“Dòng chảy Phương Bắc-2” tiếp tục được khai thông
QĐND - Liên danh các nhà thầu của dự án năng lượng “Dòng chảy Phương Bắc-2 (Nord Stream-2) xây dựng đường ống dẫn khí từ Nga tới Đức vừa cho biết đã nộp đơn xin chuyển hướng dòng chảy, bởi một đạo luật của Đan Mạch có thể khiến dự án bị đình lại.

“Dòng chảy Phương Bắc-2” tiếp tục được khai thông

QĐND - Liên danh các nhà thầu của dự án năng lượng “Dòng chảy Phương Bắc-2 (Nord Stream-2) xây dựng đường ống dẫn khí từ Nga tới Đức vừa cho biết đã nộp đơn xin chuyển hướng dòng chảy, bởi một đạo luật của Đan Mạch có thể khiến dự án bị đình lại.

Động thái này cho thấy quyết tâm tiến hành dự án trị giá 9,5 tỷ euro của Nga và các đối tác cho dù gặp rất nhiều khó khăn do vấp phải sự cản trở từ nhiều phía. Đạo luật mới có hiệu lực từ tháng 1-2018 của Đan Mạch chỉ là một trong những cản trở đối với dự án này. Dựa trên đạo luật mới, chính phủ Đan Mạch có quyền từ chối bất kỳ đường ống dẫn năng lượng nào đi qua vùng lãnh hải quốc gia của mình, nếu nó gây nguy hại đối với an ninh và quốc phòng.

Theo thiết kế, hướng dòng chảy của Nord Stream-2 sẽ đi qua phía nam đảo Bornholm ở biển Baltic, nằm trong vùng lãnh hải của Đan Mạch và điều này khiến Nord Stream-2 vướng rào cản pháp lý. Vì vậy, để bảo đảm tiếp tục dự án, Nord Stream-2 phải chuyển hướng dòng chảy tránh đi qua vùng lãnh hải này. Ban quản lý dự án cho biết, tuyến dẫn mới dài 175km sẽ đi qua phía tây bắc đảo Bornholm, tránh được vùng lãnh hải của Đan Mạch và chỉ băng qua vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Dự án Nord Stream-2 đã bắt đầu tiến hành công việc nạo vét để đặt được ống dẫn

Trong mấy tuần gần đây, dự án Nord Stream-2 xây dựng đường ống dẫn khí ngầm dưới đại dương dài 1.200km gây ra căng thẳng cho các nhà lãnh đạo Mỹ, Đức và Nga. Nhưng thực tế là từ nhiều năm qua, dự án năng lượng khổng lồ này đã gây ra nhiều rạn nứt giữa châu Âu và Mỹ cũng như giữa các nước châu Âu với nhau. Trong khi Đức ủng hộ dự án thì Đan Mạch, Ba Lan lại phản đối.

Ba Lan và các nước khác trong khu vực, vốn phụ thuộc vào khí đốt của Nga, tẩy chay dự án này với lập luận rằng, dự án đi ngược lại với chính sách của châu Âu trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, cũng như đem lại “những tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị cho châu Âu”.

Trong đó, bất đồng giữa Nga và Ukraine là đáng chú ý bởi hầu hết các đường ống dẫn khí đốt của Nga tới châu Âu đều đi qua lãnh thổ Ukraine, đem lại cho nước này nguồn thu đáng kể. Ukraine lo ngại sau khi dự án Nord Stream-2 hoàn thành, Nga sẽ chuyển đường cung cấp khí của họ sang châu Âu thẳng tới Đức, làm ảnh hưởng tới thu nhập của ngân sách Ukraine.

Còn về phía Mỹ, Washington lo ngại Nord Stream-2 sẽ khiến châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga, khiến Ukraine càng bị cô lập hơn. Tuy nhiên, Nga cho rằng, lập luận này chỉ nhằm đánh lạc hướng sự chú ý vì Mỹ cũng muốn bán được nhiều khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của mình cho châu Âu. Hồi tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích việc Đức ủng hộ dự án sau khi thừa nhận sự thật là Mỹ muốn gia tăng lượng LNG sang “lục địa già”, cạnh tranh với khí đốt Nga.

Trong dự án này, chính phủ Đức được cho là đang bị làm khó bởi nhiều yếu tố, bao gồm việc Berlin bị chia rẽ với các đồng minh trong khu vực và bên kia Đại Tây Dương, thậm chí cả ngay trong nội bộ nước Đức cũng nảy sinh bất đồng. Giữa những tranh cãi về giá trị thương mại của Nord Stream cũng như yếu tố địa chính trị của dự án, hồi tháng 4 vừa qua, mặc dù vẫn ủng hộ dự án, lần đầu tiên Thủ tướng Đức Angela Merkel buộc phải thừa nhận rằng “có sự cân nhắc chính trị” đối với dự án mà ở thời điểm đó bà mô tả là “một canh bạc thương mại”.

Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối từ các đối tác châu Âu, Mỹ và từ chính các thành viên trong liên minh cầm quyền của Đức, Nord Stream-2 vẫn được tiếp tục. Đến nay, công việc nạo vét đã bắt đầu được thực hiện và các công nhân sắp bắt đầu đặt các đường ống dẫn ngầm dưới biển Baltic.

Một trong những yếu tố bảo đảm cho “Dòng chảy Phương Bắc-2” tiếp tục được khai thông đó là sự ủng hộ mạnh mẽ của Gazprom, tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga đang sở hữu công ty điều hành dự án ống dẫn Nord Stream-2 AG. Đáng chú ý, Giám đốc điều hành của công ty này là Matthias Warig, được coi là một trong những nhà vận động hành lang đáng gờm nhất của Berlin. Đối với Gazprom, dự án này rất có ý nghĩa vì việc vận chuyển khí đốt đi qua một nước vẫn đang có xung đột với Nga như Ukraine là điều cực kỳ rủi ro và ngày càng không khả quan, nhất là trong bối cảnh những đường ống dẫn từ thời Liên Xô của Ukraine đang ngày càng cũ đi.

Một chuyên gia kinh tế của Ukraine là Viktor Sharshevsky mới đây đã cho rằng, Nord Stream-2 là một dự án kinh tế thuần túy có lợi cho châu Âu và Ukraine nên suy nghĩ cách hiện đại hóa hệ thống vận chuyển khí đốt của mình.

XUÂN PHONG