinh tế, làm chức năng giao lưu, trao đổi hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng thương mại cũng được tỉnh chú trọng đầu tư và có bước phát triển rõ nét, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, góp phần kích cầu sản xuất và tiêu dùng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội bình quân hằng năm đạt khoảng 12%. Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển. Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 357 triệu USD, tốc độ tăng bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2019 đạt 17,01%; kim ngạch nhập khẩu năm 2019 đạt 222 triệu USD, tốc độ tăng bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2019 đạt 1,63%.
![]() |
Siêu thị Co.opmart Đông Hà thực hiện việc bình ổn giá tại thị trường nhằm đem lại quyền lợi tốt nhất cho người tiêu dùng - Ảnh: H.T |
Hiện nay, hệ thống chợ được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động ổn định với 78 chợ (trên tổng số 108 chợ được quy hoạch), trong đó có 39 chợ kiên cố, 28 chợ bán kiên cố, 8 chợ tạm và 3 chợ đang được xây dựng. Đa số các chợ trên địa bàn tỉnh đều phù hợp với quy hoạch, được đầu tư xây dựng tại các vị trí thuận lợi để phát triển và phục vụ tốt nhất nhu cầu mua bán của Nhân dân. Kênh mua bán truyền thống này góp phần đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân ngày càng tốt hơn, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của mỗi địa phương trong tỉnh.
Hệ thống kênh mua bán hiện đại cũng dần được hình thành và ngày càng phát triển. Hiện, toàn tỉnh có có 3 siêu thị tổng hợp; 2 siêu thị chuyên kinh doanh hàng Lào, Thái; 12 siêu thị điện máy; 13 siêu thị mini kinh doanh tổng hợp và trên 20 điểm đặt máy bán hàng tự động. Về hệ thống cửa hàng xăng dầu hiện có 119 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động, trong đó có 12 cửa hàng loại I, 14 cửa hàng loại II và 93 cửa hàng loại III. Ngoài ra, hệ thống phân phối hàng hóa được thiết lập thông suốt từ thành thị đến nông thôn, miền núi và vùng sâu, vùng xa. Ngành công thương còn làm tốt công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực thương mại, tập trung vào tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh thương mại; thực hiện công tác hỗ trợ bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu trong các dịp lễ, tết. Công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại được củng cố, hoạt động của lực lượng quản lý ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, đảm bảo thị trường ổn định và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; làm tốt công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Tổ chức triển khai các đề án, nhiệm vụ xúc tiến thương mại; các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hằng năm tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về các xã miền núi, vùng cao trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Nhiều công trình dịch vụ, thương mại với thiết kế hiện đại góp phần tạo bộ mặt không gian đô thị Đông Hà ngày càng khang trang, khởi sắc - Ảnh: H.T |
Trong tiến trình xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chính sách ưu đãi, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế, trong đó có thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tham gia đầu tư khai thác thế mạnh của tỉnh; các ngành, các địa phương chú trọng đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân và tổ chức tham gia đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội. Tiêu biểu như các chương trình xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử; ổn định và củng cố vững chắc thị trường tại địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, bảo hộ thương hiệu. Tỉnh cũng quan tâm hỗ trợ đối với các ngành hàng chủ lực để đưa các sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh vào các thị trường trọng điểm, thị trường mới có nhiều tiềm năng…Với việc tăng cường đầu tư, thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động thương mại-dịch vụ không ngừng phát triển, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu sản xuất, tiêu dùng.
Thương mại- dịch vụ phát triển sẽ góp phần quan trọng trong việc giải quyết đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho các ngành sản xuất; đồng thời tạo ra thị trường hàng hóa sôi động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng, sản xuất của người dân. Thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo ngành công thương tiếp tục đẩy mạnh công tác kết nối giao thương, xuất khẩu hàng hóa, phát triển thương mại điện tử; thực hiện liên kết, hợp tác tìm kiếm thị trường nội địa để tiêu thụ các mặt hàng thế mạnh của tỉnh, đồng thời xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm chủ lực. Đặc biệt, Quảng Trị sẽ triển khai đầu tư các kho xăng dầu trên địa bàn tỉnh theo Quy hoạch phát triển dự trữ hệ thống dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; thu hút đầu tư tại các trung tâm dịch vụ logistics, các tổng kho trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây phục vụ lưu thông hàng hóa hai chiều giữa các nước ASEAN. Mặt khác, tỉnh sẽ tích cực thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, khai thác hiệu quả Hiệp định Thương mại biên giới Việt - Lào để thúc đẩy các loại hình dịch vụ trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.
Hà Trang