Phụ nữ Tà Long giúp nhau vượt khó
(QT) - Để giúp nhau vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống và thực hiện bình đẳng giới, những năm qua Hội Phụ nữ xã Tà Long, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã đoàn kết, tiến hành xây dựng những mô hình thiết thực để cùng nhau vươn lên trong cuộc sống. Chị Hồ Thị Thương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tà Long cho biết: “Hiện tại, xã có 510 hội viên tham gia sinh hoạt đều đặn hàng tháng. Những năm qua Hội đã có những hoạt động thiết thực giúp nhau vượt qua khó khăn, đồng thời tuyên truyền, vận động ...

Phụ nữ Tà Long giúp nhau vượt khó

(QT) - Để giúp nhau vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống và thực hiện bình đẳng giới, những năm qua Hội Phụ nữ xã Tà Long, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã đoàn kết, tiến hành xây dựng những mô hình thiết thực để cùng nhau vươn lên trong cuộc sống. Chị Hồ Thị Thương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tà Long cho biết: “Hiện tại, xã có 510 hội viên tham gia sinh hoạt đều đặn hàng tháng. Những năm qua Hội đã có những hoạt động thiết thực giúp nhau vượt qua khó khăn, đồng thời tuyên truyền, vận động bình đẳng giới, giải phóng sức lao động của phụ nữ Vân Kiều. Bên cạnh đó, thời gian qua Hội đã tiến hành xây dựng nhiều mô hình nhằm khơi dậy tình đoàn kết, nâng cao nhận thức, sẻ chia kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội cho phụ nữ ở xã”.

Hội viên phụ nữ xã Tà Long chia sẻ kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi

Chị Thương cho biết thêm, trước đây chị em phụ nữ ở Tà Long còn gặp rất nhiều khó khăn, vất vả do những quan niệm, hủ tục lâu đời ăn sâu trong suy nghĩ của người dân. Người phụ nữ Vân Kiều suốt ngày làm việc tối tăm mặt mày, không có thời gian nghỉ ngơi nhưng vẫn không làm chủ được đồng tiền, không có tiếng nói trong gia đình. Trong khi đó các ông chồng chỉ ngồi chơi, uống rượu, chi tiêu hoang phí nên cuộc sống gia đình luôn trong tình trạng khó khăn. Nhưng nay thì khác, qua các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của các ban, ngành liên quan, chị em được tham gia các buổi sinh hoạt, hội họp về vai trò người phụ nữ trong gia đình nên đã dần khẳng định được vai trò của mình và đã làm chủ được đồng tiền, sử dụng đúng mục đích nên cuộc sống đã phần nào thoải mái hơn trước. Nhằm mục đích nâng cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt lên hoàn cảnh, Hội Phụ nữ xã Tà Long đã xây dựng các mô hình ở từng thôn, bản như: “Heo đất”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”... Điều đáng mừng là các mô hình này đều nhận được sự đồng thuận, tham gia tích cực của đông đảo hội viên phụ nữ và qua thực hiện đã đạt được kết quả như mong muốn. Chị Hồ Thị Quyết ở thôn Pa Hy cho biết: “Trước kia vợ chồng tôi không biết tiết kiệm nên kiếm được đồng nào tiêu hết đồng nấy, đến khi đau ốm đột ngột chẳng biết xoay xở đâu ra. Từ khi tham gia mô hình “Heo đất” ở thôn, hễ cứ thu hoạch xong một vụ sắn, vụ tràm vợ chồng tôi lại trích ra một ít để bỏ heo đất, hay khi đi chợ về còn thừa tiền lẻ tôi cũng để vào heo đất dành dụm cuối năm mở một lần. Cũng nhờ thế mà năm vừa qua, gia đình tôi có tiền để sắm sửa, may áo quần cho chồng, con và ăn cái tết ấm cúng nhờ số tiền “mổ” từ heo đất”. Hiện tại, trong 6 thôn ở Tà Long hầu như gia đình nào cũng có một con heo đất do chị em phụ nữ đứng ra quản lý. Từ số tiền chưa cần sử dụng đến hay tiền lẻ đều được chị em dành dụm, để vào trong heo đất để khi nào cần thiết mới mang ra sử dụng. Bên cạnh mô hình “Heo đất” trong mỗi gia đình, “Hũ gạo tiết kiệm” là mô hình được Hội Phụ nữ Tà Long xây dựng ở các thôn khó khăn như: Tà Lao, Kè, Sa Ta. Đều đặn hàng tháng, số gạo góp được được chia cho những chị em mất sức lao động, tàn tật, người già cả neo đơn trong các thôn với mục đích nâng cao tình đoàn kết, “lá lành đùm lá rách” trong chị em phụ nữ. Ngoài hai mô hình trên, Hội Phụ nữ xã Tà Long còn thành lập Câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế với gần 500 chị em phụ nữ tham gia. Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ hàng tháng nhằm chia sẻ những kinh nghiệm trong làm ăn, phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống từng hộ gia đình. Không những thế, khi mùa màng đến nếu chị em nào không may đau ốm, câu lạc bộ sẽ đứng ra giúp một ngày công để cùng chia sẻ khó khăn. Bên cạnh đó, trong những buổi sinh hoạt, những chị em sản xuất, kinh doanh giỏi sẽ được mời lên phát biểu, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi trồng cho mọi người học tập, noi theo. Nhờ vậy, ở xã Tà Long đã có những gương phụ nữ vượt khó, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả như chị Pỉ Phùng từ một hộ nghèo vươn lên khá giả nhờ trồng rừng và chăn nuôi dê; chị Hồ Thị Quyết làm giàu bằng mô hình nuôi bò nhốt, trồng sắn... Ngoài việc giúp nhau trong phát triển kinh tế gia đình, Hội Phụ nữ xã Tà Long vẫn duy trì mô hình nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn, bản với hơn 200 thành viên/22 nhóm tham gia. Hiện nhóm đang sở hữu số vốn gần 200 triệu đồng và thực hiện việc vay vốn theo quy trình quay vòng với lãi suất dưới 1%, đảm bảo nguồn vốn đến tay từng hộ dân. “Mặc dù cuộc sống của chị em phụ nữ ở xã Tà Long còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng mọi người luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống. Với việc duy trì, phát huy các hoạt động thiết thực như trên, chúng tôi tin rằng những người phụ nữ Vân Kiều nơi đây sẽ từng bước dìu nhau qua khó khăn, cùng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc”, chị Hồ Thị Thương tin tưởng cho biết. Bài, ảnh: ĐỨC NGHĨA