(QT) - Đang ngồi dưới hiên nhà để cẩn thận vá từng mắt lưới của tấm lưới rê bùng nhùng bị rách cho kịp ngày mai bàn giao cho “khách hàng”, ông Bùi Đình Quý (71 tuổi) ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh dừng tay trò chuyện với tôi. Ông Quý cho biết, vốn gắn bó với nghề biển từ năm 15 tuổi, đến năm 2015 ông không ra biển nữa bởi tuổi già, sức yếu. Từ đó, ông nhận lưới từ các chủ tàu về để vá tại nhà. Nghề này không cần chuẩn bị dụng cụ gì ngoài chiếc kim, con thoi, kéo cắt với đôi bàn tay khéo léo. Lưới ông nhận vá chủ yếu là lưới rê bùng nhùng, lưới gấc… mỗi ngày vá lưới, các chủ tàu trả công khoảng 200 - 250 nghìn đồng. Ở thị trấn Cửa Việt, hiện chỉ có mình ông là đàn ông làm nghề vá lưới, còn chủ yếu là phụ nữ, bởi nghề này cần tính kiên nhẫn, tỉ mỉ trong từng công đoạn như cắt gọt từng mắt lưới thật cẩn thận rồi mới tiến hành vá lại thì miếng vá mới đẹp, chắc chắn… Nghề vá lưới dù có vất vả đôi chút nhưng thu nhập quanh năm.
![]() |
Ông Bùi Đình Quý ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh vá lưới rê bùng nhùng |
Khi nói về nghề vá lưới thuê, chị Bùi Thị Huệ, ở khu phố 7, thị trấn Cửa Việt cho rằng đến với nghề này cũng là “duyên nghề”. Quê chị ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, vốn là dân biển chính gốc. Năm 2002, chị lấy chồng rồi theo chồng về ở khu phố 7, thị trấn Cửa Việt. Những năm đầu về làm dâu, chị cùng chồng ra biển đánh bắt thủy hải sản. Đến khoảng năm 2012, thấy các chủ tàu đánh bắt xa bờ ở thị trấn Cửa Việt có nhu cầu vá lưới (nhất là loại lưới rê bùng nhùng), chị nghỉ nghề biển để vá lưới thuê. Do có tay nghề cao nên nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ ở thị trấn Cửa Việt tìm đến để nhờ chị vá lưới. Công việc nhiều nên chị phải gọi thêm khoảng 7 - 10 người làm nghề vá lưới giỏi ở thôn Cát Sơn (xã Trung Giang, huyện Gio Linh) làm cùng chị. Hiện tiền công mà các chủ tàu trả cho khoảng 4 thợ vá lưới là 1 triệu đồng/1tấm lưới/ ngày. Ngoài việc nhận vá lưới, nhóm thợ của chị Huệ còn nhận ráp lưới mới cho các chủ cơ sở bán ngư lưới cụ. Cứ 4 người ráp 12 tấm lưới rê bùng nhùng mới thì được chủ cơ sở trả công khoảng 800 - 900 nghìn đồng/ngày.
Chị Huệ cho biết: “Làm nghề vá lưới phải ngồi suốt ngày, cắm mặt vào tấm lưới, lưng khom, chân thẳng, tay phải làm việc liên tục, công việc lặp đi lặp lại... đôi khi ngồi bên bờ biển chỉ có tấm bạt cũ che tạm nắng gió như đổ lửa. Công việc này cũng chính là nguyên nhân gây ra các bệnh đau lưng, thoát vị đĩa đệm, đau khớp, mỏi mắt... cho nhiều người theo nghề. Có hôm ngồi lâu quá khi đứng dậy tự nhiên hoa cả mắt, mặt mày choáng váng. Khi ấy phải nhờ người xoa bóp một lúc mới tỉnh lại được”.
Anh Trần Minh Hoán ở khu phố 1, thị trấn Cửa Việt là chủ cơ sở bán ngư lưới cụ cho biết, nghề vá lưới trở thành nghề mưu sinh của nhiều người dân vùng biển, đa số là phụ nữ. Để hành nghề, họ lập thành từng nhóm từ 10 - 15 người. Cứ mỗi khi tàu về, chủ tàu gọi là họ có mặt để vá lưới. Công việc của những người thợ bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 16 giờ chiều (mỗi người chỉ nghỉ trưa khoảng 30 phút để ăn cơm rồi lại tiếp tục công việc). Tùy theo tình trạng của tấm lưới mà người thợ làm những công việc khác nhau như cột lại viền lưới, vá lưới, cột phao… Thông thường mỗi tàu cá, nhóm thợ vá từ 3 - 5 ngày mới xong. Nghề này nhìn thấy đơn giản, nhưng thực tế đòi hỏi sự tỉ mỉ cao. Bởi khi móc lưới cần phải chặt tay tại các mối nối, giúp đường lưới không chạy khi bung xuống biển. Người vá lưới phải cẩn trọng và chịu khó, ai không có được hai đức tính này thì khó theo nghề. Riêng cơ sở bán ngư lưới cụ của gia đình anh Hoán bình quân mỗi tháng cần đến 10 người thực hiện việc ráp lưới mới bán cho khách hàng. “Cứ sau mỗi chuyến biển khoảng 15 - 20 ngày trở về, các chủ tàu đánh bắt xa bờ đều gọi thợ đến gia cố lại lưới để chuẩn bị cho chuyến biển sau. Chi phí cho mỗi lần gia cố khoảng 5 - 10 triệu đồng. Nếu không có những người thợ vá lưới, chi phí mua lưới mới còn tốn kém hơn nhiều. Nhờ có những người thợ vá lưới, các chủ tàu đánh bắt xa bờ cảm thấy an tâm hơn cho mỗi chuyến đi biển, vì lưới lúc nào cũng đảm bảo, cá không bị lọt ra ngoài”, anh Hoán cho biết thêm.
Từ bao đời nay, hình ảnh từng nhóm thợ ngồi tỉ mẫn vá lưới đã trở thành nét riêng của cư dân làng biển. Nghề này đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục lao động ở các làng biển.
Hoàng Tiến - Như Quỳnh